Chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân trên công trường thanh niên Thủy điện Lai Châu

08:12 24/07/2015     1346

3 Chương trình   Web.ĐTN: Ngay sau lễ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường thanh niên Thủy điện Lai Châu đang ra sức thi đua hoàn thành các hạng mục tiếp theo để phấn đấu lắp đặt tổ máy phát điện số 1 đưa vào sử dụng vào năm 2016.
Để đảm bảo tiến độ lắp đặt tổ máy số 1 theo đúng thời gian và chất lượng các hạng mục công trình, nhiều phong trào thi đua đã được triển khai đẩy mạnh nhằm tăng năng xuất, chất lượng công trình. Trong đó, phong trào: “4 nhất” (Sáng tạo nhất, chất lượng nhất, tiến độ nhất và an toàn nhất) của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động vẫn được tuyên truyền trong cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ trên toàn công trường thanh niên Thủy điện Lai Châu.

Nhằm góp phần thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, bên cạnh động viên khích lệ , cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, việc chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ thuộc Tập đoàn Sông Đà luôn lãnh đạo đơn vị quan tâm.

b
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng (áo xanh) và Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà gắn huy hiệu Đoàn vào đầu xe thanh niên trên công trường thanh niên Thủy điện Lai Châu, ảnh chụp ngày 7/7/2013

Kỹ sư trẻ Mai Ngọc Sơn – Phòng kỹ thuật Ban điều hành Dự án thủy điện Lai Châu, đại diện Đoàn Thanh niên Tổng công ty Sông Đà tại đây cho biết, 9 đơn vị đang tham gia thi công trên công trường Thủy điện Lai Châu thuộc Tổng công ty đều bố trí, sắp xếp khu nhà ở, bếp ăn và nơi sinh hoạt văn hóa thể thao cho anh em công nhân sau mỗi lần hết ca.

Để minh chứng với chúng tôi, kỹ sư trẻ Mai Ngọc Sơn đưa chúng tôi đến thăm Khu tập thể của đơn vị Sông Đà 909. Gặp gỡ trao đổi với cán bộ, kỹ sư, công nhân đang sinh hoạt tại đây, chúng tôi được biết, hàng ngày Tổng Công ty đều bố trí xe đưa đón công nhân đến tận chân công trình, giữa giờ đều bố trí ăn ca giúp cán bộ, kỹ sư, công nhân có thêm sức lực tiếp tục tham gia lao động đảm bảo tiến độ công trình.

Ở mỗi Khu tập thể đều xây dựng khu nhà bếp và cử người nấu ăn chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Đã nhiều năm phục vụ nấu ăn cho người lao động, chị Nguyễn Thị Lan Hương – cấp dưỡng Sông Đà 909 cho biết,  chúng tôi có 02 người tham gia phục vụ bếp ăn của đơn vị. Mỗi bữa cơm có từ 40 – 44 người ăn, chủ yếu là ăn theo theo ca.

Chị Hương cho biết, mỗi ngày mỗi người ăn hết 43.000 đồng, còn lại Công ty hỗ trợ thêm điện, nước... Để nấu cho từng ấy người, hàng ngày chúng tôi đều phải đi chợ từ rất sớm, thực phẩm chủ yếu mua của bà con dân tộc và mua lâu rồi cũng nên quen nên thực phẩm không sợ bị ôi thiu, không có thuốc kích thích và thuốc thực vật. Các món ăn đều được thay đổi hàng ngày, như: canh cua, cá rán, bí luộc, thịt lợn rang …đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ công việc trên công trường.

g
Trường Mầm non Sông Đà (thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn) được thành lập năm 2012 là nơi chủ yếu phục vụ con em của CNLĐ đang thi công trên công trường thủy điện Lai Châu. Trường có 5 điểm trường trông giữ 232 cháu.

Bên cạnh những người lao động ăn cơm ở bếp, còn có 10 hộ gia đình đang sinh sống làm việc tại đây và chủ yếu ăn riêng. Có hộ gia đình cả hai vợ chồng đều làm việc trên công trường, có gia đình có cháu nhỏ đi học trường mầm non, trường tiểu học cũng cách chừng khoảng 1- 2km.

Theo hướng dẫn của chị Hương, chúng tôi đến thăm các gian nhà ở của cán bộ, kỹ sư, công nhân. Là 1 trong hơn 10 gia đình đang sinh sống ở Khu tập thể 909, chị Vũ Thị Nhớ quê ở Phú Xuyên, Hà Nội đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình 4 người đã cho biết, cả hai vợ chồng đều làm việc tại công trường, nên Công ty đã tạo điều kiện cho ở 1 gian nhà 24 m2, tuy không có bếp nhưng có nhà vệ sinh và nơi tắm giặt riêng. “Nhà hôm nay có thêm 2 cháu được nghỉ học hè lên thăm và chơi với bố mẹ, hết hè chúng tôi lại gửi các cháu về với ông bà để tiếp tục đi học”, chị Nhớ nói.

Cách đó chừng 3 phòng chúng tôi gặp Lò Văn Hùng (quê Sơn La) là công nhân sửa chữa máy thuộc Sông Đà 909. Hùng chia sẻ, phòng ở chúng tôi có 3 người hiện có 02 anh đang làm theo ca trên công trường, hàng ngày chúng tôi đi làm và ăn cơm tập thể rất vui, công ty cũng luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi yên tâm công tác. Với mức lương hiện nay của tôi sau khi trừ chi phí tôi vẫn tiết kiệm để gửi về cho gia đình.

g
Khu nhà ở, sân chơi cầu lông cho cán bộ, kỹ sư, công nhân và các gia đình

h
Khu nhà bếp dành cho cán bộ, kỹ sư, công nhân

Được biết, Hùng học xong lớp nghề sửa chữa máy ở dưới Hà Nội đã xin ngay lên trên công trường để làm việc. Đến nay đã gần 4 năm, Hùng đã học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành sửa chữa máy từ các chú, các anh trong bộ phận sữa chữa. Dự định trong tương lai, Hùng sẽ theo học một trường nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục tham gia làm việc ở các công trình thuộc Tổng  Công ty Sông Đà xây dựng ở mọi miền Tổ quốc.

Theo đại diện Ban Ban điều hành Dự án thủy điện Lai Châu cho biết, ngoài khu nhà ở của cán bộ, kỹ sư, công nhân ở Thủy điện, ở những nơi này đều có sân bóng đá, sân cầu lông, sân tennis, để mỗi người sau giờ làm việc có thể tham gia một môn thể thao mà mình yêu thích, cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được tổ chức thường xuyên tại nhiều điểm trên công trường tạo nên không khí làm việc thoải mái, giúp người lao động gắn bó hơn với công trường Thủy điện của đất nước.

Với những gì mà cán bộ, kỹ sư, công nhân nơi đây đang ngày đêm làm việc để đưa dòng điện tỏa sáng ởmuôn nơi trong một ngày không xa, thì những gì họ đang được hưởng thì vẫn còn có những khó khăn trước mắt. Nhưng chúng tôi tin với nghị lực và lòng quyết tâm của những cán bộ, kỹ sư, công nhân ở Thủy điện nói chung, những bạn trẻ nói riêng, họ sẽ vượt qua tất cả, tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình cao nhất để tổ máy phát điện số 1 về đích đúng thời gian.