Đoàn viên Nguyễn Văn Điệp làm giàu trên mảnh đất quê hương

09:38 30/09/2014     2420

3 Chương trình   Web.ĐTN: Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế chăn nuôi rắn thương phẩm và xuất khẩu của anh Phạm Văn Điệp tại xã Yên Mật - huyện Kim Sơn, hỏi thăm anh, ai cũng hồ hời chỉ đường đến gia đình thanh niên làm giàu giỏi nhất vùng nông thôn này.

cs
Mô hình nuôi rắn thương phẩm xuất khẩu của thanh niên xã Yên Mật, huyện Kim Sơn


Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh Phạm Văn Điệp là một thanh niên rất trẻ với phong cách thật dản dị. Anh sinh năm 1984 trong một gia đình thuần nông, hiện là chủ trang trại nuôi rắn cung cấp giống trong tỉnh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu rắn thương phẩm ra nước ngoài - một gương thanh niên điển hình phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Anh Điệp chia sẻ: Sinh ra ở vùng quê nghèo, suốt những năm tháng tuổi thơ được chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của người nông dân quê mình. Một năm, ngoài 2 vụ lúa không có thêm nghề phụ nào để tăng thu nhập mặc dù thời gian nhàn rỗi rất nhiều. Thanh niên địa phương hầu hết phải rời quê hương để đi tìm việc làm. Chính điều này đã khiến anh suy nghĩ  trăn trở sẽ tạo lập một nghề gì đó có thể  giải quyết việc làm cho chính mình và thanh niên địa. Với mong muốn ấp ủ bấy lâu trong thời gian tham gia quân ngũ, có dịp tiếp xúc mô hình nuôi rắn của một số địa phương anh mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi rắn. 

Với số vốn ít ỏi tự có ban đầu và vay mượn từ người thân trong gia đình, anh bắt tay vào việc chăn nuôi với quy mô nhỏ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, được sự quan tâm định hướng, giúp sức của Hội LHTN huyện Kim Sơn tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Bằng chính sự nỗ lực của bản thân cộng với niềm say mê làm giàu, tính ham học hỏi, sự sáng tạo của tuổi trẻ, anh đầu tư xây dựng một trại nuôi rắn với số lượng là 150 con rắn giống, thức ăn của nó là ếch, nhái. Nhưng do chưa hiểu hết quy luật tự nhiên của nguồn thức ăn của con rắn, trong năm có hai tháng ếch nhái trú đông và sinh sản nên nguồn mồi của rắn bị thiếu nghiêm trọng. Nguồn thức ăn khan hiếm nên giá thành cao, rắn ốm và chết rất nhiều, đợt đó anh lỗ gần 20 triệu đồng. Dù thất bại và có chút lo lắng nhưng anh không nản chí mà tiếp tục tìm tòi học hỏi từ nhiều người chăn nuôi, từ mạng internet , anh mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng mô hình. Có được số vốn trong tay cộng với kinh nghiệm bước đầu và niềm tin của bản thân. Anh mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi (Từ 150 con lên 500 con rắn giống và thử nghiệm phối giống cho rắn để tự cung cấp rắn giống), nghiên cứu thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm. Kết quả sau 5 năm thực hiện trang trại của anh có số lượng rắn là 2.000 con, gồm 500 con bố mẹ và 1.500 con rắn thịt từ 0,8 đến 1,5kg, nếu đạt trọng lượng từ 1,2kg trở lên thì có thể xuất chuồng được, giá hiện giờ khoảng 600 ngàn đồng/kg, mỗi năm thu 250 -300 triệu. Ngoài ra, một con rắn mẹ đẻ được 2 lứa/ năm, mỗi lứa khoảng 15 trứng, giá bán trung bình 80nghìn/ trứng mới nở. Anh cho biết: mô hình nuôi rắn lợi nhuận thì rất cao, mà rắn lại ít bệnh, chủ yếu là bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá, mà bệnh này rất dễ điều trị, chủ yếu là phải giữ vệ sinh sạch sẽ và điều kiện sống không ẩm ướt. Trong quá trình nuôi, anh cũng chọn lựa ra một số con đẹp để làm giống, với mục đích sẽ gây giống loại rắn này để cung cấp giống cho bà con trong huyện.

Không chỉ làm giàu cho mình, từng cán bộ Đoàn - Hội anh hiểu và luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ thanh niên có việc làm ổn định, anh Điệp đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động thanh niên với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra anh Điệp cung cấp con giống, kỹ thật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho 15 hộ thanh niên trong địa bàn Huyện. Anh chia sẻ với chúng tôi: “ Là thanh niên thì không ngại khó, ngại khổ, những khó khăn ban đầu chỉ là trước mắt; nghị lực vượt khó của bản thân mới là lâu dài tạo động lực để mình cố gắng hơn, những lần thất bại ấy đã cho mình nhiều bài học quý giá, và sự giúp sức kịp thời của tổ chức Đoàn - Hội đã giúp tôi trang bị những kiến thức, tài liệu chuyển giao khoa học kỹ thuật tôi có điều kiện đầu tư mở rộng chăn nuôi như ngày hôm nay, và bản thân anh phải luôn cố gắng góp phần đẩy mạnh các hoạt động Đoàn - Hội của địa phương, tiếp tục phát triển mô hình kinh tế để có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên trong xã và giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế”.