Ma Văn Chuyển - Người thanh niên dân tộc Tày làm kinh tế giỏi

10:27 23/05/2016     485

3 Chương trình   Web.ĐTN: Bước sang tuổi 26 nhưng người thanh niên dân tộc Tày Ma Văn Chuyển trú tại thôn Giàng, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã có một nền tảng kinh tế khá vững chắc.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế đã giúp gia đình anh Chuyển không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình. Mới đây, anh Chuyển được Ban Thường vụ Huyện đoàn Lục Ngạn tuyên dương là thanh niên dân tộc tiêu biểu.


Anh Chuyển kiểm tra đàn ong mật nuôi tại vườn nhà.
Anh Ma Văn Chuyển (bên trái) kiểm tra đàn ong mật nuôi tại vườn nhà

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện ăn học, học hết cấp II, anh Chuyển đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nương rẫy và nuôi các em ăn học.

Trải qua cuộc sống bữa no bữa đói, anh Chuyển đã sớm nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo. Bằng cách tận dụng lợi thế nguồn hoa rừng vô tận, anh đã quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật.

Bước đầu chỉ có một vài đàn, đến nay anh Chuyển đã có 30 đàn ong. Anh Chuyển cho biết do đây là loại ong nội, tuy sản lượng mật đạt thấp (khoảng trên 10 lít/1 đàn/1 năm) nhưng bù lại giá bán lại cao hơn mật thường do mật được lấy từ cây rừng tự nhiên.

Để đàn ong khỏe mạnh, cho sản lượng mật đều, theo anh Chuyển trong quá trình chăm sóc ong cần có vật dụng che mưa nắng và phòng các bệnh như sâu ăn sáp, thối ấu trùng... Cùng với việc chăm sóc trên 100 cây vải thiều mỗi năm cho thu hoạch trên ba tấn quả, anh Chuyển còn tìm tòi nghiên cứu để ghép được gần 200 cây bưởi Diễn trồng xen vải thiều. Dự kiến những cây bưởi này sẽ cho thu hoạch vào vụ năm 2017.

Anh Chuyển tâm sự: “Trong thôn có nhiều thanh niên vì cái lợi trước mắt mà đi làm ăn xa hoặc xuất cảnh trái phép. Tôi nhận thấy quê hương mình có rất nhiều điều kiện phát triển kinh tế như chăn thả gia súc, trồng cây ăn quả... nên tôi xác định sẽ gây dựng “cơ nghiệp” từ nơi tôi đã sinh ra”.

Năm 2011, thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, anh Chuyển đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư làm chuồng trại, mua trâu bò, lợn sinh sản về nuôi, nhờ sự cần cù chăm chỉ, chịu khó học hỏi, nên đàn gia súc của gia đình ngày một tăng thêm.

Hiện tại anh duy trì đàn trâu 10 con, lợn thịt từ 5 đến 7 con. Trong năm 2015 vừa qua, chỉ tính riêng từ tiền bán bò và lợn thịt đã cho gia đình anh thu nhập trên 90 triệu đồng. Chính vì vậy, gia đình anh Chuyển đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá giả ở trong thôn. Cũng trong năm 2015, anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố trị giá gần 200 triệu đồng. Với mô hình chăn nuôi và trồng chọt kết hợp mỗi năm anh Chuyển có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Không những tích cực làm kinh tế, anh Chuyển còn là người luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào Đoàn Thanh niên tại địa phương, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người thân thực hiện chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân cho những thanh niên muốn phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Theo Ban Thường vụ Đoàn thanh niên xã Phong Minh, đây là một trong những ĐVTN đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, đồng thời là tấm gương để tuyên truyền, động viên thanh niên trên địa bàn không cần đi đâu xa mà có thể làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình.

Đồng chí Cao Văn Dự - Bí thư Đoàn thanh niên xã Phong Minh, cho biết, là xã vùng cao, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng điều kiện để phát triển kinh tế không ít. Mô hình kinh tế tổng hợp của thanh niên Ma Văn Chuyển được đánh giá là có nhiều triển vọng. Tới đây Đoàn xã sẽ tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm để cho đoàn viên thanh niên tự có ý tưởng phát triển kinh tế gia đình mình”.

Dựa vào ưu thế của địa phương, bằng bàn tay, khối óc, sự cần cù chịu khó và ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân, anh Ma Văn Chuyển đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng trở thành tấm gương trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp cho các đoàn viên thanh niên học tập và noi theo.