Nguyễn Thị Duyên: Không sợ vấp ngã

11:29 07/04/2017     948

3 Chương trình   Giải quyết việc làm cho hơn 20 đoàn viên thanh niên tại địa phương, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm. Đó là hiệu quả mà mô hình làm hương do chị Nguyễn Thị Duyên (1988) tại Thôn Húi, xã Đan Hội, Huyện Lục Nam (Bắc Giang) mang lại.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, chị Duyên uớc mơ được làm cô giáo gieo chữ cho thế hệ tương lai. Sau 2 năm lặn lội xin việc khắp nơi không mang lại kết quả, chị quyết định rẽ ngang, tìm hướng đi mới cho bản thân.
Chị Nguyễn Thị Duyên vui vẻ khi kiểm tra xong chất lượng bó tăm hương
Chị Nguyễn Thị Duyên vui vẻ khi kiểm tra xong chất lượng bó tăm hương
 

 Chị vay mượn người thân bạn bè mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà để có việc làm, đồng thời dành thời gian vun vén chăm lo cho gia đình. Sau những lần về quê Thái Bình, chị thấy nghề làm hương mang lại hiệu quả và cho lợi nhuận cao, nguồn nguyên liệu sẵn có, dễ tìm. Ở địa phương lại chưa có ai tiên phong, lúc này chị tò mò tìm hiểu và nuôi ý tưởng mở nhà xưởng. Ban đầu chưa có hiểu biết, kinh nghiệm về nghề nên chị đã khăn gói đi học cách làm hương tại một số xưởng sản xuất hương ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trong quá trình đó chị cũng kết hợp tìm các nguồn nguyên liệu và kết nối với các địa điểm, thương lái tiêu thụ để tạo đầu ra sau này.
 
Đầu năm 2014, chị mạnh dạn vay thêm bạn bè, họ hàng mở xưởng sản xuất hương tại khu đất của gia đình, đầu tư trang thiết bị máy móc và mua nguyên vật liệu như (mùn cưa, than hoa, tre và bột đá ...). Trong nửa năm đầu, sản phẩm hương làm ra phần thì hỏng, phần kém chất lượng bỏ đi nhiều. Thương lái không mua gây thua lỗ, tổng số tiền nợ lên tới hơn 500 triệu đồng. Không nản chí, chị tiếp tục tìm hiểu cách chế biến, phơi, sấy và bảo quản qua sách báo, khảo sát thực tế ở những mô hình sản xuất thành công. Từ đó chị đã đúc rút ra những kinh nghiệm để thực hiện những đợt sau. Đúng như câu Bác Hồ khuyên thanh niên “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, quãng thời gian khó khăn đó cũng trôi đi thì xưởng sản xuất hương của chị đã hoạt động đều đặn và cho ra những sản phẩm chất lượng, các đầu mối và thương lái đã thu mua trở lại.
 
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Duyên còn rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, chị luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên thanh niên  có ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt để tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên thanh niên địa phương không phải ly hương kiếm sống, chị Duyên thế chấp vay tiếp vốn của ngân hàng để đầu tư mở rộng thêm 2 nhà xưởng nữa.
 
Đến nay, chị Duyên đã có 3 nhà xưởng sản xuất hương diện tích gần 600m2, mỗi năm trừ chi phí đem lại lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Nhờ đó tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu/tháng.
 
Đồng chí Vũ Thị Tuân, Bí thư Đoàn xã Đan Hội cho biết: “Chị Duyên là người dám nghĩ, dám làm, không ngại gian khổ vấp ngã, đến nay chị đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển sản xuất. Qua đó, khẳng định được tinh thần và ý chí vươn lên của tuổi trẻ, xứng đáng để cho đoàn viên thanh niên tại địa phương học tập”.