Công Đoàn cơ quan Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị học tập chuyên đề năm 2018

09:30 17/12/2018     1019

3 Chương trình   Web.ĐTN: Chiều 17/2 tại Hà Nội, Ban Thường vụ Công Đoàn cơ quan Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị chuyên đề năm 2018 dành cho cán bộ công Đoàn.

 

Quang cảnh Hội nghị học tập chuyên đề năm 2018 dành cho cán bộ công Đoàn

 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Giang Tuệ Minh - Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trung ương Đoàn; cùng các đồng chí Ủy viên BTV, BCH, Uỷ ban kiểm tra công Đoàn cơ quan Trung ương Đoàn, Ủy viên BCH các công Đoàn cơ sở, công Đoàn bộ phận trực thuộc…

Hội nghị là hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu cho thủ trưởng đơn vị về quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác công Đoàn tại đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội công Đoàn các cấp.

Hội nghị học tập được triển khai với 02 chuyên đề: Quán triệt Nghị Quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam, Nghị quyết XII Công đoàn Việt Nam và Công đoàn tham gia giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Tại chuyên đề thứ nhất, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh đã thông tin những kết quả đạt được của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023.

Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “ Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “ Xanh -  Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “ văn hóa, thể thao”; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với trị giá làm lợi 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến ngày 30/11/2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra; giới thiệu 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã có 276.192 đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí cũng thông tin một số chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2018-2023 như: đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt, 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước đạt vững mạnh. Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa…tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh đã nhấn mạnh việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam; Nghị quyết XII Công đoàn Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cần được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả, không phô trương, tránh hình thức, khẳng định vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở các cấp công đoàn. Qua đó, quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt công Đoàn các cấp về những quan điểm cơ bản, những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội công Đoàn Việt Nam lần thứ XII, để nâng cao nhận thức, triển khai thống nhất sáng tạo trong thực tiễn công tác, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công Đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Tại chuyên đề công Đoàn tham gia giám sát thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ quan, đơn vị, đồng chí Trần Văn Tư - Chuyên viên cao cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông tin việc thực hiện QCDC ở đơn vị đặc thù như: cơ quan Trung ương Đoàn hoạt động ở nhiều loại hình khác nhau bao gồm cả khối hành chính sự nghiệp và cả khối hành chính doanh nghiệp nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên người lao động. 

Đồng chí khẳng định, đối với Công đoàn thuộc khối hành chính sự nghiệp thì quy chế dân chủ phải được thực hiện đúng theo nội dung của Hội nghị cán bộ công chức. Đối với doanh nghiệp, quy chế dân chủ được thực hiện thông qua việc tổ chức công khai phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp, cũng như phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; Hàng năm thông qua hội nghị, người lao động được trực tiếp đối thoại với Ban Giám đốc và tham gia xây dựng, bổ sung các nội quy, quy chế, đề xuất các biện pháp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng quy chế về tiền lương, tiền thưởng, các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, vệ sinh an toàn lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện QCDC cơ sở. Theo tích chất công việc của từng doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đề nghị với người sử dụng lao động quy định thêm những nội dung cần công khai liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động để người lao động biết: công khai đơn giá tiền lương trên một sản phẩm, tiền chuyên cần, trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng các loại Bảo hiểm, công khai tài chính hàng năm về các nội dung liên quan đến người lao động...

Đồng chí Trần Văn Tư nhấn mạnh, để QCDC ở cơ sở tiếp tục được phát huy hiệu quả, mỗi cán bộ, CNVCLĐ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Tổ chức CĐCS cần phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động... thực hiện tốt các chế độ, chính sách hướng tới người lao động, yên tâm làm việc, góp phần để cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển, vai trò, vị trí của tổ chức công Đoàn ngày càng được khẳng định, xứng đáng là nơi đoàn viên, người lao động gửi gắm niềm tin.

 

Thanh Nga