Nguyễn Huy Hưng – Thành công bước đầu đã mỉm cười với chàng trai trẻ

14:32 04/08/2014     2636

3 Chương trình   Web.ĐTN: Gặp chàng trai trẻ Huy Hưng với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và cách nói chuyện dí dỏm còn mang nhiều phong cách của tuổi teen ít ai nghĩ rằng anh là chủ một mô hình kinh tế - Cơ sở sản xuất bếp, viên nén mùn cưa và gia công cơ khí với lãi suất thu nhập bình quân hơn 15 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Huy Hưng với công việc hàng ngày của mình
Nguyễn Huy Hưng với công việc hàng ngày của mình


Nguyễn Huy Hưng sinh năm 1987, là con út trong một gia đình có 4 anh em tại xóm Trại, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2008 sau khi bắt đầu nhập học tại Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên chuyên ngành Tự động hóa, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng việc làm từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ít. Khi đó anh đã nhận định rằng sau học ra trường sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm để phù hợp với chuyên ngành mà mình được đào tạo. Anh đã nhiều ngày đêm băn khoăn, suy nghĩ, ái ngại về vấn đề việc làm của mình sau ra trường và việc bố mẹ nuôi ăn học. Không để thời gian trôi qua một cách vô ích, vừa ra sức học tập, anh vừa tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên Nhà trường tổ chức, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế, các chương trình khởi sự doanh nghiệp do Đoàn Thanh niên nhà trường phối hợp tổ chức.

Sau khi ra trường với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm được đào tạo cộng với kinh nghiệm thực tế từ những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, những ví dụ, cách làm, gương thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương đã thôi thúc động lực cho anh quết tâm làm kinh tế. Anh nói “Có nhiều con đường lập nghiệp thành công, tùy vào suy nghĩ và đam mê của mỗi người, quan trọng hơn là mình phải xác định được niềm đam mê, đặt tâm huyết vào cái mà mình làm thì sẽ cảm thấy tự tin hơn và cứ thế thực hiện thôi (anh cười). Tôi thấy có nhiều người cũng khởi sự từ hai bàn tay trắng, tự lực cánh sinh, không được đào tạo chính quy, bài bản qua trường lớp nào cả mà vẫn rất thành công, còn tôi… (cười) tại sao không?!”   

Sinh ra và lớn lên tại Phú Bình, một huyện thuần nông của tỉnh, anh nhận thấy rằng việc cung cấp nguyên liệu chất đốt trong cuộc sống hằng ngày phục vụ cho việc nấu nướng hay cho các ngành, nghề sản xuất hàng hóa ngày càng lớn và không thể  thiếu được. Các sản phẩm chất đốt chủ yếu phục vụ cho việc nấu ăn hàng ngày trong các hộ gia đình và các đơn vị tập thể, các làng nghề truyền thống như: làng nghề bánh trưng bờ đậu, các làng nghề chè, làng nghề làm mỳ hay các quán ăn, nhà hàng… đó là những nhu cầu lớn, có tính lâu dài và có thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.

Với suy nghĩ đó, anh đã bàn bạc, xin ý kiến bố mẹ về việc tổ chức sản xuất, kinh doanh với tên gọi “Cơ sở sản xuất bếp, viên nén mùn cưa và gia công cơ khí”. Anh đã được gia đình, bạn bè đồng tình, ủng hộ. Sự động viên của gia đình và bạn bè đã tiếp sức mạnh cho anh bước tiếp trên con đường khởi nghiệp. Anh đã không quản nắng mưa, rong ruổi bằng xe máy đến những cơ sở, các xưởng sản xuất, công ty tại các địa phương ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và cả thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Từ tháng 3/2013, anh bắt đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình và cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên anh đã có những sản phẩm đầu tay của mình. Với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 150 triệu đồng, Quy mô sản xuất chỉ có 01 nhà xưởng diện tích hơn 100 m2, bình quân có thể sản xuất bếp đun viên nén mùn cưa với số lượng 400 chiếc/tháng, sản xuất viên nén mùn cưa số lượng 40 tấn/tháng, thường xuyên thuê 11 lao động làm cho anh phần đa đều đang trong độ tuổi thanh niên.

Bước sang năm 2014, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất của mình với diện tích hơn 500 m2 và sử dụng 15 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi về suy nghĩ của anh về những sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng? Anh nói: “Tôi rất tự tin nhưng cũng không khỏi hồi hộp, thấp thỏm xen lẫn lo âu trong những ngày đầu sản xuất và niềm vui vỡ òa khi những sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng”. Tính toán sơ bộ sau khi đã trừ các chi phí đầu vào, chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương thuê nhân công, mô hình sản xuất bếp, viên nén mùn cưa và gia công cơ khí đã giúp anh có được nguồn thu nhập với số tiền lãi bình quân 15 triệu/tháng. Đây là một con số không hề nhỏ so với một người bước đầu bắt tay vào làm kinh tế. Thành công đã bén duyên với chàng trai trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm Nguyễn Huy Hưng.

Nói về dự định của mình trong thời gian tới, anh chia sẻ: “Khi có điều kiện tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, mua sắm thêm một số trang thiết bị máy móc mới. Mong muốn sản phẩm của mình không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh bạn; tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để đưa ra những mẫu mã sản phẩm đẹp, thích ứng với mọi đối tượng để cung ứng ra thị trường”.

Không chỉ đam mê làm kinh tế, anh còn là một đoàn viên luôn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động Đoàn tại địa phương; gương mẫu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ý chí, nghị lực của đoàn viên Nguyễn Huy Hưng đã và đang trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp cho các đoàn viên, thanh niên địa phương noi theo.

Tin tưởng rằng với thực tiễn thành công từ mô hình của anh và những mô hình tiêu biểu ở các địa bàn khác, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình nói riêng và trong toàn tỉnh sẽ ngày càng nở rộ; giúp thanh niên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Với những thành tích đã đạt được, anh vinh dự đạt giải nhất trong cuộc thi Ý tưởng kinh doanh xuất sắc tỉnh Thái Nguyên do hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 6/3/2014.