Lâm Đồng: Giúp thanh niên yếu thế mạnh dạn phát triển kinh tế

10:15 09/11/2020     735

3 Chương trình   Web.ĐTN: Tháng 9/2020, mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vay vốn chăn nuôi trâu, bò của xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương) chính thức được ra mắt.

Từ nhiều năm qua, số tiền 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thuộc các tổ vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý đã sớm giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
 

Xã Ka Đơn hiện có 1.400 ĐVTN, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đời sống của những người trẻ, nhất là thanh niên đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về tư liệu sản xuất và nguồn vốn đầu tư. Trước tình hình đó, tổ vay vốn do Đoàn Thanh niên xã quản lý luôn ưu tiên hỗ trợ những ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn và có ý chí vươn lên thoát nghèo được vay vốn.

Ma Loại (thôn Ka Rái 1, xã Ka Đơn) đã lập gia đình được 10 năm. Trong 10 năm đó, chị vẫn cứ mãi quẩn quanh với cái nghèo đeo bám. Ngoài 2 sào đất bố mẹ cho để trồng rau màu, mỗi tháng chỉ đi làm thuê được 10 - 15 ngày công, thu nhập chỉ đủ lo cái ăn và chi tiêu hàng ngày. Thế nên, gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh khó khăn, túng thiếu. Năm 2019, được sự vận động và hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng mua 2 con trâu với giá 35 triệu đồng để chăn nuôi. Đó là số tiền không nhỏ đối với người phụ nữ 28 tuổi này. Sợ thì có sợ, lo thì có lo, nhưng chị Ma Loại bảo: “Mình nghèo quá, nên bây giờ có cơ hội thì mình thử làm. Vậy mới có hy vọng thay đổi cuộc sống, chứ làm thuê làm mướn mãi, bao giờ mới khá lên được như người ta hả em!”.

Cũng giống như Ma Loại, căn nhà của Ma Kiều (23 tuổi, thôn Ka Rái 1, xã Ka Đơn) vẫn còn tạm bợ. Ước mơ về một ngôi nhà khang trang được vợ chồng Ma Kiều “nuôi” trong 3 con bò vàng hiện có; trong đó, có 2 con được mua từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng CSXH thông qua sự ủy thác của Đoàn xã. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, Ma Kiều dùng 30 triệu đồng để mua 2 con bò giống. Số tiền còn lại, chị dùng cho việc xây dựng chuồng trại, mua thức ăn cho bò. Khoe 3 con bò béo tốt trong chuồng, Kiều háo hức khi nghĩ về số tiền sẽ có vào năm sau khi bán chúng đi. Với số tiền đó, Kiều có thể trả nợ ngân hàng, sửa sang lại căn nhà che tạm bằng mái tôn đã thủng vài lỗ, và tái đầu tư để tiếp tục nuôi thêm vài con bò khác. “Nếu không có nguồn vốn vay được hỗ trợ, vợ chồng em không biết bao giờ mới có đủ chừng đó tiền để mua bò giống, cũng không dám nghĩ đến những việc lớn hơn như xây nhà cửa” - Ma Kiều chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Quyết - Phó Bí thư Đoàn xã Ka Đơn, cho biết: Tính đến nay, vốn vay ủy thác do Đoàn Thanh niên quản lý là gần 4,1 tỷ đồng, với 134 hộ vay. Trong đó, có khoảng 30 hộ là ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền được vay tối đa 50 triệu đồng. Để triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH, Ban Thường vụ Đoàn xã thường xuyên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác vay và sử dụng vốn vay. “Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, chúng tôi thường xuyên đến kiểm tra, thăm nom, theo dõi tình hình chăn nuôi của các hộ” - anh Quyết khẳng định.

Thông qua việc tư vấn, động viên và giúp đỡ của Đoàn xã, tổ vốn vay và Ngân hàng CSXH huyện Đơn Dương, nhiều ĐVTN, nhất là đồng bào DTTS đã có sự thay đổi về tư duy; mạnh dạn và có trách nhiệm hơn trong việc vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều ĐVTN tại xã Ka Đơn đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế dần ổn định. Số lượng trâu và bò nhân lên theo các năm, từ gốc sinh ra lời. Từ đó, tạo sự phấn khởi và quyết tâm thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế trong lực lượng ĐVTN.

Ngoài ra, để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, Đoàn xã Ka Đơn còn phối hợp với UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giới thiệu, nhân rộng, tuyên dương những mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cho ĐVTN học hỏi. Đồng thời, Đoàn Thanh niên thường xuyên đánh giá tình hình quản lý, sử dụng vốn vay và tạo việc làm cho thanh niên. Từ đó, có hướng đề xuất tăng vốn và định hướng việc sử dụng vốn, tập trung cho các chương trình phát triển kinh tế của thanh niên. Nhờ đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong ĐVTN, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS ở xã Ka Đơn đang từng ngày được đẩy mạnh, khởi sắc.
 

Mỹ Dung