Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

13:32 04/07/2017     1592

3 Chương trình   Nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức Đoàn trong phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhờ tham gia vào “Tổ hợp tác (THT) thanh niên trồng rau VietGAP” do đoàn xã Tân Hải (huyện Tân Thành) thành lập từ năm 2011, anh Hồ Văn Hưng học được nhiều kinh nghiệm trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh ứng dụng những hiểu biết của mình để trồng thử nghiệm RAT trên 01ha đất của gia đình và đạt năng suất cao.

Đến nay, vườn RAT của anh Hưng cho thu hoạch từ 05-6 triệu đồng/vụ (40 ngày/vụ),  thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Nhờ các thành viên trong THT giới thiệu thương lái đến tận nhà mua, nên anh Hưng luôn bán được rau với giá ổn định.

f
Thông qua tổ chức Đoàn, anh Vũ Văn Quang (khu phố 3, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Châu Đức đã gây dựng cơ sở gia công gỗ Minh Quang, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

“THT thanh niên trồng rau VietGAP” hiện có 24 thành viên, nhờ thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tìm kiếm thị trường nên các thành viên đều có mức thu nhập bình quân từ 50-100 triệu đồng/năm, giúp họ yên tâm với mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP.
Từ năm 2011 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thành lập được 196 THT kinh tế trong thanh niên. Các mô hình như: “THT thanh niên trồng lúa” của Đoàn xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); “THT thanh niên đánh bắt hải sản” của Đoàn xã Lộc An (huyện Đất Đỏ)… cũng hoạt động khá hiệu quả, tạo thu nhập hơn 50 triệu đồng/người/năm. “Nhờ việc thành lập các mô hình thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều ĐVTN đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, đồng chí Nguyễn Văn Huệ, Phó Ban Thanh niên Nông thôn - Công nhân, viên chức và đô thị Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Cùng với xây dựng các mô hình THT thanh niên làm kinh tế, hàng năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi cho ĐVTN nông thôn, tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học tập những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Điển hình là anh Phạm Văn Thiện (sinh 1988 ở ấp 3, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc). Sau khi tham quan một số mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi do Huyện Đoàn Xuyên Mộc tổ chức, năm 2015, anh Thiện bỏ mô hình nuôi Dê đã theo đuổi nhiều năm qua và chuyển sang nuôi Thỏ. Từ 20 con Thỏ ban đầu, hiện anh Thiện có tới hơn 200 con Thỏ, trong đó có 120 con Thỏ mẹ sinh sản, còn lại là Thỏ con giống và Thỏ thương phẩm. Với giá Thỏ giống 150 ngàn đồng/kg, Thỏ thịt 80 ngàn đồng/kg, anh Thiện xuất bán quanh năm và thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm, mức lãi cao hơn nhiều so với nuôi Dê.

Phát huy vai trò là cầu nối giúp ĐVTN vay vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế, các cấp Đoàn còn phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức cho các ĐVTN vay vốn ưu đãi. Từ đầu năm 2013, anh Nguyễn Minh Tấn (sinh 1988 ở thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đã thực hiện mô hình trồng hoa Tết nhưng quy mô nhỏ. Năm 2015, qua sự giới thiệu của Đoàn xã Láng Lớn, anh Tấn được vay 30 triệu đồng từ chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, cộng thêm tiền tích cóp của gia đình, anh Tấn mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mở rộng quy mô trồng hoa. Đến nay, trung bình mỗi năm, anh Tấn thu lãi gần 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 ĐVTN với mức thu nhập 05 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như anh Tấn, nhiều ĐVTN khác cũng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn, góp phần giúp thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và thực hiện có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo đến các cơ sở Đoàn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tăng cường phối hợp với các đơn vị mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời khảo sát, lựa chọn những mô hình kinh tế tiêu biểu để giới thiệu cho ĐVTN, từ đó giúp họ mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế làm giàu ngay tại địa phương.