Hướng đi mới trong phát triển kinh tế của thanh niên Hà Tĩnh

14:32 22/10/2014     1839

3 Chương trình   Web.ĐTN: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vừa ra mắt mô hình điểm Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi lợn liến kết xã Cẩm Quan với 10 thành viên, nuôi 200 con lợn thịt siêu nạc, quy mô đầu tư gần 1,2 tỷ đồng đến lúc xuất chuồng; với hệ thống chuồng trại được đầu tư xây mới bài bản, mô hình đã góp phần giải quyết việc làm cho 20 lao động là ĐVTN và thành viên Tổ Hợp tác.
       
 Lễ ra mắt mô hình tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi liên kết ở xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Lễ ra mắt mô hình tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi liên kết ở xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh


 Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh được xác định ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chủ yếu với quy mô vừa và nhỏ, phần nhiều còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức, khó kiểm soát về thức ăn, con giống, dịch bệnh, môi trường, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng còn hạn chế … và đặc biệt là khó khăn khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm; việc thay đổi tập quán, tư duy và hình thức sản xuất cho người dân còn là vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh đó việc xây dựng và phát triển các mô hình theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, diện tích đất đai thuận lợi nhưng đối với thanh niên thì vốn, đất đai lại là trở ngại lớn nhất trên con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên.

Từ thực trạng trên, phát huy vai trò xung kích, đi đầu, mạnh dạn đảm nhận việc khó, việc mới của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất chăn nuôi quy mô vừa nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua THT, HTX đến năm 2020"; vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng và ra mắt mô hình điểm Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi lợn liến kết xã Cẩm Quan với 10 thành viên, nuôi 200 con lợn thịt siêu nạc, quy mô đầu tư gần 1,2 tỷ đồng đến lúc xuất chuồng; với hệ thống chuồng trại được đầu tư xây mới bài bản, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp; mô hình đã góp phần giải quyết việc làm cho 20 lao động là ĐVTN và thành viên Tổ Hợp tác. Ngoài số tiền 180 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã cùng đồng hành với cấp ủy, chính quyền và thanh niên thông qua việc: Tổ chức các cuộc họp dân tuyên truyền, vận động để đoàn viên thanh niên và người dân tin tưởng đầu tư xây dựng mô hình; giám sát, đôn đốc, tư vấn trong suốt quá trình xây dựng chuồng trại; phối hợp tổ chức tập huấn bài bản kỹ thuật chăn nuôi cho các tổ viên; tư vấn hướng dẫn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, địa phương. 

Với việc đầu tư, xây dựng chuồng trại, số vốn ban đầu phải bỏ ra để đầu tư xây dựng của tổ viên là không lớn, được đảm bảo về chất lượng con giống và đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định. Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi lợn liên kết đi vào hoạt động góp phần làm thay đổi tư duy, cách thức sản xuất của người dân và đoàn viên thanh niên, góp phần bảo vệ môi trường, giúp người dân yên tâm trong quá trình chăn nuôi từ khâu chọn giống cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm; từng bước tổ chức lại quy mô, hình thành các chuỗi giá trị; tạo bước chuyển đổi nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định rằng, đây là mô hình điểm của Đoàn, có hiệu quả thiết thực với đại đa số người dân, phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh chỉ đạo, là hướng đi mới cho thanh niên nông thôn và người dân học tập làm theo. 

Thời gian tới, trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi lợn liên kết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tuyên truyền, vận động ĐVTN và người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ trên một sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực có lợi thế, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; qua đó đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế thanh niên; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn trong tỉnh.