Nền tảng TMĐT FoodMap.Asia giành giải nhất cuộc thi Startup Hunt 2020

17:09 27/11/2020     1863

3 Chương trình   Web.ĐTN: Đây là nền tảng giúp kết nối hộ nông dân nhỏ và vừa đến khách sạn và khu dân cư để cung cấp các thực phẩm nông nghiệp, giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm cho người sản xuất một cách chắc chắn và ổn định.

Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) 2020 và cuộc thi “Dự án khởi nghiệp ĐMST Startup Hunt 2020" với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp” nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp; giúp các nhà khởi nghiệp tham gia Hành trình có được kỹ năng, kiến thức và sự kết nối cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công.

 

Ban Tổ chức trao giải Nhất của Cuộc thi tặng Dự án "Nền tảng thương mại điện tử Nông Sản" của tác giả Mai Thanh Thái

 

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức tổng kết Hành trình Thanh niên khởi nghiệp ĐMST 2020 với chủ đề:“Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch” và cuộc thi “Dự án khởi nghiệp ĐMST Startup Hunt 2020" với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hành trình thanh niên khởi nghiệp và cuộc thi “Dự án khởi nghiệp ĐMST Startup Hunt 2020" là chuỗi các hoạt động về khởi nghiệp lớn trên toàn quốc nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ĐMST; phát triển và mở rộng mạng lưới khởi nghiệp tại địa phương; từng bước hình thành các Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương mà Hành trình đi qua. Đây là mô hình phát triển bền vững cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển đồng đều trên quy mô cả nước. 

 

Ông  Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát biểu tại chương trình

 

Về Hành trình thanh niên khởi nghiệp, do tác động của đại dịch COVID-19, Ban tổ chức đã thực hiện tối ưu hóa ứng dụng công nghệ trong khâu tổ chức thực hiện. Các buổi hội thảo, kết nối cung cầu, kết nối nhà đầu tư… ngoài việc tổ chức theo phương thức truyền thống, còn được ứng dụng công nghệ số để đạt hiệu quả cao hơn, kết hợp cả online và offline; các triển lãm, hội chợ Con đường nông sản cũng được triển khai theo hình thức này.

Chủ đề xuyên suốt của Hành trình là kinh tế nông nghiệp cũng có những điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương nơi hành trình đi qua. Ban tổ chức kết nối với lãnh đạo từng địa phương, nắm rõ định hướng và chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó, xây dựng nội dung, chương trình hành động giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp thu được đường lối phát triển đó một cách thiết thực và có chiều sâu, từ đó làm kinh tế theo đúng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. 

Mỗi năm, Ban tổ chức Hành trình đều tạo ra những điểm khác biệt nhằm mang đến nhiều giá trị hơn cho những nhà khởi nghiệp trực tiếp tham gia cũng như địa phương nơi Hành trình đi qua. Theo đó, năm nay ngoài những buổi tọa đàm cùng các khách mời được xây dựng với nội dung chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương,đã kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp tại địa phương có sự tham gia của các lãnh đạo địa phương nhằm lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ Startup nông nghiệp còn non trẻ. 

Với Hành trình cấp khu vực tại Thái Nguyên, Nghệ An, Lâm Đồng có màn gọi vốn của các nhà khởi nghiệp. CEO của các dự án nông nghiệp gọi vốn trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao. Việc làm này  càng ý nghĩa nhất là trong bối cảnh, những màn gọi vốn từ các startup thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghệ chiếm đa số, cơ hội dành cho các startup nông nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư còn khá khiêm tốn. Đây là sân chơi cho các Startup thực sự có tiềm năng để cọ sát và thử thách, chứng minh tiềm năng của Startup. Việc đánh giá tính khả quan của mô hình không ai phù hợp hơn các nhà đầu tư. 

Điểm mới thứ hai là trong Hành trình là triển lãm “Con đường nông sản” trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các mô hình kinh tế khởi nghiệp ĐMST, của các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ để minh chứng cho kết quả khởi nghiệp ĐMST trong nông nghiệp của thanh niên; giúp họ giao lưu quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại. Các gian hàng được trưng bày để giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo các địa phương, bên mua, huấn luyện viên khởi nghiệp và giới truyền thông. Các chủ gian hàng sẽ được giao lưu, quảng bá và nhận được những ý kiến đánh giá nhằm hoàn thiện sản phẩm và dự án của mình.

Điểm mới thứ ba là vở kịch “Cô gái và chiếc xe máy” do Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem và đây cũng là một cách thức truyền đi thông điệp về tuổi trẻ và ước vọng khởi nghiệp. Vở kịch được kỳ vọng sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và đánh thức khát vọng khởi nghiệp ở một bộ phận không nhỏ thanh niên trí thức, đặc biệt là tại những vùng miền mà nông nghiệp là ngành chiếm ưu thế.

Về Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sang tạo Startup Hunt 2020", Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 ý tưởng, dự án tham gia, qua vòng bán kết với 30 dự án được đào tạo trực tuyến cùng chuyên gia đã lựa chọn ra 05 dự án bước vào vòng chung kết.

Kết quả, nền tảng thương mại điện tử nông sản FoodMap.Asia của tác giả Mai Thanh Thái giành giải Nhất với giải thưởng 100 triệu đồng. Đây là nền tảng giúp kết nối hộ nông dân nhỏ và vừa đến khách sạn và khu dân cư để cung cấp các thực phẩm nông nghiệp, giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm cho người sản xuất một cách chắc chắn và ổn định. 

 

Các dự án được trao giải tại chương trình

 

Ban tổ chức còn trao 01 giải Nhì trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Ba trị giá 20 triệu đồng; 01 giải triển vọng 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận cho các dự án tiêu biểu. 

Bảo Anh