Hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp

10:11 13/09/2019     13257

3 Chương trình   Có ý kiến cho rằng, nhiều thanh niên nông thôn rời xa quê hương đi làm ăn xa và trở thành thanh niên công nhân, phải chăng đó cũng là một mặt tích cực? Tuy nhiên việc hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp một cách bền vững, có nền tảng, không phụ thuộc vẫn là một bài toán khó đối với các cấp chính quyền, địa phương và tổ chức đoàn thanh niên.

 

 

 

Mô hình phát triển kinh tế trồng rau thủy canh của đoàn viên thanh niên huyện Tiên Lữ (Hưng Yên).

 

Nỗ lực từ các cấp bộ đoàn

Mới đây, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, T.Ư Ðoàn phát động cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2019 (tiền thân là "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2018). Cùng với hàng trăm triệu đồng tiền thưởng, các thí sinh tham dự cuộc thi còn có cơ hội nhận học bổng tăng tốc khởi nghiệp hàng nghìn USD; được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi hàng tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Ðoàn khẳng định: "Tại cuộc thi này, T.Ư Ðoàn sẽ "phá lệ", trực tiếp hỗ trợ kết nối, làm mọi hồ sơ, thủ tục giải ngân vốn hỗ trợ thanh niên nông thôn, không ủy quyền cho các tỉnh đoàn, thành đoàn như trước đây. Trong khi chờ đợi các quy định thông thoáng hơn, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp tại chỗ, đồng hành hiệu quả cùng các bạn trẻ".

Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ cả nước, Tỉnh đoàn Hưng Yên tham mưu cấp ủy ban hành Ðề án "Hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp giai đoạn 2018-2022" với nhiều mục tiêu cụ thể dựa trên nhu cầu thực tế của đoàn viên, thanh niên địa phương. Theo đó, thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức nhiều lớp tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên; ra mắt câu lạc bộ Ðầu tư khởi nghiệp tỉnh Hưng Yên...

Ðồng chí Bùi Huy Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên cho biết: "Vừa qua, để đẩy nhanh tiến độ Ðề án, Tỉnh đoàn Hưng Yên ký chương trình phối hợp với hai ngân hàng về việc hỗ trợ nguồn vốn vay khởi nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu thành lập các quỹ khởi nghiệp dựa trên các nguồn xã hội hóa".

Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách, thu hút hơn 1.700 thanh niên trình độ đại học chính quy về công tác tại địa phương. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Lê Văn Trung, hai năm qua, cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" đã thu hút sự tham gia của hơn 100 thanh niên với nhiều công trình, đề tài tiềm năng. Nhiều ý tưởng được ứng dụng vào sản xuất, giúp nhiều doanh nghiệp thanh niên làm chủ, được công nhận "Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo". Ðến nay, tỉnh Thanh Hóa đã trích hơn 10 tỷ đồng ngân sách cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp. Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh "đỡ đầu" nhiều ý tưởng sáng tạo, vận động doanh nghiệp cho thanh niên vay không lãi suất...

Tại tỉnh Lâm Ðồng, các cấp bộ đoàn chú trọng duy trì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại "Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo" như: chương trình "Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp", câu lạc bộ "Thanh niên khởi nghiệp", mô hình "Chi hội giúp đỡ hộ nghèo"...

Qua đây, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng tổng dư nợ của đoàn, hội địa phương lên gần 450 tỷ đồng. "Việc xây dựng thành công mô hình vườn ươm khởi nghiệp bước đầu đã mang lại cho thanh niên không gian chung để phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Từ đó, dần hình thành, lan tỏa sâu rộng phong trào khởi nghiệp đến các khu vực thành thị, nông thôn và vùng dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh", Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Ðồng Hồ Ngọc Phong Hải chia sẻ.

Phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở những người trẻ đã được nhen nhóm và cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, thể hiện qua ý chí khởi nghiệp mạnh mẽ của nhiều thanh niên nông thôn, ở những nỗ lực hỗ trợ, đồng hành liên tục, sáng tạo của các cấp bộ đoàn, sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn để phong trào khởi nghiệp của lực lượng thanh niên nông thôn mang đến những chuyển biến đồng đều, rộng khắp, góp phần cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của đất nước.

Tiếp tục tháo gỡ những nút thắt

Tháng 3/2017, T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Supporting Center for Youth’ Startup - SYS). Với mô hình dịch vụ tích hợp dựa trên mạng lưới vệ tinh sâu rộng trong nước và nước ngoài, SYS được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ hình thành quốc gia khởi nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là đến thời điểm này, nếu truy cập vào một số mục liên quan đến kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp tại trang web chính thức của SYS như "Các quỹ tư nhân có vốn đầu tư khởi nghiệp", "Các tỉnh/thành phố có Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp", "Nguồn vốn"... thì đều chỉ thấy thông báo "đang cập nhật". Sự mơ hồ của một địa chỉ đầu mối chịu trách nhiệm kết nối những nhà khởi nghiệp trẻ với các tổ chức, cá nhân đồng hành đã phần nào phản ánh rõ nét thêm tình hình thiếu nguồn vốn hỗ trợ lực lượng thanh niên trong làn sóng khởi nghiệp ở nước ta hiện nay.

Có thể thấy rằng, việc hỗ trợ thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng tiếp cận với nguồn vốn, các thông tin về cơ chế, chính sách khởi nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Các phong trào, chương trình đồng hành cùng thanh niên tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến còn nhiều mặt chưa đồng đều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bởi vậy, số lượng thanh niên nông thôn được hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp còn chưa nhiều, chưa thể hiện tính lan tỏa giữa các địa phương. Bên cạnh ý chí làm giàu chính đáng của một bộ phận thanh niên nông thôn còn chưa cao, năng lực hạn chế, có nơi yếu kém của đội ngũ cán bộ đoàn thanh niên, sự thiếu quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng... nguyên nhân chính của tình trạng kể trên bắt nguồn từ việc thiếu hụt một hành lang thông thoáng, đặc thù, một cơ quan điều phối quốc gia về khởi nghiệp với khả năng kết nối, vận hành linh hoạt, hiện đại, chuyên nghiệp giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài.

"Tôi mong rằng, thanh niên cả nước sẽ sớm được tiếp cận một loại hình quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đặc thù trong tương lai gần, tương tự như Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam. Nguồn vốn hỗ trợ của quỹ này và những cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên sẽ được kiểm soát bởi một cơ quan điều phối quốc gia, điều hành trực tiếp bởi Chính phủ. Việc đưa vào vận hành một bộ phận chuyên trách, một nguồn quỹ với những ưu đãi trực tiếp dành riêng cho loại hình đối tượng có nhiều tiềm năng trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như thanh niên sẽ mở ra vô số cơ hội phát triển vượt trội cho hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà", Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên Bùi Huy Cường kỳ vọng.

Ðồng tình với ý kiến nêu trên, Trưởng ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Thanh Hóa) Nguyễn Trung Thực cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến thanh niên đi làm ăn xa là do thiếu việc làm tại chỗ, thiếu vốn lập nghiệp. "Qua khảo sát của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, thì phải cần khoảng 80 tỷ đồng để hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh, nhưng nguồn vốn hiện có không đủ. Hơn bao giờ hết, thanh niên nông thôn tại Thanh Hóa mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, được tạo cơ hội lập nghiệp, khởi nghiệp bằng sức lao động của chính mình". Theo đồng chí Nguyễn Trung Thực, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn học tập, nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật cũng như kỹ năng lập thân, lập nghiệp. Ðồng thời, có chế độ đãi ngộ, cải thiện điều kiện làm việc nhằm tạo điều kiện để cán bộ đoàn ở cơ sở thêm gắn bó, chuyên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến lực lượng thanh niên nông thôn, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Ý kiến của đồng chí Nguyễn Trung Thực cũng là điều mà nhiều thủ lĩnh thanh niên tại tỉnh vùng cao Lâm Ðồng mong mỏi. Ðồng chí Ndu Ha Eo, Bí thư đoàn thôn Liêng Krắc 1, xã Ðạ M’Rông, huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng) cho biết: "Tôi mong rằng các cấp chính quyền tiếp tục ban hành các chính sách, quyết nghị nhằm đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong thanh niên dân tộc thiểu số. Việc tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác làm ăn, đồng thời triển khai thêm những chương trình tập huấn, tham quan thực tế mô hình hay sẽ mang lại những hiệu quả tích cực đối với lực lượng thanh niên dân tộc có nhu cầu khởi nghiệp". Ðồng chí Trần Thị Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà (Lâm Ðồng) hiến kế: "Việc kết hợp công tác quảng bá sản phẩm, mô hình khởi nghiệp thành công của thanh niên tại những chương trình tập huấn, hội thảo, công tác của đoàn các địa phương sẽ là nguồn động lực, khơi gợi ý tưởng rất tốt đối với các thanh niên đang có ý định khởi nghiệp khác. Qua đây, vừa thể hiện vai trò của tổ chức đoàn thanh niên, vừa hình thành một mạng lưới khởi nghiệp với sự hỗ trợ qua lại của thanh niên".

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện từ cấp ủy, các bộ, ngành, ngọn lửa từ phong trào khởi nghiệp đang được nhen nhóm ở thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng sẽ tập trung được sức nóng cần thiết, tạo nên một "cơn bão" lửa mãnh liệt, lâu dài, với sức hút, sức lan tỏa mạnh mẽ, đưa đất nước vươn lên những tầm cao mới trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng ngày nay.

 

Bảo Anh