Đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Nâng chất lượng nguồn nhân lực, thêm cơ hội việc làm

10:59 12/11/2020     951

3 Chương trình   Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), xây dựng nguồn nhân lực chất lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH. Vì vậy, ngành chức năng, địa phương, nhất là các đơn vị dạy nghề trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường nhân lực, tăng cơ hội việc làm của người lao động.

Thay đổi phương thức đào tạo

Giờ thực hành của sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn.
 

Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN là một trong ba dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017. Sau gần 4 năm dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần cụ thể hóa Luật GDNN vào cuộc sống và tạo nguồn lao động chất lượng hơn.

Theo dự báo của ngành LĐTBXH, giai đoạn 2017- 2020, trung bình mỗi năm quy mô lao động trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 1,8-1,9%, tương ứng với khoảng 19-20 nghìn lao động. Trong khi đó, mỗi năm, các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng từ 28-30 nghìn lao động qua đào tạo (trình độ đại học, trên đại học chiếm 4,9%; cao đẳng chiếm 49,6%; trung cấp chiếm 12,6%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật không bằng chiếm 32,9%).

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện toàn tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho hơn 32,5 nghìn người. 

Số lao động tìm được việc làm sau đào tạo nghề đạt 90% với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, hơn 80% với học sinh tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,6% năm 2017 lên 66,6% năm 2019; hết năm 2020, tỷ lệ này đạt khoảng 70%.

Để có kết quả đó, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các trường nghề đã chủ động đổi mới phương thức đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực. Tại Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế, từ năm 2013, ngoài tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp nghề, đơn vị đã mở thêm hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT. Đến năm 2016, khóa đầu tiên có gần 2,3 nghìn học sinh tốt nghiệp; kết quả tốt nghiệp trung cấp nghề đạt hơn 98%; tốt nghiệp THPT quốc gia đạt từ 98-100%. Hằng năm, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm đạt hơn 80%.

Dạy nghề trọng điểm

Dù có kết quả tích cực nhưng công tác GDNN hiện vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Các cơ sở dạy nghề chưa lựa chọn đúng ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường; chất lượng đội ngũ giáo viên hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành thiếu đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Vì vậy, việc gắn đào tạo với nhu cầu DN được xem là giải pháp quan trọng, quyết định. 

Từ năm 2017 đến nay, kết quả tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang luôn vượt chỉ tiêu. Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường lựa chọn đào tạo 14 nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, ngoài 5 khoa chuyên môn: Cơ khí - Động lực; Công nghệ thông tin; Điện - Điện tử; May thời trang (hệ trung cấp); Văn hóa, trường mở thêm ngành đào tạo mới là May thời trang (hệ cao đẳng).

Đây đều là những ngành nghề đang được các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn, giúp tăng cơ hội việc làm cho người học. Hiện nay, từ mô hình liên kết đào tạo với DN, nhiều sinh viên năm cuối của trường được các DN, tập đoàn lớn như: Samsung Display, Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Canon Việt Nam tuyển dụng.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển GDNN ở địa phương, nhất là xác định nguồn lao động và phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS. Các trường, cơ sở đào tạo tập trung đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư thiết bị phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của DN để mỗi học viên tốt nghiệp năng lực trình độ, tay nghề đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Ngoài đào tạo, nâng cao trình độ giáo viên cơ hữu, các trường nên có chính sách phối hợp với chuyên gia kỹ thuật tại các DN tham gia giảng dạy. Ngành LĐTBXH kiến nghị Chính phủ, tỉnh nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thành lập trường, cơ sở GDNN chất lượng cao, đào tạo lao động kỹ thuật. 

“Về mô hình liên kết với DN trong đào tạo nghề, các trường, cơ sở GDNN cần có cam kết cụ thể với DN, bảo đảm kết quả học hỏi kỹ thuật, kỹ năng nghề ở từng vị trí công việc sau thực tập của sinh viên. Điều này nhằm ngăn chặn việc cơ sở dạy nghề bắt tay với DN đưa sinh viên vào trải nghiệm nhưng mục đích chính lại là sử dụng lao động giá rẻ”, ông Huấn nhấn mạnh.

Bảo Anh