Thái Nguyên: Chàng trai trẻ với phương châm “Không nản chí sẽ thành công”

14:32 22/10/2014     1713

3 Chương trình   Web.ĐTN: Đó là câu chuyện về tấm gương lập thân, lập nghiệp của anh Dương Quang Trường, xóm Hải Minh, xã Tân Kim (Phú Bình – Thái Nguyên). Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trường còn là cán bộ đoàn năng nổ, tích cực trong phong trào địa phương.

Anh Dương Quang Trường với mô hình kinh tế của mình
Anh Dương Quang Trường với mô hình kinh tế của mình


Chúng tôi về xóm Hải Minh khi những cơn mưa chưa dứt. Con đường đất dài hơn 2km từ trung tâm xã đến xóm trở nên lầy lội, trơn truột. Đúng là cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều vất vả, nhất là điều kiện đi lại. Nhưng không vì thế mà họ cam chịu đói nghèo. Cả xóm có 160 hộ, thì có trên 100 hộ phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại, từng bước vươn lên làm giàu. Anh Dương Quang Trường là một trong những người như vậy.

Sinh năm 1980, anh là con thứ ba trong gia đình nông dân nghèo có 5 người con. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1998, anh đã lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thời gian trong quân ngũ, nhờ luôn tích cực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh đã vinh dự được kết nạp Đảng tại đơn vị. Đến năm 2000, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh đã được bầu làm bí thư chi đoàn thanh niên của xóm.

Với vẻ ngoài niềm nở, thân thiện, dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình chăn nuôi của gia đình mình, anh Trường tâm sự: Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt với tôi không phải là việc khó. Hơn nữa, đã từng là người lính, lại là cán bộ đoàn nên tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không cho phép bản thân cam chịu cảnh đói nghèo. Suy nghĩ, quyết tâm ấy ngày càng lớn lên, thôi thúc anh quyết chí lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Sau một vài năm chăn nuôi nhỏ lẻ, đến năm 2004, tận dụng diện tích 0,7ha đất vườn đồi của gia đình, anh đã vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và anh em, bạn bè để đầu tư, mở rộng, phát triển chăn nuôi lợn và gà thịt. “Vạn sự khởi đầu nan”, ban đầu, anh đã gặp không ít khó khăn do nguồn vốn ít, số lượng con giống thả nuôi không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 30 con lợn và 500 con gà. Trong khi đó, kỹ thuật chăm sóc lại có nhiều hạn chế, con nuôi thường bị bệnh, hoặc chậm phát triển, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để từng bước khắc phục những khó khăn này, anh kiên trì học hỏi kinh nghiệm từ những chủ trang trại khác, đồng thời, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu sách báo, tích cực tham gia các buổi tập huấn khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức… Nhờ đó, anh đã biết chăn nuôi đúng cách, mô hình dần cho hiệu quả. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán hàng chục tấn lợn, gà thương phẩm, cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm.

Đang trên đà làm ăn thuận lợi thì cuối năm 2006, dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm H5N1 liên tiếp bùng phát trên địa bàn (chỉ cách nhau hơn 1 tháng) như “cơn bão” ập xuống, cuốn phăng tất cả, khiến nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng, trong đó có gia đình anh. Hơn 500 con gà, gần 40 con lợn bị nhiễm bệnh của anh phải tiêu hủy toàn bộ. Bao công sức, nỗ lực trong nhiều năm bỗng chốc “đổ xuống sông, xuống biển”. Anh trở nên trắng tay. Vậy nhưng, khó khăn này không khiến anh nản chí, chùn bước. Ngay sau khi kết thúc đợt dịch, anh đã động viên gia đình tái đàn, tiếp tục chăn nuôi. Được địa phương quan tâm, bạn bè, anh em giúp đỡ, hỗ trợ vốn vay, lại được tham gia nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, anh không những đã vực dậy mô hình mà còn mở rộng, đầu tư bài bản hệ thống chuồng trại hơn trước, nâng số lượng gà thịt từ 500 con lên trên 3 nghìn con. Cũng rút kinh nghiệm từ đợt dịch đã qua, anh thực hiện nghiêm túc yêu cầu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, phòng trừ dịch bệnh...

Những nỗ lực ấy đã đem lại hiệu quả. Đến cuối năm 2007, mô hình chăn nuôi của gia đình anh bắt đầu cho thu nhập trở lại, vừa đúng thời điểm giá gà, lợn trên thị trường tăng cao, đạt doanh thu đạt trên 120 trăm triệu đồng, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Từ đó đến nay, công việc làm ăn thuận lợi, gia trại của anh phát triển ổn định với trên 3 nghìn con gà, trên 40 con lợn, lợi nhuận đạt từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Cuối năm 2009, anh đã xây dựng được căn nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi từ số tiền trên 160 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế, anh Trường bộc bạch: “Tất cả là nhờ tinh thần ham học hỏi, quyết tâm lập thân, lập nghiệp, kiên trì, không khuất phục khó khăn nên mình mới có được như hiện nay”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trường còn là cán bộ đoàn nhiệt tình, năng nổ. Liên tục tham gia công tác đoàn từ năm 2000 đến nay, anh luôn tích cực trong các phong trào của địa phương; quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với đoàn viên, thanh niên về giống, vốn, kinh nghiệm chăn nuôi cùng họ làm giàu. Từ năm 2003, anh được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đoàn xã. Với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế gia đình cũng như hoạt động đoàn, anh Trường đã được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào “Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2011.