An Giang: Tập huấn kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho cán bộ Đoàn chủ chốt

13:59 28/10/2019     2483

3 Chương trình   Web.ĐTN: Ngày 24/10, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an tỉnh tổ chức kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho 80 cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp bộ Đoàn trong tỉnh.

Quang cảnh buổi tập huấn.


Do tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Số lượng người nghiện ma túy liên tục gia tăng, tội phạm về ma túy cũng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Riêng tại An Giang trong vòng 03 năm trở lại đây, số lượng người nghiện ma túy liên tục tăng kéo theo tội phạm về ma túy tăng cao (cung và cầu). Đây là vấn đề đang đặt ra cho các cơ quan chức năng.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp về kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy hiện nay. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an tỉnh tổ chức kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho cán bộ Đoàn chủ chốt trong tỉnh.

Tại buổi tập huấn, các bạn cán bộ Đoàn được Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng - Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an tỉnh báo cáo Chuyên đề: “Thực trạng tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên An Giang” và hướng dẫn một số kỹ năng về phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên. Những kiến thức được báo cáo viên truyền tải cho đội ngũ cán bộ Đoàn rất phong phú, hữu ích: Khái niệm về ma túy, gồm: Tệ nạn ma tuý? (Là tình trạng nghiện ma tuý, tội phạm về ma tuý và các hành vi trái phép khác về ma tuý). Ma túy là gì? (Theo từ điển tiếng Việt thì Ma túy là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện. Những chất gây nghiện có thể được chiết xuất từ cây thực vật như cây Anh túc (cây thuốc phiện), cây Côca, cây khác… Và những chất gây nghiện kích thích thần kinh khác như Amphetamine, LSD được sản xuất từ các tiền chất, hóa chất. Những chất kích thích thần kinh đó, trong thuật ngữ tiếng Việt ta có thể gọi là chất ma túy hướng thần…

Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), đã quy định các tội phạm về ma túy. Theo đó, ma túy bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, các chất ma túy khác ở thể rắn, các chất ma túy khác ở thể lỏng. Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất gồm 515 chất ma túy và 44 tiền chất. Để xác định có phải là chất ma túy hay không, hoặc là chất ma túy gì thì phải trưng cầu giám định.

Tại buổi tập huấn, các bạn cán bộ Đoàn được báo cáo viên cho xem và nhận dạng các loại ma túy: Thuốc phiện; Cocain; Cần sa; Heroin; Ma túy tổng hợp (Ma túy đá; Thuốc lắc (ectasy), gọi đầy đủ là thuốc lắc MDMA; Cỏ Mỹ (K2/spice); “Lá Khát” (hay Kat, Qat, Ghat hoặc Chat) còn gọi với cái tên là lá “Thiên đường” (Catha edulis); Bùa lưỡi (LSD); Bánh lười (Lazy cakes); Nước vui;…). Và rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho báo cáo viên: Cách nhận biết người thân trong nhà sử dụng ma túy; Cách thức xử lý khi gặp trường hợp thanh niên bị ngáo đá; Phân biệt thế nào là người bệnh và người nghiện ma túy để có biện pháp phối hợp với ngành chức năng xử lý;…

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia lớp tập huấn còn được Trung tá Nguyễn Quyết Thắng cũng hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của các cơ quan, đoàn thể chính quyền địa phương: Phối hợp với các ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội tại địa phương đẩy mạnh các mặt công tác tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy với nhiều nội dung, hình thức đa dạng phù hợp với từng loại đối tượng, nhất là thanh thiếu niên và học sinh sinh viên, trong đó chú ý tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp; quan tâm gặp gỡ, cảm hóa giáo dục đối tượng sau cai nghiện, tham gia giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người nghiện, sau cai nghiện nhằm tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định tránh tái nghiện và không tham gia vào các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; Ngăn chặn có hiệu quả nguồn “cung” chất ma túy cho người nghiện; Vận dụng phù hợp các biện pháp tuyên truyền và kiên trì tổ chức các giải pháp cai nghiện ma túy hiệu quả; Áp dụng các giải pháp chống tái nghiện ma túy, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; Kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án phòng, chống nghiện ma túy có tính khả thi cao;…

Tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; Là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội./.

 

Thanh Tiền, TĐ An Giang-BA