Định hướng dạy nghề cho thanh niên nông thôn Quảng Nam

14:05 22/09/2020     1527

3 Chương trình   Không những hào hứng với học nghề, các thanh niên là lao động nông thôn ở Quảng Nam mong muốn được ứng dụng hiệu quả các kiến thức học được vào thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, HTX.

Từ thực tế đi khảo sát, nắm bắt tình hình đào tạo nghề cho thanh niên là lao động nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện, ông Võ Như Sơn Trà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nam Trà My, cho biết thời gian qua, lao động nông thôn khá hào hứng với chương trình  đào tạo nghề.

Điểm sáng Nam Trà My

"Các kiến thức mà người lao động thu hoạch được từ khóa học rất bổ ích, được bà con ứng dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình. Phần lớn người lao động mong muốn được học kiến thức gắn liền với thực tiễn, được bao tiêu sản phẩm và có đầu ra ổn định…”, ông Trà chia sẻ.

 

Các thanh niên nông thôn ở huyện Nam Trà My hào hứng học những nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu

 

Để phấn đấu hơn 80% lao động nghề nông nghiệp và 90% lao động nghề phi nông nghiệp có việc làm sau khi học nghề, trong năm nay, huyện Nam Trà My sẽ dành 1,5 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó kinh phí từ chương trình nông thôn mới là 500 triệu đồng, kinh phí từ chương trình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh là 500 triệu đồng, ngân sách huyện bố trí 500 triệu đồng.

Theo đó, huyện sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 730 lao động nông thôn, gồm: đào tạo nghề nông nghiệp cho 460 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 270 lao động.

Ông Trà cho biết, việc dạy nghề sẽ bám sát danh mục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện. Chẳng hạn với nghề nông nghiệp tập trung trồng quế Trà My và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm; trồng cây dược liệu dưới tán rừng và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm; kỹ thuật trồng lúa năng suất cao; kỹ thuật chăn nuôi, nhận biết và phòng bệnh đối với trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề, bao gồm: học phí, tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân. Riêng lao động học nghề theo Nghị quyết của HĐND tỉnh còn được hỗ trợ tiền lưu trú cho lao động trong 24 tháng sau học nghề.

Bên cạnh Nam Trà My, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các huyện khác cũng đang được chú trọng. Hoặc như Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh Quảng Nam tổ chức các lớp dạy nghề tại cơ sở theo hình thức lưu động.

Hầu hết lớp đào tạo được tổ chức ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu. Chỉ tính riêng hồi năm 2019, Trung tâm đã mở hơn 40 lớp dạy nghề với hơn 1.200 học viên tham gia.

Mô hình đào tạo nghề lưu động giúp học viên giảm thiểu mọi chi phí như tiền xăng xe đi lại, ăn ở, lưu trú... Nhờ vậy, hiện nay tại các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của thanh niên, trên các lĩnh vực như mô hình tổ hợp tác, HTX và dịch vụ, trang trại vườn - ao - chuồng…

Bám sát theo nhu cầu

Trung tâm Dạy nghề thanh niên cũng phối hợp với các địa phương: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn và Đại Lộc tổ chức tuyển sinh 827 học viên tham gia học nghề theo chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

 

Mô hình đào tạo nghề lưu động giúp học viên giảm thiểu mọi chi phí

 

Trong năm 2020, Trung tâm phấn đấu tuyển mới 250 học sinh trung cấp; tổ chức tuyển sinh, đào tạo khoảng 700 lao động theo Quyết định số 3577/QĐ-UBND, 200 lao động theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và 100 học viên lớp ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Theo giới chuyên gia, việc đào tạo nghề cho các thanh niên là lao động nông thôn trong tỉnh cần tránh chạy theo thị hiếu, mà cần bám sát theo nhu cầu của doanh nghiệp hay các HTX.

 Giám đốc một HTX ở huyện Núi Thành cho biết, hiện nay, HTX rất cần những lao động chuyên về lĩnh vực nông nghiệp cũng như quản lý doanh nghiệp - HTX, tuy nhiên nhu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

Với đặc thù là một HTX dịch vụ nông nghiệp nên việc cần những lao động có tay nghề, am hiểu về những giống lúa mới, kỹ thuật là hết sức cần thiết.

Thế nhưng, đa số lao động nông nghiệp đều dừng lại ở mức phổ thông, tức là những kiến thức phổ biến chứ chưa chuyên sâu, rất khó để phát triển. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ trẻ cũng rất ít khi về làm việc cho HTX do mức thù lao chưa tương xứng

Vì vậy, trong việc đào tạo nghề cho các thanh niên nông thôn, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục có sự thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của HTX và doanh nghiệp trong thời gian tới./.

 

theo TB Kinh doanh