Bộ Giáo dục và Đạo tạo gặp mặt các tác giả "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2020

12:31 14/11/2020     8538

3 Chương trình   Web.ĐTN: Sáng ngày 14/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng  Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã có cuộc gặp mặt các tác giả tham gia vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2020. Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trò chuyện với tác giả, nhóm tác giả tại buổi gặp mặt

 

Dự buổi gặp mặt có đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội Sinh viên Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT; Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và 15 tác giả, nhóm tác giả vào vòng chung khảo Chương trình.

Báo cáo về những kết quả của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020, Ban Tổ chức cho biết, qua 05 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 1.132 công trình, sáng kiến của 1.182 tác giả trên cả nước. So với số lượng của năm 2019 với 539 hồ sơ và năm 2018 với 401 hồ sơ, kết quả của năm 2020 đã cho thấy sự thu hút, lan tỏa hơn của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” trên cả nước.

 

 

Cụ thể, có 521 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 223 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 388 hồ sơ công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

 

Tại buổi gặp mặt, đại diện 15 tác giả, nhóm tác giả đã chia sẻ về các công trình, sáng kiến, cũng như bày tỏ mong muốn của các tri thức trẻ đối với đổi mới giáo dục nước nhà.

 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao chất lượng của 15 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo; đồng thời, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, đầy trách nhiệm của các tác giả đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà. 

 

Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức sân chơi cho các bạn học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, góp phần đồng hành với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà.

 

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, bên cạnh những công trình, sáng kiến ứng dụng công nghệ cao, Ban tổ chức chương trình đánh giá rất cao những công trình, sáng kiến hướng đến những đối tượng học sinh yếu thế, như: Bàn học chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị; cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng cho học sinh khiếm thị; thiết kế, chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trên xe ô tô… “Các tác giả, nhóm tác giả đã đặt mình vào những người yếu thế để có được những công trình, sáng kiến ý nghĩa thiết thực phục vụ học sinh một cách tốt nhất”, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội Sinh viên Việt Nam trao quà cho các tác giả, nhóm tác giả

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết thêm, Ban tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ cùng nghiên cứu kết nối với các đơn vị liên quan để những công trình, sáng kiến tốt, có tính khả thi cao được áp dụng vào thực tế, lan tỏa sâu rộng, góp phần đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục nước nhà.

 

Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam trao quà cho tác giả, nhóm tác giả tại buổi gặp mặt

 

Tối cùng ngày, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lễ tổng kết và trao giải chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2020.

 

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả và nhóm tác giả tại buổi gặp mặt.

15 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo

1. Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay. Nhóm tác giả: Đào Lê Hòa An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Lê Tâm An, Lâm Tùng - Thành phố Hồ Chí Minh

2. Nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng dành cho Giáo viên và Học sinh. Nhóm tác giả: Võ Nguyễn Đình Trí, Trần Anh Quân, Phan Đình Cường, Lê Văn Anh Tín, Hoàng Trọng Gia Huy, Thành phố Đà Nẵng.

3. Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới. Tác giả: Nguyễn Trường Vũ, Thừa Thiên Huế

4. Thiết bị hỗ trợ công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động. Tác giả: Hà Quốc Trung .Bà Rịa - Vũng Tàu.

5.Cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng cho học sinh khiếm thịTrần Tuấn Minh, Phạm Ngọc AnhBà Rịa - Vũng Tàu

6.Thiết kế và chế tạo mô hình hiệu chỉnh động cơ giao tiếp với máy tính. Nhóm tác giả: Tô Ngọc Luật, Phan Hoàng Sơn, Võ Trọng Hữu, tỉnh Vĩnh Long.

7.Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý. Tác giả: 
Lê Thanh Liêm, tỉnh Hậu Giang.

8.Sgarden – Thiết bị hỗ trợ trồng cây cho học sinh. Nhóm tác giả: Cao Thọ Hoàng Long, Hoàng Lý Đình Duy, Đinh Thị Yến Nhi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

9.Inspired creativity STEM (IPC STEM) (STEM khơi nguồn sáng tạo). Nhóm tác giả:Trần Trung Hiếu, Đinh Thị Thủy, Lê Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Thành phố Hà Nội.

10.Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông. Tác giả: Nguyễn Hữu Quyết, Thành phố Hà Nội

11.Thiết kế, chế tạo thiết bị chống quên trẻ em trê xe ôtô. Nhóm tác giả: Thân Quý Mùi, Đỗ Bảo Ngọc, tỉnh Thái Nguyên.

12.Bàn học chữ nỗi dành cho học sinh khiếm thị. Nhóm tác giả: Đinh Thị Giàu, Lữ Xuân Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

13.Hệ thống nhận dạng vứt rác bừa bãi tại Trường, xây dựng ý thức, nếp sống văn minh cho học sinh. Nhóm tác giả:Nguyễn Thị Hương Giang, Đào Thiên Long, tỉnh Tây Ninh.

14.Ứng dụng Android "Toán Học Tiểu Toàn Thư". Tác giả :Huỳnh Phú Sĩ ,tỉnh Vĩnh Long.

15. Đàn piano trái cây. Nhóm tác giả: Lưu Hoàng Bảo Khang, Huỳnh Hải Đăng, Lê Quang, tỉnh Trà Vinh


 

Bảo Anh