Đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố Hà Nội với đại biểu Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI

07:07 26/10/2014     2354

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Nằm trong chương trình Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2014 – 2019 diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/10. Chiều ngày 25/10, tại Cung văn hoá Hữu nghị Hà Nội đã diễn ra chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với 500 đại biểu thanh niên ưu tú về dự Đại hội.
Tham dự buổi đối thoại có đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Uỷ viên BTV Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; cùng lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố.

a
Toàn cảnh buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu thanh niên đã mạnh dạn, thẳng thắng trao đổi nhiều nội dung đang được nhiều bạn trẻ hiện nay đang quan tâm, như: đại biểu Nguyễn Thanh Hà (Học viện Tài chính) nêu câu hỏi về việc HĐND Thành phố đã có Nghị quyết về trọng dụng nhân tài Thủ đô; sự quan tâm, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ  trong chủ trương chung của Thành phố trong tương lai? đại biểu Bùi Sỹ Tuấn Anh đến từ Bệnh viện giao thông vận tải Trung ương hỏi hiện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam đã có Hội thầy thuốc trẻ, nhưng đến nay chưa có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế. Vậy trong thời gian tới Sở Y tế thành phố có chủ trương gì? …

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng được các đại biểu đặt ra với các đồng chí lãnh đạo Thành phố cũng như các sở, ngành về: xây dựng các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên hiện nay; giúp gì để thanh niên “đề kháng” với những thông tin sai lệch trên mạng xã hội; Thành phố có chính sách gì để hỗ trợ cho thanh niên trong sản xuất và chuyển giao KHKT; việc thi tuyển công chức, viên chức của Thành phố có điểm gì mới đối với đối tượng trẻ? .v.v…

a
Các đại biểu trẻ tham dự đối thoại

Các câu hỏi, cùng những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu trẻ tại đối thoại đã lần lượt được lãnh đạo Thành phố và đại diện các sở, ngành trả lời làm thoả mãn những băn khoăn bấy lâu của các đại biểu nói riêng và thanh niên nói chung. Đồng thời tiếp thu những ý kiến để giải các ngành của Thành phố tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp trong thời gian tới nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho thanh niên nói riêng và nhân dân nói chung.

Thông quan đối thoại, là cơ hội để các bạn trẻ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cùng những đề đạt với các cấp, các ngành; đồng thời là những ý kiến để các cấp, các ngành của Thành phố tham mưu đưa ra những chính sách  phù hợp giúp thanh niên có điều kiện được tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cống hiến sức trẻ xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Dịp này, Thành Đoàn đã trao giải thưởng cho 60 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu, giai đoạn 2009 – 2014 (mỗi năm xét và bình chọn, trao giải thưởng cho 10 gương mặt trẻ ưu tú và 6 năm qua đã có 60 gương mặt trẻ); đồng thời trao ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” cho Uỷ ban MTTQ Thành phố số tiền 50 triệu đồng cho chính các đại biểu tham dự Đại hội lần này tự nguyện quyên góp, ủng hộ.

* Xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trao đổi tại buổi đối thoại này:

Ưu tiên phát triển, bồi dưỡng nhân tài
 
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài Chính về chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài năng trẻ Thủ đô, đồng chí Trần Huy Sáng  - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội luôn có các chế độ, chính sách nhằm khuyến khích các tài năng trẻ góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước.
 
Chương trình phát triển và bồi dưỡng nhân tài đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, hành động:  Đối với thủ khoa, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, cao đẳng, tiến sĩ, bác sĩ nội trú tốt nghiệp các ngành phù hợp với nhu cầu, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, những người có kinh nghiệm lâu năm ở các tỉnh về Thủ đô công tác thành phố đều có chính sách khuyến khích, hỗ trợ.  Sau 2 năm công tác được ưu tiên cử đi học sau đại học trong nước và nước ngoài. Với những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài đó, tôi rất mong các ban thanh niên Thủ đô, các thủ khoa xuất sắc hướng về Thủ đô.
 
Về vấn đề thi tuyển công chức và thanh niên du học mong muốn trở lại Thủ đô Hà Nội làm việc sẽ được nhận những ưu đãi gì, đồng chí Trần Huy Sáng cho biết: Hiện thành phố đang quan tâm phát triển rất lớn về các mảng giáo dục, y tế với lý do dân số tăng cơ học, tập trung về Thủ đô ngày càng nhiều và việc Thủ đô đang ngày càng nỗ lực tập trung chăm lo đời sống tinh thần, an sinh xã hội cho nhân dân.

a
Đ/c Nguyễn Thị Ngà, UVBTV Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội phát biểu khai mạc buổi giao lưu, đối thoại  với Thanh niên Thủ đô.
 
Những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu trong cả nước chủ động thi, xét tuyển công chức với trên 32 ngàn cán bộ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Thành phố đưa ra nhiều giải pháp thu hút nhân tài thông qua việc thi tuyển công chức, viên chức: Nâng cao chất lượng công chức, viên chức; áp dụng thi tuyển công khai, khách quan nhằm lựa chọn được người tốt nhất làm việc tại thành phố; Tiếp tục đổi mới chấm tập trung và càng ngày càng công khai minh bạch hơn…
 
Đối với du học sinh sau khi về nước, tốt nghiệp nước ngoài từ cử nhân bằng giỏi không cần thi mà được tuyển thẳng vào các cơ quan của TP Hà Nội.
 
Sẽ đào tạo trực tuyến cho cán bộ Đoàn cấp cơ sở
 
Với câu hỏi của bạn trẻ Đào Đức Hiếu – CTHĐQT Cham Việt Nam thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, đồng chí Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Với sức mạnh của internet và công nghệ thông tin hiện nay, việc đào tạo trực tuyến cho cán bộ Đoàn cơ sở mang lại rất nhiều lợi ích.
 
Hệ thống giúp cho người quản lí đánh giá được người học. Tuy nhiên, đào tạo như thế nào để có hiệu quả. 

Có 4 vấn đề cần đặt ra, trước hết là cơ sở hạ tầng thông tin. Hiện nay, hệ thống mạng viễn thông đã phủ sóng đến các xã vùng sâu, vùng xa phù hợp cho việc cập nhật thông tin cũng như ứng dụng loại hình đào tạo này. Thứ hai, cần những bài giảng có sự lựa chọn, chọn loại hình nào để đào tạo trực tuyến, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thứ ba, cần có phần mềm để đào tạo trực tuyến. Thứ tư, đối tượng học trực tuyến là ai?  Để việc học có hiệu quả đòi hỏi tính tự giác của người  học. 

Sau Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VI, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ lên kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên thành phố thực hiện chương trình đào tạo trực tuyến cho cán bộ Đoàn cơ sở trong giai đoạn 2015 – 2020.

s
Đại diện các sở, ngành của Thành phố trả lời câu hỏi của các đại biểu

Phát huy sức trẻ trong tổ chức các hoạt động văn hóa
 
Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Tây Hồ Phùng Ngọc Anh cho biết: Theo tiêu chí đề ra 100% xã phường phải có nhà văn hóa  cho  thiếu nhi, 80% khu công nghiệp, chế xuất và đô thị có khu vui chơi cho thiếu nhi. Vậy hiện nay, tình hình  khu vui chơi cho thiếu nhi của thành phố đã được thực hiện như thế nào, sắp tới thành phố kế hoạch gì để đáp ứng nhu cầu về các khu vui chơi?
 
Đồng chí Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trả lời: Hiện thành phố Hà Nội có 7 trung tâm, cung văn hóa trong đó Đoàn thanh niên quản lí 3/7;  cấp quận 27/30 đơn vị có nhà văn hóa, cấp xã có 286/500… Như vậy, số lượng các nhà văn hóa tương đối đầy đủ nhưng xây dựng đã lâu nên hư hỏng, có nơi có nhà văn hóa nhưng không tổ chức hoạt động gì.
 
Công tác xã hội hóa xây dựng các nhà văn hóa còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ  tiếp tục đầu tư  xây dựng các trung tâm, nhà văn hóa  và các khu vui chơi giải trí.
 
Tôi đề nghị đoàn viên, thanh niên phát huy sức trẻ trong tổ chức các hoạt động văn hóa để thu hút các tầng lớp nhân dân và các em thiếu nhi,từ đó thúc đẩy nhân dân cùng chính quyền địa phương xây dựng các nhà văn hóa, sân chơi cho thiếu nhi.
 
Thanh niên khu công nghiệp cần có các khu vui chơi, giải trí

Cùng chung vấn đề xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho thanh niên khu công nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Bí thư Đoàn khu chế xuất Hà Nội đề xuất: Hiện nay thanh niên lao động chiếm một tỉ lệ rất lớn nhưng gặp khó khăn về nhà ở, nhà trẻ  và các nơi vui chơi văn hóa. Vậy thành phố có chủ trương gì để đáp ứng nhu cầu của thanh niên công nhân?
 
Theo đồng chí  Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở lao động Thương binh và Xã hội : Cơ sở hạ tầng cho thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tổ chức rà soát các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn thành phố và mới chỉ có 2 khu công nghiệp có cơ sở nhà ở  cho công nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu của họ.
 
Thành phố đã có chủ trương từng bước tháo gỡ khó khăn, quy hoạch xây dựng hạ tầng nhà ở, nơi vui chơi ngay cạnh các khu công nghiệp và chế xuất. Tới đây, Hà Nội cũng sẽ thêm nhiều chính sách đồng hành cùng thanh niên công nhân, trong đó có vấn đề xây dựng hạ tầng nhà ở, nơi vui chơi cho người trẻ.

a
Phó Chủ tịch UBND thành phố  Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi tại buổi đối thoại
 
Các bạn trẻ đừng sợ thiệt thòi khi làm cán bộ Đoàn
 
Tại buổi đối thoại với thanh niên, bên cạnh việc thông tin về những thành tựu của Thủ đô Hà Nội sau 60 năm giải phóng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ với các bạn trẻ về những việc cần làm tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng vững mạnh.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Hiện Hà Nội có 1,5 triệu thanh niên lao động các khu chế xuất, trong đó phần lớn là lao động trẻ. Hà Nội cũng còn khoảng 18 ngàn người đang mắc nghiện, trong đó rất đông là thanh niên. Tổ chức Đoàn, Hội cùng các bạn thanh niên trăn trở và suy nghĩ làm thế nào đó để ngày càng kết nối gần hơn với thanh niên, giúp đỡ những con người còn gặp nhiều khó khăn để họ trở thành những người tốt.
 
Bên cạnh đó, mỗi bạn thanh niên tích cực rèn luyện, phấn đấu xây dựng lớp người Hà Nội trẻ phải là những thanh niên thanh lịch, văn minh. Không nói tục, chửi bậy, không có những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa…
 
“Các bạn trẻ đừng sợ thiệt thòi khi làm cán bộ Đoàn. Cái được lớn nhất là học cách quản lý ngay từ khi còn rất trẻ. Làm công tác Đoàn, các bạn học được từ những việc nhỏ nhất, biết cách tổ chức công việc của mình, Công tác Đoàn giúp thanh niên gương mẫu làm những công việc tốt, đầu tàu trong các hoạt động, biết cách tổ chức vấn đề một cách khoa học và bài bản. Từ  kinh nghiệm của bản than và những năm tháng gắn bó với Đoàn,  tôi thấy đó là những năm tháng vô cùng quý giá” – đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
 
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin tới các bạn trẻ về 6 khung tiêu chí xây dựng người Hà Nội văn minh của UBND Thành phố, nhấn mạnh tới việc thanh niên phải là những người đi đầu thực hiện các tiêu chí này. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng gợi mở đến vấn đề lấy ý kiến thanh niên, lắng nghe thanh niên để xây dựng các tiêu chí cho thật sự phù hợp.