Những "mô hình xanh" giáo dục truyền thống

13:00 22/03/2015     1943

3 Chương trình   Đại tá Nguyễn Hồng Ngân, Chính ủy Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) khẳng định: “Công tác giáo dục truyền thống là cơ sở để xây dựng niềm tin, rèn luyện ý chí chiến đấu và bản lĩnh của người quân nhân!”.

 Chính ủy Nguyễn Hồng Ngân giới thiệu về con đường mang tên những chiếc xe tăng lập nhiều chiến công.
Chính ủy Nguyễn Hồng Ngân giới thiệu về con đường mang tên những chiếc xe tăng lập nhiều chiến công.

Trong những năm qua, giáo dục truyền thống ở Lữ đoàn 273 có nhiều cách làm hiệu quả. Trong chương trình giáo dục chính trị cơ bản hằng năm cho các đối tượng, cơ quan chính trị lồng ghép các nội dung câu hỏi liên quan đến lịch sử, truyền thống. Các cơ quan, đơn vị còn chủ động đầu tư thời gian, công sức biên soạn tài liệu, xây dựng hệ thống biểu đồ, mô hình trực quan để giới thiệu rõ hơn về truyền thống hào hùng và những chiến công, cũng như thành tích tiêu biểu. Những đợt tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp Quân đoàn, hay liên hoan văn hóa, văn nghệ, giao lưu kết nghĩa định kỳ, thường xuyên, các cơ quan, đơn vị đều coi trọng nội dung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa.

Đến Lữ đoàn 273 trong những ngày tháng ba lịch sử, điều khiến chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm của đơn vị chính là việc kết hợp xây dựng cảnh quan môi trường gắn với việc giáo dục truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Điều đó được thể hiện rõ nét ngay trong doanh trại. Trước khuôn viên của mỗi đại đội, cán bộ, chiến sĩ tự sáng tạo, thiết kế một mô hình xe tăng (giống như xe tăng thật) đặt trên bệ xi măng và ghi tóm tắt truyền thống, thành tích của kíp xe tăng đó. Các con đường nhựa bao quanh đơn vị được đặt tên bằng chính số hiệu của những chiếc xe tăng đã từng anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay dưới tên đường là những tấm bảng vàng ghi rõ lý lịch và thành tích của chiếc xe tăng ấy. Ví dụ: Đường xe tăng 980 ghi: “Xe tăng 980 thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 do đồng chí Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng, Đại đội trưởng chỉ huy, tham gia trận mở màn then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Xe tăng 980 đã bắn sập một góc cổng chính và dùng sức mạnh húc đổ cổng sắt Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, góp phần quan trọng đánh tan quân địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột".

Còn ở Đại đội 7, dưới mô hình xe tăng 377 là những dòng chữ vàng: “Ngày 24-4-1972, xe tăng thuộc Trung đội 2, Đại đội 7, Trung đoàn 273 tham gia Chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh, do đồng chí Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng chỉ huy đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt 7 xe M41 của địch trong một trận đánh, lập công xuất sắc. Ngày 9-1-2009, kíp xe 377 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân".

Theo Thượng tá Trần Văn Tuân, Phó chính ủy Lữ đoàn, công tác giáo dục truyền thống ở lữ đoàn không hô hào khẩu hiệu chung chung, mà được thể hiện bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể. Ngoài việc tạo điểm nhấn trong khuôn viên cảnh quan xanh, sạch, đẹp của đơn vị, việc xây dựng những "mô hình xanh" có ý nghĩa trực quan giáo dục truyền thống như vậy sẽ góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về lịch sử, giáo dục ý thức trách nhiệm, niềm tự hào và ý chí quyết tâm, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Đây còn được coi là những công trình văn hóa để giáo dục thẩm mỹ cho bộ đội.