Rạng rỡ sắc màu thanh niên Việt trên đất Ấn

11:01 03/02/2020     17026

Hội nhập Quốc tế   Web.ĐTN: Từ 15 đến 30/1/2020, Đoàn đại biểu 13 thanh niên tiêu biểu Việt Nam đã hào hứng tham gia Chương trình giao lưu thanh niên quốc tế với Tổng đội thiếu sinh quân Ấn Độ và đại biểu thanh niên, thiếu sinh quân của 9 quốc gia khác.

Bên cạnh đoàn Việt Nam và nước sở tại, sự kiện lần này quy tụ các đoàn đại biểu đến từ 9 quốc gia khác gồm: Bangladesh, Bhutan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Maldives, Nepal, Nga, Singapore, Sri Lanka.

Anh Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước,Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam cho biết: “Trong suốt chuyến giao lưu, với những hành trang đã chuẩn bị cẩn thận từ trước, các bạn trẻ Việt Nam đã tích cực thể hiện vai trò của mình trong việc quảng bá đến bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, đặc biệt là sự xung kích, năng động, sáng tạo của lớp trẻ Việt Nam trong thời đại 4.0 như hiện nay.”

Tiếp đón như quan - sinh hoạt như lính

Ngay khi đáp xuống sân bay Quốc tế Indira Ghandi ở New Delhi, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã được Trung tá Jasbir Sigh Cheema và hai sĩ quan cấp úy quân đội Ấn Độ đón tiếp trọng thị. Điều đặc biệt là trên kính xe buýt dân sự được trưng dụng chở đoàn có dán dòng chữ “Thi hành quân vụ” để giúp xe này được quyền rẽ vào những đường có biển báo cấm để đi tắt vào những giờ cao điểm, ách tắc giao thông.

Ngoại trừ trưởng đoàn và điều phối viên, 11 thành viên còn lại trong đoàn Việt Nam được bố trí ăn, ở, sinh hoạt trong trại của Tổng đội thiếu sinh quân Ấn Độ nằm ở một khu đất rộng hàng chục hecta thuộc trung tâm New Delhi. Nam, nữ được bố trí ở các tầng riêng và không được phép qua phòng của người khác giới, mỗi phòng 3 - 4 người với các giường tầng kê sát nhau như trong ký túc xá sinh viên. Các tiện ích sinh hoạt tương đối đầy đủ ngoại trừ việc đôi khi cúp nước hoặc mất điện.

Đại biểu nước ngoài và một số sĩ quan Ấn Độ dùng bữa tại các phòng ăn có mái vòm lợp bằng nhựa dẻo được xây dựng ngay cạnh khu ở theo kiểu dã chiến nên khá hắt nắng vào buổi trưa. Điều đáng nói là nhằm thể hiện cung cách tiếp đãi ân cần, lịch sự, các sĩ quan Ấn đều nhường chỗ ngồi và chỉ dùng bữa sau khi đại biểu thanh niên các nước vừa ăn xong.

 

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam diện kiến Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Ấn Độ

 

“Do sinh hoạt theo giờ giấc của trại lính nên bữa trưa thường bắt đầu từ 2 giờ chiều, bữa tối bắt đầu từ 9 giờ đêm nhưng đôi khi trễ đến 10 hay thậm chí 11 giờ khuya. Hầu hết các hoạt động của Chương trình như: tương tác và giao lưu văn nghệ với thiếu sinh quân các nước, xem các màn biểu diễn đội hình, quân nhạc, cưỡi ngựa của các thiếu sinh quân Ấn Độ, đón tiếp các lãnh đạo… đều diễn ra ngay tại trại lính NCC”, Trần Trà My, sinh viên Học viện Tài chính (TP. Hà Nội) - thành viên đoàn Việt Nam chia sẻ.

Tuy đời sống vật chất trong trại lính Ấn Độ vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng đại biểu thanh niên các nước đều vui và hài lòng vì xem đây là cơ hội quý giá để giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, đồng thời rèn luyện bản thân và trưởng thành hơn.

Rinh sàng khôn - gửi trao thông điệp

Bên lề các hoạt động của Chương trình, đoàn Việt Nam đã có dịp đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và gặp gỡ, trò chuyện thân tình cùng Đại sứ Phạm Sanh Châu - nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam. Tại đây, Trưởng đoàn Việt Nam Trần Quốc Duy đã bày tỏ vui mừng và tự hào khi được sang đất nước Ấn Độ và được nghe Đại sứ chia sẻ cùng đoàn về những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm vừa qua, những kinh nghiệm, lưu ý trong công tác đối ngoại nhân dân, nhất là trong chuyến hành trình lần này để gặt hái thành công chung cho đoàn.

 

Anh Trần Quốc Duy - Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam (mặc áo Thanh niên Việt Nam và vest) trao tặng quà lưu niệm cho nhóm học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Việt Nam tại Delhi, Ấn Độ

 

Ngoài ra, các đại biểu thanh niên Việt Nam đã cùng tham dự buổi họp mặt đầu Xuân đầy cảm xúc và ý nghĩa cùng nhóm học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Việt Nam tại Delhi, Ấn Độ. Tại đây, nhóm học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Việt Nam tại Delhi, Ấn Độ đã chia sẻ với các đại biểu thanh niên Việt Nam về những hoạt động nghiên cứu, học tập, sinh sống, những thuận lợi cùng khó khăn khi học tập và sinh hoạt tại Ấn Độ, các cơ hội học tập, nâng cao trình độ tại Ấn Độ, các học bổng du học ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như học bổng chương trình ICCR, ITEC, Học bổng Đại sứ, 1.000 suất học bổng tiến sỹ ngành IT của Chính phủ Ấn Độ...

 

Cái bắt tay đầy ấm áp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh với Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam Trần Quốc Duy

 

Trưởng đoàn Việt Nam Trần Quốc Duy đã có những góp ý, chia sẻ về những kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thanh niên tại Ấn Độ và hướng dẫn quy trình, thủ tục để thành lập các tổ chức Đoàn - Hội ngoài nước để trong thời gian tới, tổ chức thanh niên tại Ấn sẽ chính thức ra đời, tạo cầu nối giữa các thanh niên Việt Nam tại Ấn Độ, đem đến những cơ hội giao lưu, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời qua đó quảng bá hình ảnh quê hương Việt Nam tại Ấn.

Trong buổi họp mặt, các bạn trẻ Việt đã cùng đón Tết âm lịch với bữa tiệc đầu xuân thân mật, ấm áp, đậm bản sắc Việt Nam với bánh chưng, dưa hành, củ kiệu cùng những bát phở thơm ngon...

Chung tay vun đắp lòng yêu nước và tình hữu nghị

Mỗi thành viên trong đoàn Việt Nam đều nhận thức rõ rằng tham gia Chương trình không phải để được hưởng thụ mà là để trải nghiệm, học hỏi, tìm hiểu về nền văn hóa, lịch sử của các quốc gia tham dự Chương trình, nhất là Ấn Độ - một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Sứ mệnh của từng thành viên trong đoàn là phải làm cho bạn bè các nước hiểu rõ hơn về Việt Nam và đặc biệt là về người Việt trẻ hiện nay trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu.

 

Buổi giao lưu, trao đổi, sẻ chia giữa nhóm học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Việt Nam tại Delhi, Ấn Độ với đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam.

 

Tham dự chương trình giao lưu này, các đại biểu Việt Nam trẻ tuổi đã nhận thấy rõ rất nhiều tình cảm ấm áp, thân thương quá đỗi của người Ấn Độ, nói chung và thanh niên Ấn Độ, nói riêng đối với Việt Nam và ngày càng hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Ấn Độ, tăng cường giới thiệu các thông tin, hình ảnh về Ấn Độ sau khi hoàn thành Chương trình, nhất là khi hai nước luôn ủng hộ nhau trên nhiều mặt trận, ở nhiều lĩnh vực.

 

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam rạng rỡ cùng áo dài Việt bên cạnh Tổng Giám đốc Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ Rajeev Chopra cùng phu nhân (đứng chính giữa) tại tiệc chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ

 

Trong thời gian tham gia chương trình, các đại biểu thanh niên Việt Nam đã vinh dự diện kiến Tổng thống Ram Nath Kovind, Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Rajnath Singh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Shripad Naik, Thư ký Bộ Quốc phòng Ajay Kumar, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Manoj Mukund Naravane, các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Tổng Giám đốc Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ Rajeev Chopra...

Đồng thời, đoàn Việt Nam đã được mời đến các dinh thự của Thủ tướng, Tổng thống và nhà của Tổng Giám đốc Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ để giao lưu và dùng tiệc; được mời dự các sự kiện tối quan trọng của đất nước Ấn Độ như: Tiệc trà của Thủ tướng; Lễ diễu hành mừng Ngày Cộng hòa Ấn Độ; Lễ chào mừng của Tổng thống; Lễ mít-tinh tại NCC của Thủ tướng Ấn với sự tham gia của đại diện các lực lượng vũ trang của Ấn Độ, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân với những màn trình diễn văn hóa đặc sắc…

Tại bất cứ hoạt động nào, các đại biểu Việt Nam đều được các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh Ấn Độ đón tiếp vô cùng ân cần và trọng thị. Đi đến đâu thì các quan chức Ấn Độ đều nhắc đến những ấn tượng hay ký ức tốt đẹp của họ về Việt Nam, tình cảm kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong buổi giao lưu văn hóa giữa đại biểu các nước, sắc màu đa dạng của những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của bạn trẻ các quốc gia đã được thể hiện. Tại đây,  đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã biểu diễn 5 tiết mục hát, múa sinh động trong trang phục áo dài, nón lá, cờ Tổ quốc để thể hiện những hình ảnh rất đỗi tự hào về Việt Nam xưa và nay cùng phong tục tết Việt.

Sau buổi biểu diễn, thật đáng ngạc nhiên khi nhiều đại biểu các nước hễ đi đến đâu thì đều hát vang “Việt Nam hỡi - Việt Nam ơi” - lời của ca khúc Việt Nam ơi - một giai điệu rất quen thuộc khơi gợi niềm tự hào dân tộc; được ưa chuộng ở nhiều giải đấu từ U23 châu Á, Asiad đến AFF Cup và từng được ngân vang khắp nơi khi Việt Nam đánh bại Jordan, lần đầu vào tứ kết Asian Cup, phần thì do câu hát này dễ thuộc, phần thì do ca khúc sôi nổi này được trình bày khá ấn tượng với cả hội trường chứa hàng nghìn quan khách cùng thiếu sinh quân Ấn Độ và các nước trong buổi biểu diễn.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã vinh dự đón nhận khá nhiều tình cảm đặc biệt của thiếu sinh quân, đại biểu thanh niên các nước khác. Nhiều đại biểu các nước đã không tiếc lời ngợi khen tà áo dài Việt đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và sự thân thiện, hòa đồng của các bạn trẻ Việt; đồng thời chia sẻ và khâm phục về sự dũng cảm, hùng cường của dân tộc Việt suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thậm chí có một số thiếu sinh quân các nước đã không ngần ngại gặp gỡ các bạn trẻ Việt, hỏi cách để học tiếng Việt với mong muốn sẽ đến thăm Việt Nam vào một ngày gần nhất.

Trung tá Shafiqur Rahman - Trưởng đoàn đại biểu Thiếu sinh quân Bangladesh chia sẻ rằng ông từng được học và thực sự ngưỡng mộ về Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của đất nước Việt Nam. Ông đồng thời cho rằng Chương trình giao lưu lần này sẽ giúp đoàn đại biểu các nước chia sẻ, học hỏi thêm rất nhiều về công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

Học hỏi phương cách đầu tư cho tương lai

Thông qua hành trình trên đất Ấn lần này, các đại biểu Việt Nam đã tích cực trao đổi và tìm hiểu về sự đa dạng trong phương cách đầu tư cho tương lai của các quốc gia tham dự Chương trình. Cụ thể như: đối với Nepal, đa số các thiếu sinh quân tham gia chương trình từ 15 đến 18 tuổi, bạn nhỏ nhất là 12 tuổi; giống như Srilanka, sau khi kết thúc chương trình, các thiếu sinh quân Nepal đều có quyền lựa chọn thi vào Đại học quân đội hay các ngành nghề khác. Hoàn thành khóa đào tạo chỉ là một ưu tiên khi tham gia các kỳ thi vào quân đội.

Với Kyrgyzstan, sau khi theo chương trình huấn luyện thiếu sinh quân đến lớp 9, các bạn trẻ có thể theo học ở trường quân đội trong 2 năm, kế đến là thi vào Đại học quân đội hay các trường Đại học khác. Về phía Maldives, chương trình Thiếu sinh quân tồn tại với các loại hình câu lạc bộ, đội, nhóm khác trong các trường học và kéo dài từ lớp 2 đến lớp 10 với việc huấn luyện các kỹ năng quân sự, làm việc theo nhóm và kỹ năng lãnh đạo; sau đó là giai đoạn “upper secondary school” (tạm hiểu là tương đồng với lớp 11, 12 bậc THPT ở Việt Nam) và đầu ra của chương trình tương tự như Nepal cùng Srilanka…

Riêng với nước chủ nhà Ấn Độ, với mạng lưới các chi nhánh của trải rộng khắp cả nước, Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ (National Cadet Corp - NCC) là tổ chức thanh thiếu niên lớn nhất của nước này trực thuộc Bộ Quốc phòng Ần Độ. Đây đồng thời là tổ chức Thiếu sinh quân lớn nhất thế giới.

Thanh thiếu niên từ cấp 2 đến hết đại học tham gia NCC bằng cách đăng kí sinh hoạt tại các trại thiếu sinh quân khác nhau tại địa phương, mỗi đợt hoạt động trại như vậy kéo dài khoảng 10 - 20 ngày. Tại đây, các thiếu sinh quân được đào tạo các kĩ năng cơ bản trong quân đội như duyệt binh, đọc bản đồ, nhảy dù, chiến lược chiến thuật, thám hiểm,… Ngoài ra, các thiếu sinh quân còn được đi thực địa, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tham gia chương trình giao lưu thanh niên quốc tế (YEP)…

Đây là môi trường tuyệt vời để đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội Ấn Độ cũng như giáo dục chủ nghĩa yêu nước và hướng nghiệp cho thế hệ trẻ. Hàng năm, các lực lượng hải, lục, không quân Ấn Độ dành hàng trăm suất học bổng đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp cho các thành viên thiếu sinh quân trúng tuyển.

Trại Thiếu sinh quân kỷ niệm Ngày Cộng hòa được tổ chức tại Tổng đội Thiếu sinh quân ở New Delhi vào tháng 1 hàng năm nhân dịp ngày Cộng hòa của Ấn Độ (26/1). Đây là hoạt động danh giá nhất mà mọi thiếu sinh quân đều mơ ước được tham dự. Chỉ có khoảng 2.000 thiếu sinh quân trên tổng số hàng triệu thiếu sinh quân trên cả nước được lựa chọn tham gia hoạt động này.

Tham dự hội trại này, các thiếu sinh quân vinh dự được gặp những lãnh đạo cao nhất của các binh chủng, của bộ quốc phòng và cả nguyên thủ quốc gia; có cơ hội giao lưu với các bạn thanh niên, thiếu sinh quân quốc tế. Riêng Trại năm nay đã quy tụ 115 thiếu sinh quân quốc tế đến từ 10 quốc gia và 2.155 thiếu sinh quân Ấn Độ, trong đó có 732 nữ.

Tại những vị trí dễ nhìn nhất trong và ngay cửa chính của trại lính NCC đều có những khẩu hiệu đầy tính giáo dục về tinh thần yêu nước như “Grooming tomorrow’s leaders” (Huấn luyện những nhà lãnh đạo tương lai) hoặc “Nurturing the spirit of adventure” (Nuôi dưỡng tinh thần táo bạo)…

Trong trại lính NCC, các học viên được làm quen với những công nghệ chế tạo máy bay, tàu chiến, phần mềm tin học, rađa, học lái máy bay hạng nhẹ, nhảy dù… Cách tổ chức đào tạo huấn luyện của hệ thống thiếu sinh quân ở NCC cho thấy Ấn Độ rất coi trọng đầu tư, giáo dục cho thanh niên về ý thức quốc phòng.

Nữ thiếu sinh quân Sudikshya Rasaili 17 tuổi đến từ Nepal hồ hởi tâm sự: “Chương trình này thực sự đã đem đến cho chúng mình cơ hội gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau, rèn luyện các kỹ năng xã hội để trở thành những công dân có ích cho đất nước, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, nguyện hy sinh cho Tổ quốc”.

Tại một cuộc gặp gỡ các đoàn đại biểu quốc tế tham gia Chương trình lần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết hệ thống thiếu sinh quân nói trên hướng đến việc rèn luyện, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên về ý thức kỷ luật, sẵn sàng hy sinh cho đất nước và lợi ích chung của cộng đồng. Đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn vì đầu tư cho thanh niên chính là đầu tư cho tương lai của dân tộc.

Trải nghiệm văn hóa diệu kỳ của Ấn Độ

Trong các bữa ăn tại trại lính hoặc các buổi tiệc trà, tiệc chiêu đãi của các nguyên thủ quốc gia Ấn Độ, bạn trẻ các nước mà đặc biệt là đại biểu Việt Nam đã học được khá nhiều điều hay về văn hóa ẩm thực của Ấn Độ. Có thể nhận thấy rằng cách chế biến món ăn của người Ấn chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận và tôn giáo. Người Hồi giáo kiêng thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò. Do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản. Các món thịt cũng được chế biến hết sức độc đáo.

Trước tiên, phải kể đến là thức ăn Ấn Độ dùng nhiều ớt cay và các gia vị khác có mùi cari rất đặc thù khiến ban đầu, một số thành viên đoàn Việt Nam không quen, thậm chí phải sử dụng đến mì gói đã trang bị sẵn từ nhà để ăn thêm sau mỗi bữa chính. Cách nấu cơm tại Ấn Độ thì lại hoàn toàn khác. Gạo được xào với dầu hoặc bơ trước khi cho nước vào để nấu và khi cơm sắp chín lại còn cho thêm: tiêu, hạt cumin hay quế…

Bên cạnh đó, trong các bữa ăn của người Ấn, có rất nhiều loại cà ri khác nhau như cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà, cà ri bắp cải khô, cà ri rau củ, mỗi món đều mang một hương vị đặc trưng riêng và thường được nấu ở dạng khô. Ngoài ra, người Ấn Độ thường rang khô rất nhiều gia vị được làm từ trái cây như: dừa, me, xoài… để nêm vào thức ăn nhằm tạo độ chua, cay, béo đậm đà, lâu tan cho các món ăn.

Đại biểu Hồ Hồng Sơn, cán bộ Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao hồi hởi bộc bạch: “Sau vài ngày sinh hoạt tại trại lính, sự trải nghiệm các món ăn xứ Ấn đã tạo nên khả năng thích nghi nhanh chóng cho các bạn trẻ Việt Nam nên việc dùng bữa đã không còn là một trở ngại lớn.”

“Thậm chí, có bạn còn rất thích nếm món thịt cừu rất thơm ngon tại các buổi tiệc chiêu đãi và chọn món khoái khẩu là gà Tandoori - món ăn vừa bình dân nhưng vừa sang trọng bởi món này xuất hiện trong những bữa ăn hàng ngày đến cả những bữa tiệc quan trọng, thịnh soạn.”, Sơn tiếp lời.

Bên cạnh đó, trong hành trình năm nay, các bạn trẻ Việt Nam và các nước đã có dịp du ngoạn xung quanh thành phố Delhi để đến thăm Bảo tàng quốc gia Ấn Độ, Tượng đài chứng tích chiến tranh, Lăng mộ của hoàng đế Humayun thuộc vương triều Mughal - di sản văn hóa thế giới của UNESCO năm 1993; Đền Liên Hoa (Lotus Temple) - ngôi đền thờ của đạo Bahai nổi tiếng với kiến trúc hình hoa sen tao nhã đã đón hơn 70 triệu tín đồ từ khi được mở cửa vào năm 1986.

 

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham quan khu vực trưng bày cờ của các vùng lãnh thổ ở Ấn tại khuôn viên Trại lính NCC

Sắc màu áo dài Việt hòa quyện cùng trang phục truyền thống của bạn bè quốc tế

 

Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã cùng bạn bè quốc tế tham quan thành phố Jaipur để chiêm ngưỡng Bảo tàng Albert Hall, Lâu đài gió Hawa Mahal với 5 tầng màu hồng được xây bằng đá hoa cương đỏ và Pháo đài Amber - một kiến trúc độc đáo pha trộn giữa đạo Hindu và Hồi giáo; đặt chân đến thành phố cổ Agra bên dòng sông huyền thoại Gianma để tham quan 2 di sản văn hóa nổi tiếng gồm Đền Taj Mahal trang nghiêm trác tuyệt - mang phong cách Hồi giáo độc đáo được vua Shah Jahan cho xây bằng đá cẩm thạch trắng trong vòng 20 năm để tưởng nhớ đến người vợ quá cố và Pháo đài đỏ Agra - kiến trúc tráng lệ bằng sa thạch đỏ, tiêu biểu cho đỉnh cao vàng son của vương triều Mughal vĩ đại.

 

 

 

 

 

Ban QT Trung ương Đoàn (TN)