Gần 6.000 thanh niên nông thôn được dạy nghề

08:22 10/12/2020     908

3 Chương trình   Web.ĐTN: Từ nguồn ngân sách 13 tỷ đồng, trong 4 năm (từ năm 2017 – 2020), T.Ư Đoàn đã tổ chức 167 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.799 thanh niên nông thôn.

Các thí sinh tham gia thi nghề mây tre đan tại “Ngày hội Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành với hàng Việt Nam và Hội thi Bàn tay vàng các làng nghề truyền thống năm 2020” ẢNH: VƯƠNG VÂN

 

Chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn cho biết, từ năm 2017 đến 2020, T.Ư Đoàn nhận tổng ngân sách T.Ư đảm bảo thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” là 13 tỷ đồng, trong đó, năm 2017: 2 tỷ đồng; năm 2018: 2 tỷ đồng; năm 2019: 3 tỷ đồng và năm 2020: 6 tỷ đồng.

Từ nguồn ngân sách được cấp, trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020, T.Ư Đoàn tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên. Năm 2020, ngoài đào tạo nghề còn đẩy mạnh truyền thông về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

Kết quả, từ năm 2017 đến 2020, T.Ư Đoàn đã tổ chức 167 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.799 người (thanh niên chiếm hơn 90%). Cụ thể, năm 2017, T.Ư Đoàn tổ chức 33 lớp đào tạo 5 nghề (may công nghiệp, thêu ren, mây tre đan, điện dân dụng, hàn), tại Quảng Bình, Nam Định, Hà Nam, Quảng Nam, Hải Dương và Bình Định. Sau đào tạo, 1.081 người được 20 doanh nghiệp tuyển dụng, 44 người tự mở mô hình, cơ sở sản xuất tại địa phương.

Năm 2018, tổ chức 30 lớp đào tạo 6 nghề (may công nghiệp, mây tre đan, nấu ăn, sơ chế bảo quản hoa màu, điện dân dụng, hàn), tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Bình; đã có 1.034 người tham gia học nghề. Sau đào tạo, 102 người tự sản xuất, kinh doanh hoặc tham gia thị trường xuất khẩu lao động, 832 người được 10 doanh nghiệp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động.

Năm 2019, tổ chức 48 lớp đào tạo 6 nghề (thêu ren thủ công, may công nghiệp, hàn, phục vụ bàn, kỹ thuật điện lạnh và điện dân dụng), tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Quảng Bình, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ; có 1.680 người tham gia học nghề. Sau đào tạo đã có 1.435 người có việc làm (chiếm 85,41%), 25 người đi xuất khẩu lao động.

Năm 2020, tổ chức được 56 lớp đào tạo nghề với 8 ngành nghề (may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, thêu ren thủ công, hàn công nghệ cao, mộc dân dụng, nghiệp vụ bàn, điện lạnh, điện dân dụng) cho 1.960 học viên tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Cần Thơ. Kết quả, 87% người sau đào tạo có việc làm.

Theo chị Vũ Thị Giáng Hương, công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được T.Ư Đoàn phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lớp đào tạo nghề từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm cho học viên. Nhờ đó, các lớp đào tạo nghề đã được triển khai đảm bảo chất lượng, đúng quy định về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương. Các Trung tâm đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn về công tác đào tạo thực hành, tuyển dụng lao động sau đào tạo. Do đó, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo được đảm bảo.

 

Bảo Anh