Người thầy bước ra từ cánh cửa trại giam

16:57 21/09/2015     1310

3 Chương trình   Tương lai vừa mở ra trước mắt của Thành đã bị cánh cửa trại giam đóng lại sau lần anh lầm lỡ. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, thanh niên này đã trở thành giảng viên đại học.
Từ một tấm gương sáng

Nguyễn Trung Thành vừa bước sang tuổi 34, người nhỏ, nhanh nhẹn, có vẻ già hơn tuổi, gương mặt luôn cười nhưng sự khắc nghiệt của cuộc sống vẫn còn hằn rõ. Anh bảo, để hình dung hết sự tuyệt vọng khi bước vào cánh cửa trại giam thì phải nhắc đến quãng thời gian tuổi trẻ của mình.

Hồi đó, xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) quê anh là một xã nghèo, kinh tế khó khăn nên việc học hành lên cao là một thứ xa xỉ. Thành cũng vậy, nhà có ba chị em, hai chị gái đều học rất giỏi nhưng hết lớp 9 thì nghỉ học.
Anh Nguyễn Trung Thành
Anh Nguyễn Trung Thành


Thanh niên này ham vui, học kém hơn 2 chị nên năm lớp 6 thì chán học. Cậu xin phép cha mẹ nghỉ học đi chăn vịt, câu cá cho thích.

“Hồi đó tôi mê câu cá lắm, có thể ngồi xuyên trưa, quên ăn để câu. Cái việc câu cá nó cho mình thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ, dù hồi ấy tôi còn nhỏ. Tôi tự đặt câu hỏi, chẳng lẽ mình cứ đi chăn vịt, câu cá suốt đời, tại sao có người được làm bác sĩ, làm giáo viên? Thì người ta phải học. Thế là tôi lại xin bố cho đi học lại”, anh Thành kể.

Tuy bị muộn mất một năm, nhưng không hiểu sao từ ấy Thành học hành tiến bộ rõ rệt. Học hết lớp 9, Thành là người duy nhất của lớp đỗ vào hệ A của trường cấp 3.

Lên cấp 3 được học ngoại ngữ, cậu có năng khiếu nên được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thi đại học năm đầu trượt, năm thứ hai Thành mới đỗ vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Phiên dịch tiếng Anh.

Là người đầu tiên của quê nghèo đậu đại học nên nhiều người ngưỡng mộ Thành. Đặc biệt, khi anh mở quỹ khuyến học thì trong làng ngoài xã, ai nấy đều lấy Thành làm tấm gương cho con cháu. Lúc đó, có người còn đặt tên con giống tên anh để mong sau này cũng được học hành thành tài.

Chuyện về quỹ khuyến học cũng tình cờ. Thành bảo rằng, tuy lận đận nhưng số mình cũng may mắn vì gặp được nhiều người tốt.

Năm đại học thứ hai, trong một lần lui tới Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chơi, Thành thấy rất nhiều khách nước ngoài đến đây thăm quan, nhưng chỉ có hướng dẫn viên ở khu trưng bày trong nhà mà khu ngoài trời thì không có, thế là cậu nảy ra ý định xin vào đây làm tình nguyện viên hướng dẫn cho khách nước ngoài ở các khu nhà ngoài trời.

Thành tìm đọc hết các sách về văn hóa các dân tộc, hiểu nhuần nhuyễn rồi xin vào làm hướng dẫn cho du khách ở các khu nhà ngoài trời. Cậu viết cả một bài hướng dẫn như vậy bằng tiếng Anh và sau này đưa thêm nhiều bạn sinh viên cùng khoa vào đây làm tình nguyện.

Mới đầu chỉ là làm vì đam mê, sau Giám đốc Bảo tàng khi ấy là ông Nguyễn Văn Huy thấy ý tưởng hay và rất hiệu quả, đã quyết định trả cho cậu một khoản kinh phí nhỏ, thế là đi làm vừa vui, vừa có tiền.

Làm việc ở bảo tàng cũng đem lại cho Thành nhiều may mắn. Nhiều khách nước ngoài rất quý Thành, vì anh có có một vốn kiến thức rất sâu về văn hóa các dân tộc. Thế nên, nhiều người sau khi thăm Bảo tàng Dân tộc học xong còn mời anh đi cùng để hướng dẫn khi họ thăm các địa điểm khác.

Trong những người khách như thế có một cặp vợ chồng người Mỹ, sau khi về thăm quê anh, thấy vùng quê quá nghèo khó, trẻ em ít được đi học đã quyết định giúp anh thành lập một quỹ khuyến học. Cứ mỗi trường hợp đi học đại học, cao đẳng thì mỗi học kỳ được phát 1 triệu đồng, đi học trung cấp mỗi kỳ được 500.000 đồng.

Năm 2002, đay là cả một số tiền lớn nên đã khuyến khích phong trào học tập ở quê lên rất cao, rất nhiều học sinh đã được đi học đại học, cao đẳng nhờ nguồn khuyến khích này.

Đến bản án 12 năm tù giam

Đã 9 năm trôi qua kể từ khoảnh khắc cánh cửa phòng biệt giam đóng sập sau lưng chàng trai trẻ, nhưng Thành không thể nào quên thời khắc đó. Thành bảo, lúc đó không phải là thất vọng, mà là tuyệt vọng, nghĩ cuộc đời mình không còn gì nữa. Làng xóm láng giềng thất vọng, bất ngờ, bố mẹ thì suy sụp.

Con đường đưa Thành vào trại giam chính bản thân anh cũng không ngờ tới. Thành kể lúc ra trường, vì thích tự do bay nhảy nên anh quyết định vào tận TP HCM lập nghiệp.

Với tấm bằng cử nhân loại ưu và kinh nghiệm làm việc của mình, không khó để anh xin được một công việc tốt. Anh làm việc cho một công ty nước ngoài. Công ty này muốn xin đất làm dự án khách sạn ở Khánh Hòa nên anh theo ra đó làm phiên dịch.

Trong quá trình này, chủ đầu tư đã chi một khoản tiền lớn để “bôi trơn” và vụ việc bị phanh phui, không may mắn là Thành cũng có vai trò liên quan. “Mới đầu bị công an gọi lên thì cứ nghĩ họ gọi lên làm nhân chứng thôi nhưng sau biết bị tội môi giới hối lộ và nhận mức án tới 12 năm thì tôi suy sụp lắm. 12 năm, tuổi trẻ cũng đã hết, ra tù mình còn gì nữa, thế nên lúc đó chỉ biết diễn tả rằng tôi hoàn toàn tuyệt vọng”.

Kinh khủng nhất là quãng thời gian sống trong trại tạm giam, tâm lý thì như thế lại phải sống trong một môi trường mà mình chưa bao giờ hình dung đến, đủ các loại người, cướp giật, nghiện ngập, chích hút, HIV cũng có.

“Nhưng cũng chính quãng thời gian đó đã dạy cho tôi rất nhiều điều, dạy cho tôi bản lĩnh sống để thích nghi với mọi hoàn cảnh. May mắn trong trại tôi gặp một người anh cùng phòng tạm giam, anh đã động viên, khuyên bảo tôi rất nhiều. Từ những lời khuyên đó, tôi bắt đầu suy nghĩ lại, việc mình đã làm thì phải dám chịu, quan trọng là phải biết chấp nhận hoàn cảnh, biết vươn lên. Có những người bị kết án 20 năm, chung thân, họ vẫn phải chấp nhận, vẫn cười huống hồ mình”, anh Thành nhớ lại.

Và người thầy trên giảng đường đại học

Thụ án tại Trại A2 Khánh Hòa, vì có trình độ lại nhiều tài lẻ nên anh được đề xuất lên làm quản lý phạm nhân, sau đó được làm “cán bộ văn hóa”. Anh bảo, chính những năm tháng tù tội lại rèn cho anh thêm kỹ năng sống cũng như khả năng “sư phạm”.

“Công việc quản lý phạm nhân rất phức tạp đòi hỏi phải là người có rất nhiều khả năng. Trại có những 3.000 phạm nhân đủ các thành phần nên để họ nghe theo mình phải có một cái tâm cũng như khả năng ăn nói, thuyết phục tốt, lối sống đàng hoàng thì họ mới nể. Sau này tôi được đề xuất làm cán bộ văn hóa, cứ sáng thứ 2 chào cờ thì lên nói chuyện cùng phạm nhân. Chính đây là cơ hội để rèn khả năng ăn nói, khả năng thuyết phục”, anh chia sẻ.

Sau hơn 3 năm thụ án, với thành tích cải tạo xuất sắc, mùa hè 2010, Thành được trả tự do. Ngày về, cha mẹ Thành quá vui mừng nên khóc như mưa. Hàng xóm đến chia vui đầy nhà, không ai nghĩ anh được ân xá sớm như vậy.

Sau đó, anh ra Hà Nội mở một quán phở nhỏ để bắt đầu lại cuộc sống. May mắn lại đến với anh khi một người bạn cũ thấy anh có trình độ, đã giới thiệu thi vào làm giảng viên tiếng Anh tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Anh thi thử và không ngờ đứng top đầu trong số 100 người thi, sau 1 năm thử thách, anh được nhận làm giảng viên chính thức của trường.

Với kỹ năng sư phạm tốt, sự dí dỏm và chuyên môn cao của mình, giờ học tiếng Anh của thầy Thành luôn tạo sự hứng thú cho sinh viên, anh liên tục là giảng viên dạy giỏi của trường. Ngoài giảng dạy trên lớp, anh còn mở lớp phụ đạo tiếng Anh cho các em sinh viên trong trường và những em có đam mê tiếng Anh, những em khó khăn anh không thu học phí.

Câu lạc bộ tiếng Anh mang tên Gecko English Club (GEC) cũng chính là thông điệp mà anh gửi gắm đến các em học viên từ chính câu chuyện cuộc đời mình, hãy giống như con thằn lằn (Gecko), tuy nhỏ bé nhưng phải biết biến đổi để mà thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Đối với Nguyễn Trung Thành, cuộc sống của anh trải qua hoạn nạn, lỗi lầm, nhưng cũng trao cho anh rất nhiều cơ hội, vì vậy khi có một cơ hội tốt anh quyết làm việc hết mình để bù đắp lại khoảng thời gian sai lầm.

Thành tâm sự: “Trong lúc gặp hoạn nạn mới thấy có quá nhiều người tốt với mình mà mình chưa thể trả ơn. Chẳng hạn như người bạn Mỹ giúp tôi mở quỹ khuyến học năm xưa, đã quyết định dùng hết số tiền còn lại trong quỹ để thuê luật sư cho tôi, một ông khách người Pháp biết tin bị bắt thì vào tận trại giam thăm tôi. Những em sinh viên được hưởng quỹ khuyến học năm xưa cũng rủ nhau gom góp tiền vào trại thăm tôi. Rồi một người anh trong trại đã giúp tôi thức tỉnh, tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Tôi thực sự rất biết ơn, và cách trả ơn tốt nhất là phải sống thật tốt”.