Chi bộ Đảng trong sinh viên Thái Nguyên – Tổ chức cơ sở Đảng luôn theo sát sinh viên

09:31 15/04/2014     1655

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Học tập và giảng dạy trong nhà trường Đại học là hai hoạt động của hai chủ thể riêng có tác động qua lại với nhau, vì vậy môi trường sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng cũng có những đặc thù riêng. Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2001, Đảng bộ Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã quyết định thành lập thêm Chi bộ Văn phòng Đoàn thanh niên.

Sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên tham gia tình nguyện chăm sóc vườn thuốc nam và vệ sinh môi trường tại xã Phúc Lương, huyện Đại Từ
Sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên tham gia tình nguyện chăm sóc vườn thuốc nam và vệ sinh môi trường tại xã Phúc Lương, huyện Đại Từ

Thực chất là chi bộ Đảng dành cho đối tượng đảng viên là sinh viên. Qua 6 nhiệm kỳ Đại hội đã khẳng định được hiệu quả và chất lượng hoạt động của mô hình này. Trong số hơn 5.000 sinh viên là đoàn viên, thanh niên của Đại học Y- Dược Thái Nguyên có 63 sinh viên là đảng viên và 4 cán bộ kiêm giảng viên, trong đó có 28 đảng viên chính thức, tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Văn phòng Đoàn Thanh niên.

Nhiệm vụ của Chi bộ là lãnh đạo đoàn viên, thanh niên, Hội sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị và tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên. Công việc tưởng như khá đơn điệu và trùng lặp với nhiều nội dung của hoạt động Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Quá trình hoạt động cũng đã có những ý kiến khác đặt ra, đó là: Có cần thiết duy trì Chi bộ Đảng trong sinh viên, khi mà các chỉ tiêu như tỷ lệ sinh viên khá, giỏi, rèn luyện tốt, tỷ lệ bồi dưỡng, xét kết nạp đảng viên mới hàng năm... đều theo Nghị quyết của Đảng bộ Trường? Thực tế sinh viên tuổi đời còn rất trẻ, vốn sống chưa nhiều, nhất là kinh nghiệm về công tác Đảng lại càng ít...

Sau 13 năm hoạt động, đồng chí Tạ Quang Hùng, Bí thư Chi bộ Văn phòng Đoàn cho biết: Thực tế Chi ủy các năm đều là cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên và kiêm giảng viên, nên giữ vai trò là nòng cốt và định hướng cho các công tác của Chi bộ. Chính vì vậy việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng đối với Chi bộ sinh viên bao giờ cũng sát thực tế hơn, theo dõi quần chúng ngay từ khi nhập trường và đặc biệt là khi xét kết nạp Đảng chắc chắn xác định đúng đối tượng, bảo đảm cả về chất và lượng.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, chỉ có sinh hoạt cùng môi trường thì mới biết rõ đối tượng cần bồi dưỡng là ai, ưu, nhược điểm thế nào... Và tất cả các đối tượng khi được bình xét sinh viên ưu tú, đối tượng xét kết nạp Đảng đều được chính tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên tiến cử, biểu quyết công khai, dân chủ. Khác với mô hình tổ chức cơ sở Đảng các khoa, bộ môn giới thiệu và tiến cử. Bởi sang đến năm thứ 4 trở đi, sau khi phân khoa, chuyên ngành, các chi bộ mới bắt đầu có kế hoạch xem xét đối tượng, như vậy có trường hợp chậm được xem sét, hoặc kéo dài, thậm chí mất cơ hội khi ra trường mà chưa kịp xét kết nạp Đảng...

Quá trình học tập, rèn luyện, tổ chức cơ sở Đảng trong sinh viên còn có vai trò quan trọng là giúp đỡ sinh viên giải quyết hài hòa giữa học tập và hoạt động phong trào và tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích. Quan trọng hơn là thông qua các hoạt động này, cán bộ, đảng viên có thêm môi trường, điều kiện tốt hơn để tuyên truyền với tuổi trẻ về Đảng, về mục tiêu, lý tưởng phấn đấu rèn luyện, từ đó tạo sức hút bằng các chương trình mang tính tình nguyện và tự giác cao.

PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng phụ trách Nhà trường chia sẻ: Đặc điểm của Trường Đại học Y- Dược là đào tạo dài hạn (6 năm), vì vậy khi sinh viên phấn đấu tốt, đến năm thứ 4, thứ 5 đã có thể được xét và kết nạp vào Đảng. Như vậy các đảng viên là sinh viên phải có một môi trường sinh hoạt phù hợp với việc học tập của mình. Từ môi trường này, chính đảng viên mới sẽ tạo thêm động lực để các quần chúng ưu tú là sinh viên được tận thấy và có thêm niềm tin, ý chí phấn đấu noi theo. Chi bộ Đảng của sinh viên sinh hoạt riêng ở góc độ nào đó cũng là phân định rõ ràng vị trí, trách nhiệm thầy ra thầy, trò ra trò trong trường học.

Thực tế cho thấy, các chi bộ trong Đảng bộ Trường, đồng chí Bí thư thường là người tuổi cao (trung bình 50) lại là các nhà khoa học, nên không thể theo sát các hoạt động phong trào của tuổi trẻ, nên việc theo dõi, giúp đỡ đối tượng kết nạp Đảng không thể sâu sát, toàn diện được. Chưa kể trong sinh hoạt hàng ngày, mối quan hệ thầy trò là chủ đạo, thì ít nhiều sẽ bị át đi tính bình đẳng trong quan hệ tôi - đồng chí trong sinh hoạt Đảng, khi chi bộ có đảng viên là sinh viên.

Đảng viên trẻ Nguyễn Xuân Thành, sinh viên năm thứ 5, được kết nạp vào Đảng từ khi còn học lớp 12 tại Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang cho biết: Nếu như sinh hoạt Đảng trong môi trường toàn các thầy, cô giáo, chúng tôi chỉ có một thái độ duy nhất là lắng nghe, thậm chí có nhiều vấn đề không liên quan, hay nhậy cảm, chúng tôi buộc phải nghe. Tâm tư cũng thấy ngại, vì các thầy, cô sinh hoạt thì có cả kiểm điểm chuyên môn, đạo đức, tác phong, trong khi môi trường sinh viên thì có nhiều điểm khác. Còn đảng viên Nguyễn Việt Quang sinh viên năm thứ 5 khẳng định: “Sinh hoạt chi bộ trong môi trường sinh viên, chúng tôi được bàn thảo kỹ hơn về vấn đề phương pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và hoạt động phong trào trong sinh viên”.

Được biết, từ thực tế hoạt động mô hình tổ chức cơ sở Đảng trong sinh viên, nên hàng năm Chi bộ Văn phòng Đoàn đã giới thiệu và kết nạp mới được từ 70-80 Đảng viên là sinh viên ưu tú, tăng hơn so với những năm trước khi thành lập mô hình hoạt động này từ 10-15% mỗi năm. Đặc biệt, số Đảng viên là sinh viên được kết nạp tại Đảng bộ Trường, sau khi tốt nghiệp, trên 80% tiếp tục tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn và có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.