Bộ Giáo dục & Đào tạo gặp mặt 64 giáo viên “cắm bản”

09:06 13/11/2015     1033

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều 12/11, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức gặp mặt giáo viên tiêu biểu đang công tác tại điểm trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn năm 2015.

dbd
Các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm với các thầy cô giáo "Cắm bản"

 
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; TS Nguyễn Thị Nghĩa-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS Võ Văn Thành Nghĩa - TGĐ Tập đoàn Thiên Long, cùng đại diện các cục, vụ, phòng, ban, đơn vị trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn và 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Năm 2015, để triển khai phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam phát động, Trung ương Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình tri ân các thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, có thời gian công tác từ 3 năm trở lên, trong đó có những thầy cô như cô giáo Nguyễn Thị Hương Bình đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo vùng biên giới Quản Bạ, Hà Giang; cô Hoàng Thị Hương đã có 17 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo Thông Nông, Cao Bằng; Cô Trần Thị Bình đã gắn bó 16 năm tại Mường Khương, Lào Cai…

Thay mặt Bộ Giáo dục & Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy, cô giáo và mong các thầy cô tiếp tục vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp “trồng người”.

Tuy điều kiện công tác còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn chăm lo cho các em học sinh ở xã từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bằng tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, các thầy cô giáo đã được cha mẹ học sinh, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu và gọi là “giáo viên cắm bản”.

vd
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long tặng quà cho các thầy cô

Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chia sẻ: Tôi rất vui mừng, xúc động khi được đón tiếp 64 thầy cô giáo “cắm bản” tiêu biểu trong dịp học trò cả nước đang hướng tới chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11).

Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và xã hội, hệ thống giáo dục của nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, được vui chơi, học tập để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Có được những thành công đó, là nhờ sự đóng góp của nhà trường, sự phấn đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo, những người đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đặc biệt, 20 thầy giáo và 44 cô giáo đang công tác tại các điểm trường lẻ chính là những người đã đóng góp sức trẻ, vượt qua muôn vàn khó khăn để đem “con chữ” đến học sinh vùng sâu, vùng xa. Tất cả thầy cô giáo ấy đều là những tấm gương tiêu biểu, xứng đáng được tôn vinh.

Chia sẻ cùng với các đại biểu, thầy Lò Văn Xuân, dân tộc Thái, 58 tuổi, công tác tại Trường Tiểu học Mường Lèo, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là giáo viên lớn tuổi nhất đã bày tỏ niềm hạnh phúc, cảm ơn Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long mời đến Thủ đô Hà Nội để tuyên dương lần này, thầy Xuân cho biết: Sẽ cố gắng bám điểm trường, thực hiện tốt hơn nữa đem cái chữ đến các em vùng cao.
 
Đàm thị Thu Thủy
Cô Đàm Thị Thu Thủy, sinh năm 1990, công tác tại Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, là một trong hai giáo viên trẻ tuổi nhất đợt tuyên dương lần này tâm sự: Khi quyết định nhận công tác, mình không nghĩ là sẽ gặp nhiều khó khăn như vậy, nhất là sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô, trò và người dân trong bản. Bởi vì các em học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhìn sự vất vả của đồng bào, các em học sinh, mình không đành lòng rời bỏ mà vững vàng hơn với quyết định “cắm bản”.

 

Phùng Thị Huyền- Mường nhé
Cô Phùng Thị Huyền- 25 tuổi, công tác tại  tại trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên chia sẻ: Đi dạy cách điểm trường 7km. Học sinh đi học có những em không có quần, áo để mặc. Ban đầu, mới lên điểm trường, ngôn ngữ bất đồng, vì vậy, cô đã quyết tâm học tiếng địa phương để hiểu các em hơn. Cô cũng mong muốn nơi công tác có lớp học khang trang, tiện nghi để các em học sinh có điều kiện học tập.
 

Nguyễn Thị Hạ- Phú Thọ
Cô Nguyễn Thị Hạ- Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Đài (xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ trường của cô đang công tác có muôn vàn khó khăn. Từ ngày đầu đi làm, cô đã phải đi 12km và phải đi bộ tận 6 -7 km để tới trường. Tuy hiện nay đã có đường đến trường nhưng vẫn chưa đủ giáo viên và học sinh các lớp phải học ghép chung với nhau. Cô Hạ mong các lãnh đạo quan tâm để xây dựng trường lớp, lớp học có điện cho các em.


Cô  Đinh Thị Ngấy, dân tộc Hre, giáo viên trường Mẫu giáo xã Long Môn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ niềm hạnh phúc khi được tới Hà Nội để Tuyên dương: “Tôi rất vui và rất vinh dự khi được tham dự chương trình này, tôi đã nỗ lực hết mình nên đã được ghi nhận ngày hôm nay, đây sẽ là động lực để tôi cố gắng hơn nữa cố gắng hết mình để đem đến con chữ cho các em”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu (45 tuổi), quê gốc Ninh Bình đã có hơn 15 năm gắn bó với học sinh vùng cao. Cô hiện đang công tác tại trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Những ngày đầu công tác, muốn giao lưu với trò, thể hiện tình cảm giữa cô và trò cũng khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ và còn phải đối diện với bao khó khăn khác, nhưng cô chưa bao giờ nản lòng, chính những  ánh mắt thơ ngây của học trò  đã thôi thúc cô tiếp tục bám trụ nơi đây. Cô cho biết: Là giáo viên thì phải gương mẫu , dù khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ tôi nản . Khi lên lớp các em học sinh lúc nào cũng háo hức muốn nghe cô giảng nên cô cũng không quản thời gian để dạy các em. Ngày 20.11 có năm các em cũng có hoa rừng đến chúc mừng cô. Đấy là hạnh phúc lắm.

Để đem ''con chữ'' đến cho các em học sinh vùng cao, ngoài các thầy cô giáo có mặt tại buổi tuyên dương lần này, còn có hàng nghìn ''giáo viên cắm bản'' khác đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh, được các phụ huynh học sinh, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.