"Làn sóng tình nguyện" chưa từng có của người Việt trẻ ở Nga

15:06 27/04/2020     12969

Hội nhập Quốc tế   Web.ĐTN: Một “làn sóng tình nguyện chưa từng có” đã lôi cuốn hàng trăm người Việt trẻ ở các trường đại học tại Liên bang Nga và các nước khác, tham gia dạy học miễn phí qua Viber, Skype cho trẻ em Việt ở nước Nga.

Học sinh Việt ở Nga được các tình nguyện viên dạy học miễn phí qua mạng xã hội

 

“Làn sóng tình nguyện chưa từng có”

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên từ Liên bang Nga, anh Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Bí thư thường trực Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga, cho biết vào những ngày đầu tháng 4, trong giai đoạn nước Nga ban bố tình trạng khẩn cấp, các trường học đều đóng cửa khiến các em học sinh không được đến trường, việc học tập trở nên vất vả hơn.

Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đã thành lập một nhóm trên mạng xã hội Facebook để hỗ trợ nhau trong mùa dịch như: hỗ trợ nhau đi bệnh viện, gọi cứu thương, xét nghiệm...

“Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền và bệnh tật, còn có nỗi trăn trở về việc học tập của các em nhỏ. Trong mùa dịch, con em những gia đình người Việt đang không thể đến trường được và không được tiếp thu kiến thức mới mỗi ngày. Nếu tình hình này tiếp tục có thể các em sẽ không thể theo kịp việc học lúc quay lại trường. Bố mẹ thì lại không đủ chuyên môn và kiến thức để dạy các môn cho trẻ”, anh Hoàn nói.

 

Anh Nguyễn Xuân Hoàn (đứng) chủ trì một hội nghị về công tác Đoàn tại Liên ban Nga. Ảnh NVCC

 

Trước thực trạng đó, một nhóm tình nguyện đã lập mẫu đăng ký và kêu gọi đến tất cả du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và trách nhiệm, tham gia giúp các em nhỏ ôn luyện và học thêm kiến thức mới trong những ngày nghỉ ở nhà. Phụ trách nhóm tình nguyện là bạn Trần Phước Anh, Trưởng nhóm từ thiện vòng tay Việt - Nga.

“Điều kỳ diệu là sau hơn 2 tuần triển khai và huy động, nhóm đã thu hút được 116 tình nguyện viên đăng ký đến từ 56 trường đại học của 22 thành phố. Đặc biệt, trong số này không chỉ có các sinh viên đang học tại Nga mà còn có cả các sinh viên biết tiếng Nga tại Hà Nội, Buôn Ma Thuột (Việt Nam), Bắc Kinh và Trùng Khánh (Trung Quốc), California (Mỹ) cũng tham gia mạng lưới hỗ trợ, tạo ra một làn sóng tình nguyện chưa từng có đối với người trẻ Việt Nam ở Nga”, anh Hoàn chia sẻ.

Theo anh Hoàn, trong thời gian qua nhóm tình nguyện đã triển khai gần 200 lượt dạy với hơn 320 giờ dạy học cho hơn 100 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 11) là con em người Việt tại Liên bang Nga. Việc dạy học được triển khai theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh học sinh với nhiều môn học: toán, lý, hóa, tiếng Anh....; được các tình nguyện viện kết nối qua Viber, Skype… đến các phương tiện của phụ huynh học sinh.

Trải nghiệm khó quên

Tham gia dạy môn tiếng Anh cho em Dương Hải Hoàng - một học sinh lớp 3, bạn Đào Thị Huế, sinh viên năm thứ nhất Đại học Ngôn ngữ quốc gia Matxcova (Nga), cho biết: “Trong khi dịch bệnh lan rộng trên toàn nước Nga, mình cảm thấy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại Nga được dâng cao hơn cả. Trong hoàn cảnh đó thì Nhóm tình nguyện viên ra đời, mình tham gia nhóm với mong muốn chung tay cùng cộng đồng, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong mùa dịch”.

Chia sẻ về những trải nghiệm của mình khi tham gia dạy học miễn phí, Huế kể: “Với những giờ dạy học đầu tiên mình khá hồi hộp. Một phần là do mình mong muốn được gặp bé, hơn nữa mình cũng rất băn khoăn về bài giảng của mình, cách diễn đạt cho bé như thế nào, hay mình tự đặt câu hỏi liệu bé có thích không? Tuy nhiên, sau lần đầu gặp bé thì mình đã yên tâm hơn, mẹ bé hỗ trợ trực tiếp cho mình rất nhiều, bé ngoan và rất thông minh. Mình cảm thấy rất may mắn và đây thực sự là một trải nghiệm khó quên thời sinh viên của mình”.

 

Anh Nguyễn Xuân Hoàn (đứng) chủ trì một hội nghị về công tác Đoàn tại Liên ban Nga. Ảnh NVCC

Huế cũng cho biết mình muốn gửi gắm đến tất cả các bạn sinh viên một thông điệp của cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn đó là: trong cuộc sống cần có một tấm lòng. “Mình tin rằng với những trái tim nóng với nhiều sự sẻ chia, mọi sự khó khăn của hiện tại sẽ dần qua đi”, Huế xúc động nói.

Tham gia dạy học cho Trần Ngọc Trang Vy, một học sinh lớp 6, bạn Nguyễn Mạnh Thông, sinh viên Trường đại học Kinh tế Plekhanov (Nga) chia sẻ: “Ban đầu mình cũng lo lắng là mình sẽ không đủ kinh nghiệm và kiến thức để kèm cho học sinh, nhưng sau khi đã được trải nghiệm thì mình chỉ muốn nói với mọi người, nếu chúng ta có thời gian thì đừng quá lo ngại nghĩ rằng mình không thể làm được.

Giúp cho các em học cũng không hẳn khó như những gì chúng ta nghĩ, nên hãy cùng tham gia để giúp cho các bé qua khoảng thời gian này. Chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm tiếp xúc với người lạ và nhất là để trò chuyện cùng một đứa bé, những trải nghiệm mà không phải lúc nào tuổi trẻ chúng ta cũng được trải qua”.

Đặc biệt, hoạt động dạy học miễn phí này của các bạn trẻ đã để lại nhiều cảm xúc cho cộng đồng người Việt ở nước Nga. Trên các diễn đàn và trong các cuộc trao đổi với các tình nguyện viên, hầu hết các bậc phụ huynh có con được dạy học đã không ngớt lời khen ngợi và động viên các “thầy cô giáo đặc biệt” này. Phụ huynh của học sinh Trần Ngọc Trang Vy nói: “Tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tình nguyện viên đã có hoạt động ý nghĩa này. Bé nhà tôi phản hồi: Học cùng anh Thông hay hơn cô giáo con dạy ở trường!”.

 

Nguồn Báo thanh niên