Chung kết "Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng” lần thứ IV

17:08 26/05/2019     1870

3 Chương trình   Web.ĐTN: Hai đề tài “Ứng dụng mô hình VAR trong đo lường rủi ro và quản lý danh mục đầu tư” và “Mối quan hệ giữa quyền sở hữu cổ đông sáng lập và đầu tư nước ngoài: Bằng chứng thực nghiệm ở Việt Nam” đã xuất sắc giành hai giải Nhất của Hội thi.

Ngày 25/5 tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức vòng chung kết Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng” lần thứ IV.

Giải Nhất của Hội thi “Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng” lần thứ IV - năm 2019 thuộc về các nhóm thí sinh đến từ Học viện Tài chính, Đại học Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng” là cơ hội trao đổi, liên kết nghiên cứu khoa học giữa sinh viên, giáo viên các nhà trường, hướng đến việc ứng dụng các mô hình toán học, kinh tế lượng, các phần mềm tin học để lượng hóa các nghiên cứu khoa học.

Hội thi năm nay có 77 đề tài của 15 trường đại học, học viện tham gia, trong đó có cả đại diện đến từ Hoa Kỳ (Alliant International University - Đại học Mississippi). 56 đề tài đã lọt vào vòng sơ khảo. Kết quả chung khảo vòng 1 có 15 đề tài được lựa chọn. 6 đề tài xuất sắc nhất được báo cáo trước Hội đồng giám khảo tại vòng chung kết Hội thi.

Hai đề tài “Ứng dụng mô hình VAR trong đo lường rủi ro và quản lý danh mục đầu tư” của nhóm thí sinh đến từ Học viện Tài chính và Đại học Bách khoa Hà Nội; “Mối quan hệ giữa quyền sở hữu cổ đông sáng lập và đầu tư nước ngoài: Bằng chứng thực nghiệm ở Việt Nam” của nhóm thí sinh Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành hai giải Nhất của Hội thi.

 

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 4 giải Nhì; các giải Ba và nhiều giải thưởng khác cho 15 đề tài của đại diện các trường lọt vào chung khảo.

Đây là lần thứ tư Hội thi được tổ chức hướng đến việc ứng dụng các mô hình toán học, kinh tế lượng, các phần mềm tin học để lượng hóa các nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả, tính chính xác của kết quả các công trình nghiên cứu khoa học. Hội thi cũng là cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi, liên kết nghiên cứu khoa học giữa sinh viên, giáo viên các nhà trường; phát hiện, biểu dương kịp thời những sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tài trợ và giúp đỡ sinh viên nuôi dưỡng ý tưởng nghiên cứu khoa học, động viên sinh viên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên ngành để vững vàng lập nghiệp.

Thông qua Hội thi đã có rất nhiều sinh viên trưởng thành, được các cơ quan, doanh nghiệp đặc cách vào làm việc ở những vị trí xứng đáng, có thu nhập cao; nhiều đề tài nghiên cứu tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, được các báo chuyên ngành, hội thảo trong và ngoài nước nhận đăng.

 

Bảo Anh