Cơ hội xuất khẩu lao động sang Nhật

15:01 29/09/2020     1393

3 Chương trình   Thị trường lao động Nhật Bản sau dịch Covid-19 đang cần khoảng 35.000 lao động các lĩnh vực dịch vụ khách sạn, điều dưỡng... Đây là cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho các bạn trẻ.


 

Võ Thị Quỳnh Như (ở TP.Huế) đặt câu hỏi về cơ hội xuất khẩu lao động sau dịch Covid-19 /// NY LƯƠNG
 

Đó là thông tin được chia sẻ tại buổi trao đổi với chủ đề “Thanh niên với cơ hội đổi đời sau Covid-19” tại Thừa Thiên-Huế, do Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Công ty đầu tư hợp tác quốc tế Daystart tổ chức cuối tuần qua.

Theo ông Mukai, đại diện Tập đoàn điều dưỡng Aomori tại Việt Nam, ở Nhật Bản đang rất cần lao động cho các công việc điều dưỡng, hộ lý, gia công tại các nhà máy, khách sạn... với nhu cầu tuyển dụng khoảng 35.000 người. Trong thời gian tới, chính phủ Nhật Bản có thể tiếp nhận 50.000 người Việt Nam sang lao động, nên đây là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện nay, Công ty đầu tư hợp tác quốc tế Daystart liên kết với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thừa Thiên-Huế giới thiệu nhân lực cũng như tham gia các chương trình đào tạo tiếng Nhật.

Chị Đoàn Thị Sương (22 tuổi, trú tại TP.Huế, nhân viên tư vấn tại Công ty đầu tư hợp tác quốc tế Daystart) cho hay chị sang Nhật Bản làm việc cách đây 3 năm, lúc đó khá bỡ ngỡ với môi trường mới. Tuy vậy, bằng sự cố gắng của bản thân, đến nay chị đã tích lũy được một số vốn để trở về Việt Nam, làm việc cho công ty trong vai trò tư vấn cho các bạn trẻ chuẩn bị đi XKLĐ.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động (trên 15 tuổi) tại Thừa Thiên-Huế là hơn 620.000 người, trong đó số lượng người đang đi học, làm việc trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp địa phương khoảng hơn 100.000 người, còn lại đang có nhu cầu việc làm. “Chính vì vậy, XKLĐ là cơ hội dành cho lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó thị trường Nhật Bản rất có tiềm năng”, bà Nguyệt nói.

Cũng theo bà Nguyệt, hiện nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho người XKLĐ, trong đó các hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người có công… được hỗ trợ về đào tạo nghề, thủ tục hộ chiếu, thị thực, xuất nhập cảnh. Người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đi XKLĐ sẽ được vay vốn tín chấp với mức vay tối đa 50 triệu đồng/người theo lãi suất cho vay hộ nghèo. Riêng đối tượng người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài (theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp...).

 

Nguồn TNO