Hiệu quả từ nguồn vốn vay khởi nghiệp cho thanh niên

15:46 28/07/2021     4491

3 Chương trình   ĐTN: Anh Tiến chia sẻ: “Hiện tại, việc nuôi trồng nấm tương đối thuận lợi và hiệu quả, giá cả, thị trường ổn định, cùng với những kinh nghiệm tích lũy của bản thân, em sẽ sử dụng nguồn vốn vay từ Đoàn một cách có hiệu quả nhất để phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình”.

 

 Anh Trần Quang Tiến tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2020 (áo trắng, ngồi giữa)

 

Từ ý tưởng đến hiện thực

Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng thu hút các bạn trẻ tham gia hưởng ứng, tần suất xuất hiện những tấm gương, những mô hình khởi nghiệp trong thanh niên trên cơ sở ứng dụng nền tảng khoa học công nghệ ngày một nhiều hơn, nhiều bạn trẻ mạnh dạn phát triển các ý tưởng kinh doanh có tính khả thi, mạnh dạn vay vốn mở doanh nghiệp và đã có những thành công bước đầu.

Anh Trần Quang Tiến (24 tuổi) ở thôn An Giang Đông, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, do đó, từ nhỏ đến lớn, ngoài thời gian đi học, anh còn phụ giúp gia đình trong những công việc đồng án hàng ngày. Nhờ vậy anh Tiến thấu hiểu được những cực nhọc và vất vả của những người làm nông, với những khó khăn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Và từ đó, anh luôn ấp ủ ý tưởng phát triển ngành nông nghiệp của gia đình sang một hướng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã chọn học ngành công nghệ sinh học trường Đại học Quy nhơn, từ đó anh bén duyên với sản xuất và nuôi trồng nấm bào ngư xám.

Bắt đầu từ giữa năm 2016 trở đi, nấm bào ngư xám bắt đầu được bà con nhân dân đưa vào trồng với số lượng vượt trội kèm theo thị trường tiêu thụ lớn, tuy không phải là loại nấm mới nhưng do sự thoái trào của các loại nấm khác không mang lại lợi ích kinh tế đã giúp bào ngư trở thành cây nấm kinh tế. Nhận thấy việc sản xuất và nuôi trồng nấm tương đối thuận lợi, cùng với niềm đam mê và những ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu nay, chàng trai trẻ Trần Quang Tiến đã mạnh dạn quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và nuôi trồng nấm, vừa cải thiện kinh tế gia đình, vừa giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Thanh niên cùng nhau làm giàu

Nghĩ là làm, năm 2017, khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Quy Nhơn, anh Trần Quang Tiến đã mạnh dạn xin vốn từ gia đình để đầu tư vào nuôi trồng nấm bào ngư xám. Với tinh thần chịu khó, cùng với nhiệt huyết và đam mê của bản thân, Tiến đã nghiên cứu, học hỏi và áp dụng nuôi trồng theo hình thức công nghệ cao. Nhờ đó, hiệu quả và năng suất được cải thiện rõ rệt, mỗi tháng tiêu thụ hơn 400kg nấm với lợi nhuận thu về mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, tạo việc làm cho 02 lao động là đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Anh Tiến chia sẻ rằng, “Vạn sự khởi đầu nan”, có lúc cũng khó khăn, nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, người thân, bạn đã tìm tòi, nghiên cứu qua báo chí, mạng internet và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình khác để khắc phục những khó khăn, đưa sản phẩm của anh đến với thị trường tiêu thụ.

Sau khi đã đi vào hoạt động ổn định, cơ sở của anh Tiến đã được mở rộng với quy mô trên 1.000m2, với nhiều máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất phôi và nuôi trồng nấm như: máy đảo mùn cưa, máy sát trùng, lò hấp phôi, máy phun sương… giải quyết việc làm cho 02 lao động tại địa phương với thu nhập 06 triệu đồng/tháng, đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển kinh tế cao, anh Tiến đã mạnh dạn xin vay vốn từ nguồn vốn Quỹ “Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp” của Tỉnh đoàn với số vốn 100 triệu đồng. Với nguồn vốn hỗ trợ này, anh Tiến tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng nấm, với nhiều loại nấm khác nhau theo hướng công nghệ cao, mang lại nguồn dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao như: nấm linh chi, nấm hoàng đế, nấm chân dài…

Anh Tiến chia sẻ: “Hiện tại, việc nuôi trồng nấm tương đối thuận lợi và hiệu quả, giá cả, thị trường ổn định, cùng với những kinh nghiệm tích lũy của bản thân, em sẽ sử dụng nguồn vốn của Tỉnh đoàn một cách có hiệu quả nhất để phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình”.

Ngoài cơ sở sản xuất của riêng mình, anh Tiến hiện tại là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ AgriBio với nguồn vốn góp 600 triệu đồng. Hoạt động theo 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là sản xuất nông nghiệp bao gồm sản xuất rau củ quả an toàn theo chuẩn VietGap; sản xuất, chế biến bánh tráng gạo nguyên chất; sản xuất, chế biến nấm ăn và nấm dược liệu an toàn. Nhóm thứ 2 là nhóm dịch vụ nông nghiệp bao gồm dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; dịch vụ chuyển giao công nghệ: sản xuất nấm, trồng dưa lưới, hệ thống tưới, trồng rau thủy canh…; dịch vụ cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; dịch vụ cung cấp cây giống, con giống; dịch vụ sấy lúa và sàn lọc cung cấp lúa giống; dịch vụ, thăm quan du lịch nông nhiệp sinh thái.

Ngoài ra, trong HTX có các tổ chức hợp tác sản xuất, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi liên kết với các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã Nông Nghiệp Hữu Cơ (AgriBio) do thanh niên làm chủ được thành lập là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tập thể của thanh niên, thu hút nguồn lao động có trình độ gắn bó với địa phương, là cơ hội để ĐVTN, nông dân trong và ngoài địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới thành công, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Thành công bước đầu của cơ sở đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp truyền thống, vận dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sản xuất, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho thanh niên, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương mình. Ngoài ra, với những kiến thức đã học được từ chuyên ngành công nghệ sinh học, Tiến cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương trong việc sản xuất nông nghiệp như kỹ thuật xử lý dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc, cách thức bón phân…

Ngoài việc sản xuất kinh doanh, Trần Quang Tiến rất nhiệt huyết với công tác Đoàn, Hội, thường xuyên tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội; góp phần xây dựng phong trào Đoàn, Hội tại địa phương ngày càng vững mạnh.
                                       

Bích Đào