Giúp thanh niên khởi nghiệp

16:49 03/03/2020     2615

3 Chương trình   Phong trào lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương của tuổi trẻ Bắc Giang đã và đang được triển khai hiệu quả từ sự tiếp sức của các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua tổ chức đoàn. Ngày càng nhiều dự án kinh tế của thanh niên cho thu nhập cao, đóng góp tích cực vào chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đồng hành khởi nghiệp

Trại nuôi chim bồ câu của anh Dương Trọng Bằng (SN 1990), thôn Nguộn, xã Thượng Lan (Việt Yên) được bố trí hàng lối gọn gàng, sạch sẽ. Năm 2016, từ những đồng vốn ban đầu của gia đình, anh mua 200 cặp chim bồ câu sinh sản về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nhất là việc phòng bệnh nên thua lỗ. Thất bại càng khiến anh thêm quyết tâm lặn lội đến những chủ trại nuôi chim ở các vùng lân cận để học hỏi kỹ thuật, nắm bắt quy trình chăm sóc.

 

Lãnh đạo Thành đoàn Bắc Giang thăm mô hình trồng hoa ly của thanh niên phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).

 

Để mở rộng quy mô sản xuất, anh được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, đến nay, trại chim của anh Bằng có diện tích 130 m2, nuôi 300 cặp chim sinh sản và 300 cặp chim hậu bị. Mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 200 cặp chim con, trừ chi phí lãi gần 20 triệu đồng. Cùng đó, anh Bằng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ các đoàn viên trong xã có nhu cầu học hỏi.

Cũng như anh Dương Trọng Bằng, năm 2015, anh Vũ Thế Anh (SN 1991), thôn Ngọc Yên Ngoài, xã Cao Xá (Tân Yên) khởi nghiệp nhờ vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm (qua kênh T.Ư Đoàn) với mô hình trang trại tổng hợp. Anh hiện có hơn 20 nghìn m2 nuôi cá, hơn 300 cây bưởi, 50 con lợn và bò sinh sản. Trước đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh không có vốn.

Giữa lúc trăn trở để tìm hướng thoát nghèo, Thế Anh được Đoàn xã Cao Xá hướng dẫn làm thủ tục vay 200 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Vậy là anh bắt tay vào đào ao thả cá, đắp luống trồng cây, xây dựng hệ thống tưới… Trang trại của anh hiện cho thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Từng bước gỡ khó

 

Anh Dương Trọng Bằng, xã Thượng Lan (Việt Yên) phát triển trang trại nuôi chim bồ câu từ nguồn vốn vay ưu đãi.

 

Theo anh Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, hiện nay để khởi nghiệp, xóa nghèo, phần lớn các bạn trẻ đều gặp khó khăn về vốn. Để giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, các cấp bộ đoàn đã phối hợp quản lý tốt hai nguồn vốn vay ưu đãi gồm Chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Quỹ quốc gia về việc làm.

Hết năm 2019, từ hai nguồn này, toàn tỉnh đã giải ngân cho gần 100 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Tổng số vốn xoay vòng hơn 8,4 tỷ đồng. Hằng năm có hàng trăm hộ do thanh niên làm chủ được hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế đã thoát nghèo.
 

Anh Lương Quang Tuyên, Bí thư Huyện đoàn Yên Thế cho biết: Huyện có khoảng 50 thanh niên có nhu cầu vay vốn nhưng mới có 6 trường hợp được phê duyệt, tổng số vốn giải ngân là 500 triệu đồng.

Để được vay, ĐVTN phải có tài sản thế chấp cao hơn giá trị vốn vay; các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên thanh niên làm chủ phải có sẵn mô hình sản xuất và chứng minh được hiệu quả.

Để khắc phục những trở ngại trên, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp rà soát, lựa chọn các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu, chú trọng mô hình của ĐVTN nông thôn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn để bảo đảm phát huy hiệu quả và khả năng thu hồi vốn đúng hạn.

xĐặc biệt, phát động thanh niên thi đua học tập, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, làm cơ sở để đáp ứng đủ các yêu cầu được giải ngân vốn; quan tâm kết nối kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho các dự án triển vọng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để hỗ trợ nhau về vốn, đầu ra. Cùng đó ĐVTN cần dựa vào nội lực và điều kiện địa phương để chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

 

Nguồn Báo Bắc giang-BA