Cần nhân rộng mô hình “Đàn Dê của Đoàn”

14:53 22/07/2014     2056

3 Chương trình   Web.ĐTN: 2 năm nay, cái tên “Đàn Dê của Đoàn” tại xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tồn tại hiện hữu mà không cần đặt tên. Có được tên gọi này là do người dân gọi mãi thành quen.
Nói đến “Vùng đất ngọc” ai cũng nghĩ đời sống của bà con nơi đây xung túc lắm, nhưng thực tế còn bao nỗi gian nan. Tỷ lệ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ly hương phát triển kinh tế lớn nhưng lại không thể đầu tư nguồn lực về xây dựng quê hương. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên ở Phan Thanh hoàn toàn có thể giúp ĐVTN phát triển kinh tế, là giàu chính đáng.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đoàn xã Phan Thanh đã đề ra rất nhiều phương án để thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia phát triển kinh tế tại quê nhà. Các mô hình nuôi ba ba, nuôi gà dần được hình thành nhưng vẫn không thành công do vốn đầu lớn, con giống được thu mua tràn lan không có khả năng phát triển, nguồn vốn ít …nên gặp ngay thất bại lúc khởi nghiệp.
f
Thăm mô hình nuôi Dê đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn xã Phan Thanh, huyện Lục Yên

Làm thế nào để thu hút được ĐVTN tham gia các hoạt động tại địa phương cũng như ổn định cuộc sống? Vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng là nỗi trăn trở của Ban Chấp hành Đoàn xã. Từ mô hình giúp nhau phát triển kinh tế của hội nông dân, hội cựu chiến binh một ý tưởng “Bàn giao Dê giống” về cho hộ ĐVTN được hình thành và nhận được sự ủng hộ cao của các bạn trẻ. Bởi cách làm này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, vốn đầu tư ít, khả năng xoay vòng nhanh, tỷ lệ rủi do của vật nuôi thấp, nhu cầu trên thị trường đang cao…

Hơn 5 triệu tiền vốn có được trong quá trình đảm nhiệm các công trình phần việc gây quỹ được xuất ra mua 03 con Dê giống, bàn giao đúng vào ngày 18/11/2012 (Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân). “Dê mua về, không thấy gia đình được phân công đến nhận bàn giao; gọi điện chỉ nhận được tin gia đình không thể chăm sóc. Dê không thể mang mổ để vui hội làng, Dê phải sống và phát triển vì mục tiêu chung của tổ chức Đoàn” - đồng chí Lục Văn Hiền – Bí thư Đoàn xã, người khởi xướng mô hình cười tươi cho biết.

Ban Chấp hành Đoàn xã được triệu tập gấp trong lúc ngày hội đang diễn ra để bàn phương án tối ưu. Hoàng Văn Diễn - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã (một hộ gia đình khó khăn) được nhận trách nhiệm chăm sóc 3 chú Dê giống.

“Lúc đó mình vừa vui lại vừa lo, vì đây là nhiệm vụ của tổ chức Đoàn giao, không hoàn thành nhiệm vụ không biết nói với tổ chức như thế nào”  - Diễn tâm sự.

Với cách tạo vốn bằng con giống cho các hộ gia đình, khó khăn theo phương châm chia đôi thành quả đạt được giữa người nuôi và tổ chức Đoàn. Số con giống tổ chức Đoàn được chia tiếp tục được chuyển cho hộ gia đình khác chăm sóc. Với cách làm như vậy, gần 2 năm, từ ba chú Dê giống đầu tiên đến nay tổng số đàn Dê của Đoàn đã tăng lên 19 con và được chia cho 4 hộ gia đình quản lý.

Không chỉ nhân rộng trong tổ chức Đoàn, khi nhìn thấy nuôi Dê mang lại giá trị kinh tế cao nhiều hộ nông dân và ĐVTN trong xã đã đầu tư vốn để phát triển mô hình nuôi Dê tại địa phương. Hiện nay, trên toàn xã đã có 40 hộ chăn nuôi trong đó 25 hộ là ĐVTN.

Phó Bí thư huyện Đoàn Lục Yên Hà Hải Huỳnh cho biết: “Đây là cách làm không mới nhưng hướng đi hoàn toàn đúng đắn không những khẳng định được vai trò xung kích của tổ chức Đoàn mà còn tạo được niềm tin ở bà con nhân dân trong chương trình hành động. Cách làm của Đoàn xã Phan Thanh đang được các Đoàn xã đóng trên địa bàn huyện đến học tập kinh nghiệm”.