Tọa đàm trực tuyến Sách giáo khoa điện tử hướng đi cho tương lai

16:17 16/06/2023     12470

3 Chương trình   ĐTN: Ngày 15/6, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa điện tử tương tác cao - Hướng đi cho tương lai" với sự tham gia của nhiều thành viên trong mạng lưới và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục.

Dự và chủ trì toạ đàm có TS. Trần Lê Hưng, Giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, ThS. Trần Thành Vinh, Bí thư Đoàn trường Đại học Hùng Vương, thành viên Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; cùng các diễn giả – chuyên gia về ngành giáo dục: ThS. Nguyễn Sỹ Nam, Chủ nhiệm UBKT Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Đoàn thanh niên Viện KHGDVN; ông Nguyễn Huy Du - CEO The Smart Light (DUCA Holding); ông Phạm Thúc Trương Lương - Tổng giám đốc công ty Công nghệ Phần mềm Tinh Vân; bà Nguyễn Thị Minh Hiển - Giáo viên Trường THPT Tây Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi - Thành viên Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và ThS. Nguyễn Văn Đại - Phó bí thư Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bí thư đoàn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 

 

Thông qua buổi toạ đàm, Ban tổ chức mong muốn mang lại cách nhìn mới, mở ra hướng đi mới cho học liệu điện tử tương tác cao ở Việt Nam. Đồng thời giúp các bạn trẻ nhìn nhận xu hướng và cách thức tiếp cận với các hình thức mới trong tương lai.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra cách nhìn toàn cảnh về lịch sử phát triển SGK và những bài học trong quá khứ; những bài học thực tiễn ở các quốc gia khác trên thế giới; đồng thời đưa ra các giải pháp để đưa công nghệ vào nền giáo dục. Trong đó, các đại biểu đề nhận định đều cho rằng, phát triển SGK điện tử sẽ là một xu hướng mới và cần thiết cho đổi mới ngành giáo dục Việt Nam, nhưng cần sự cân nhắc và kế hoạch chi tiết. Các diễn giả đều mong muốn tiếp tục thảo luận và tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ tại toạ đàm, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiển đến từ trường THPT Tây Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng SGK điện tử có tiềm năng lớn, nêu rõ được toàn cảnh thực tại, những khó khăn khi sử dụng SGK điện tử vào giảng dạy và đề xuất những phương hướng phát triển bởi cô nhận định rằng SGK điện tử sẽ là một xu hướng trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Du, CEO công ty DUCA Holding đã chỉ ra những lợi ích của SGK điện tử, như khả năng lưu trữ nhiều loại sách, đa luồng, cập nhật dữ liệu nhanh chóng và không giới hạn chia sẻ trong cộng đồng. Tho CEO Huy Du, chúng ta không thể thay thế học liệu truyền thống ngay lập tức, vì có nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, tư duy và cơ sở vật chất…

Còn với ông Nguyễn Sỹ Nam, Viện khoa học giáo dục Việt Nam thì đề cập đến việc phát triển thiết bị và SGK điện tử là một xu hướng thực tế, nhưng cũng nhấn mạnh rằng mỗi NXB có mục tiêu và định hướng riêng. Ông nói rằng cần có sự dẫn dắt từ chính phủ và cả sự hợp tác giữa các NXB và doanh nghiệp.

 

Ngoài các đề xuất về việc các cơ quan chức năng cần xây dựng lộ trình phát triển SGK điện tử, các đại biểu đã có những hiến kế với Trung ương Đoàn.


Theo các đại biểu, Trung ương Đoàn cần đẩy mạnh chương trình đào tạo về công nghệ thông tin. Trung ương Đoàn có thể hợp tác với các tổ chức đào tạo chuyên về công nghệ thông tin để tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo hoặc chia sẻ kiến thức về SGK điện tử. Điều này giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng và phát triển SGK điện tử.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn có thể thúc đẩy việc triển khai mô hình đầu tiên mở đường về SGK điện tử tại một số trường học hoặc cấp độ cụ thể; sau đó tuyên truyền kết quả và lợi ích của việc sử dụng SGK điện tử cho cộng đồng giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Các đại biểu cũng cho rằng, để khuyến khích tạo ra nội dung, nghiên cứu và phát triển SGK điện tử, Trung ương Đoàn có thể tổ chức cuộc thi, hội thảo, dự án nghiên cứu hoặc khuyến khích tham gia đóng góp nội dung SGK điện tử, phù hợp với nhu cầu của học sinh.

Điều này không chỉ đẩy mạnh sự phát triển của SGK điện tử mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy sáng tạo, bắt kịp thời đại, góp phần đưa ra những đề xuất cải tiến và phát triển SGK điện tử trong tương lai.

Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương Đoàn có thể tạo ra môi trường để các giáo viên, đoàn viên thanh niên có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những thử thách và thành công trong việc sử dụng SGK điện tử; từ đó giúp tăng cường sự hỗ trợ và cung cấp thông tin hữu ích cho nhau trong quá trình triển khai SGK điện tử.

TS. Trần Lê Hưng tổng kết rằng tất cả các đại biểu đều thống nhất về việc phát triển SGK điện tử là một xu hướng mới và cần thiết cho đổi mới ngành giáo dục Việt Nam nhưng cần sự cân nhắc và kế hoạch chi tiết. Các diễn giả đều mong muốn tiếp tục thảo luận và tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam…

 

BA