Làng Thanh Niên lập nghiệp, nơi sự sống đang nảy mầm

13:46 27/04/2015     1350

3 Chương trình   Đến thăm làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sau 7 năm kể từ ngày thành lập, so với vẻ hoang vu, cằn cỗi của những ngày đầu, giờ đây mảnh đất này thực sự đã khoác lên mình một màu áo mới.
Vẻ xanh tươi ngút ngàn của bãi mía, nương ngô, vẻ mặt rạng ngời của những người lao động trên nông trường đã nói lên tất cả - “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Ngôi làng của những thanh niên lập nghiệp

Cách TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) chừng 80km về phía Tây, làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng thuộc địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Cái tên làng đúng như ý nghĩa của nó, mảnh đất này là quê hương thứ hai của những người thanh niên từ các vùng quê của Thanh Hóa đến đây lập nghiệp.
Những người lao động hăng say trên nông trường mía
Những người lao động hăng say trên nông trường mía


Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Sông Chàng được xây dựng từ năm 2008 do Tỉnh đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Hiện làng đã có hơn 141 hộ thanh niên đang lập nghiệp tại đây. Ngôi làng đã tập hợp hàng trăm thanh niên thuộc diện hộ nghèo, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng tất cả họ đều đặt hết niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai ở miền đất mới.

Ngày ấy, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 10/2008, LTNLN Sông Chàng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 600ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ, giải quyết việc làm cho 300 lao động trẻ; khai hoang trồng mới 300ha cao su, 200ha mía, rừng, sắn và hoa màu. Làng có hệ thống đường giao thông dài 5km, hệ thống điện trung thế, hạ thế; giếng khoan, bể lọc; nhà ở tập thể, nhà văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế... và thiết bị phục vụ sản xuất, đầu tư hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp. Theo quy định, mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) vào LTNLN Sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ (chương trình hỗ trợ các huyện nghèo nhất nước).

 Sau hơn 7 năm kể từ ngày thành lập, so với vẻ hoang vu và cằn cỗi của những ngày đầu, giờ đây mảnh đất này thực sự đã khoác lên mình một màu áo mới. Vẻ xanh tươi ngút ngàn của bãi mía, nương ngô, vẻ mặt rạng ngời của những người lao động trên nông trường đã nói lên tất cả - “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Nhờ sự chăm chỉ và cần cù, những người lao động đã biến vùng đất vốn chỉ có núi rừng và cây cối hoang vu sông Chàng trở thành vùng đất trù phú với bạt ngàn mía và cao su. Hiện hơn 200ha mía, gần 300ha cao su cùng nhiều loại cây ngắn ngày khác đang tạo nguồn thu giúp các gia đình ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu, làm cho mảnh đất vốn hoang vu giờ đây tràn ngập một sức sống mới.

Sức sống nảy mầm trên vùng đất hoang

Khi chúng tôi đến thăm, làng Thanh Niên đã qua vụ thu hoạch mía, trên nông trường rộng lớn đang nhú dần lên những mầm xanh của mía, của ngô, khoai, sắn…
Ruộng rau xanh mướt cả một vùng trước đây vốn hoang vu
Ruộng rau xanh mướt cả một vùng trước đây vốn hoang vu


Anh Trần Quốc Tuấn, người quê gốc ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Sau khi giải ngũ, tôi về quê lập gia đình, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, đất đai ít nên vợ chồng quanh năm làm lụng vẫn chẳng đủ ăn. Khi nghe có chương trình về “Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng”, tôi tình nguyện nộp đơn xin đi xây dựng kinh tế mới".

Sau hơn 5 năm lên đây, nhờ sự chịu thương, chịu khó, cuộc sống vợ chồng anh Tuấn đã khấm khá hơn rất nhiều. Anh đã có một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Chia sẻ về tình yêu với mảnh đất này, anh Tuấn nói: “Dù không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng ngôi làng chính là nơi đã mang đến cho tôi cuộc sống mới”.

Mảnh đất sông Chàng cũng là nơi khiến những con người xa lạ, mỗi người một phương tìm thấy bến đỗ của cuộc đời mình.

Gặp anh Lương Văn Tý và chị Lò Thị Toan đang chăm chút làm cỏ mía, mồ hôi ướt đẫm nhưng vẫn tươi cười chia sẻ: “Lúc đầu mới lên đây, nhìn những cánh rừng hoang vu trước mắt, tôi không biết mình sẽ làm gì ở đây. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của ban quan lý dự án mà cuộc sống dần đi vào quỹ đạo. Chúng tôi bắt tay vào khai hoang đất trồng mía, sắn và cao su, đến thời điểm hiện tại,  tôi có 1,9ha mía và hơn 5 sào đất trồng sắn đã cho thu hoạch ổn định. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhìn vào tương lai, tôi tin rằng làng sẽ phát triển nhanh về mọi mặt và nơi đây sẽ là quê hương thứ 2 của chúng tôi”.

Được biết, anh Tý quê ở huyện Thọ Xuân, sau nhiều năm lăn lộn trong Nam ngoài Bắc để kiếm sống, cuối năm 2008, anh trở về quê với hai bàn tay trắng. Đủ tiêu chuẩn được tuyển vào làng TNLN sông Chàng nên anh quyết tâm lên đây gây dựng cuộc sống.

Ông Lò Văn Xum, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Với mục đích xây dựng một mô hình phát triển kinh tế, lấy nông - lâm nghiệp làm chủ đạo, đồng thời tạo điều kiện bước đầu cho người dân sản xuất, Ban quản lý làng phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cung cấp giống và phân bón cho các hộ tiến hành trồng mía, có hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho mỗi gia đình để bảo đảm cuộc sống. Mặc dù dân cư vẫn còn thưa thớt nhưng kinh tế các hộ gia đình đã ổn định, nhiều hộ làm kinh tế giỏi nhờ nguồn thu từ mía và cao su”.

Ngôi làng đang “thay da đổi thịt” từng ngày, những khu rừng hoang, đất đai khô cằn trước đây đã được thay thế bằng bãi mía, nương ngô, cánh rừng cao su… xanh ngút ngàn. Đó là “trái ngọt” cho sự lao động hăng say không mệt mỏi của những con người chịu thương chịu khó.