Đi tìm lời đáp “Tôi là ai ” và “Tôi sẽ là ai” cùng “Khi tôi 18”

06:32 24/10/2012     7364

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: 18 tuổi, lứa tuổi chính thức được gọi là “thành nhân”, nhưng đó cũng chính là lúc hơn bao giờ, ta thực sự bối rối về “Ta là ai”, “Ta sẽ là ai”, “Làm thế nào để ta thành phiên bản Ta như mong muốn ?”. Đó là những câu hỏi lớn, nhưng không phải là không có lời đáp. Hãy cùng theo dõi “Khi tôi 18”, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình đấy.
Có thể nói tuổi 18 là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. 18 chưa hết trẻ con nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. 18 hồn nhiên, vô tư nhưng đôi lúc cũng đã chống cằm nghĩ xa xôi hơn về tương lai với những hoài bão và định hướng nghề nghiệp. Những ưu tư của tuổi 18 rồi cũng sẽ đi qua cùng năm tháng nhưng mỗi người chỉ có một tuổi 18 trong đời. Hãy làm một điều gì đó để tuổi 18 của bạn không trôi đi phí hoài, vô nghĩa! Đó là thông điệp mà chương trình muốn gửi đến cho lứa tuổi 18.

Xuất phát từ định hướng ấy, chương trình mong muốn truyền tải hết tinh thần và cái “chất” rất riêng của tuổi 18 cho bất kỳ bạn trẻ nào đang còn hoài nghi về bản thân, về khả năng và tương lai của mình rằng sức mạnh lớn nhất của một đời người, tuổi trẻ và những giấc mơ lớn, bạn đang sở hữu đấy. Hãy tự tin vào chính mình, phấn đấu theo con đường mình chọn với sự định hướng và giúp sức từ gia đình, nhà trường, bạn bè và công đồng.

18 không chỉ là số tuổi, mà còn là số khai sinh của rất nhiều điều đặc biệt tốt đẹp trong cuộc đời: những ước mơ, hoài bão, nghề nghiệp, tình bạn, tình yêu, tình người và trách nhiệm công dân không chỉ của riêng đất nước này mà còn là công dân của một hành tinh đang ngày càng gắn kết.

Được phối hợp tổ chức giữa Trung ương đoàn thanh niên Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam với sự đồng hành tài trợ của MobiFone, “Khi tôi 18” đã tập trung giải quyết được rất nhiều câu hỏi lớn cho không chỉ riêng đối tượng chính là các em học sinh từ 16 – 18 tuổi mà còn cho cả xã hội khi không ngừng tìm kiếm những giải pháp ngoài nhà trường để giáo dục và định hướng cho các em phát triển  hoàn thiện và lành mạnh hơn.

Đại diện nhà tài trợ MobiFone, chia sẻ: “Khác với các chương trình truyền hình thông thường dành cho thanh thiếu niên, “Khi tôi 18” dành được tình cảm và dõi theo của khán giả nhờ tính tương tác cao, tinh thần kết nối rộng khắp, quy mô toàn quốc và được đầu tư bàn bản về nội dung thi cũng như các hoạt động bên lề rất thú vị, đáp ứng đúng tâm lý và sự mong chờ của tất cả các đối tượng khán giả sau một thời gian khan hiếm chương trình được thiết kế đặc biệt dành cho lứa tuổi này.”

“Khi tôi 18” chính thức diễn ra trong thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2013. Thời gian tuy ngắn nhưng đây là hành trình đi tìm và khẳng định thanh thiếu niên Việt Nam vẫn cần lắm những chương trình bổ ích và thiết thực, cập nhật những xu thế phát triển mới của thế giới trong việc hoàn thiện và phát triển năng lực mỗi một con người và tạo thành sức mạnh cho cả một thế hệ, làm sống dậy lòng nhiệt huyết và làn sóng tích cực mới góp phần đưa đất nước đi lên.

Với hơn 3.000 trường THPT cùng sự tham gia của 5 triệu học sinh khắp cả nước, chương trình đã cơ bản đạt được mục đích ban đầu là tạo sân chơi truyền hình lành mạnh, thiết thực, hấp dẫn đối với học sinh Trung học phổ thông, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện trong thanh niên, xây dựng hình thức sinh hoạt Đoàn, Hội mới, thiết thực, tạo sự hấp dẫn đối với đoàn viên, thanh niên, thông qua showgame giới thiệu hình ảnh các cơ sở Đoàn và các nhà trường; thu hút sự quan tâm, thăm lo, hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội đối với học sinh bậc Trung học phổ thông chuẩn bị trở thành công dân 18 tuổi.

Chương trình truyền hình “Khi tôi 18” có thời lượng 45 phút/số, phát sóng vào 10h chủ nhật hàng tuần từ ngày 07/10/2012 trên VTV6 đến 31/3/2013. Chương trình trải qua 3 vòng thi đấu: Vòng loại khu vực, Vòng bán kết và chung kết quốc gia với sự tranh tài của 54 đội thi ban đầu trên cả nước để chọn ra một đội xuất sắc sở hữu giải thưởng cao nhất của nhà tài trợ MobiFone.