3 giá trị cốt lõi trong văn hóa công sở, đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước

21:08 01/03/2019     3958

3 Chương trình   Web.ĐTN: Ngày 01/3, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước (KTNN) thuộc Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến về văn hóa công sở, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước (KTV).

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Công đoàn KTNN Lê Huy Trọng, PGS.TS Đào Thị Ái Thi đã trao đổi, thảo luận về các nhóm vấn đề liên quan đến văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp của KTV với đoàn viên thanh

 

Mở đầu của Tọa đàm, bằng lối diễn giải gần gũi, bằng những câu chuyện thực tế đời thường kết hợp với những kinh nghiệm đúc kết trong thực tế cuộc sống cũng như trong quá trình nghiên cứu, PGS. TS. Đào Thị Ái Thi đã giúp các đoàn viên thanh niên dự Tọa đàm hiểu rõ văn hóa công sở được biểu hiện thông qua các chuẩn mực xử sự, nghi thức giao tiếp trong hoạt động công vụ; quan hệ chỉ đạo, phối hợp, ý thức chấp hành kỷ luật trong và ngoài công sở của cán bộ, công chức. Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng một nề nếp, phương thức làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ, giúp cán bộ, công chức nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình đối với xã hội, đối với nhân dân, hình thành thái độ, lòng yêu nghề, niềm tự hào về nghề nghiệp, từ đó có ý thức làm việc tốt, tận tụy với công việc, có hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với Nhân dân, với đồng nghiệp...

Trong phần trao đổi tương tác, 3 khách mời: Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Công đoàn KTNN Lê Huy Trọng, PGS.TS Đào Thị Ái Thi và đoàn viên, thanh niên đã trao đổi, thảo luận về các nhóm vấn đề liên quan đến văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp của KTV. Nhiều câu hỏi, tình huống cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp của KTV được đặt ra.

KTV phải giữ được tính độc lập, khách quan và liêm chính

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm trao đổi của các đại biểu là: Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, một số KTV gặp phải tình huống nhận được lời nhờ vả hoặc thậm chí chịu sức ép tác động từ người quen, bạn bè, cấp trên hay người có mối quan hệ thân thiết của đơn vị được kiểm toán nhằm can thiệp hoặc xử lý nhẹ tay các trường hợp vi phạm của đơn vị. Trong trường hợp đó, KTV cần làm gì để đảm bảo không bị ảnh hưởng, tác động, sức ép mà vẫn duy trì được sự hài hòa với các mối quan hệ đó? Nhiều chia sẻ về những lần KTV trải qua tình huống này và cách ứng xử của KTN đã nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu dự Tọa đàm.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Bản thân tôi làm Tổng kiểm toán, tôi cũng chịu nhiều sức ép, ví dụ như bạn bè, anh em, người quen nhờ vả bỏ kết quả này, hoặc giảm nhẹ đi một chút, thậm chí cũng có thể còn nhận được đề nghị quan tâm, cho lên chức trường hợp này, trường hợp kia… Có rất nhiều sức ép diễn ra và mỗi kiểm toán viên chịu sức ép nào thì các sức ép đó đều dồn lên Tổng kiểm toán”.

Tuy nhiên, Tổng kiểm toán nhấn mạnh, cái chúng ta cần là phải giữ được bản lĩnh, giữ được đạo đức nghề nghiệp. Trong từng tình huống, đối tượng tác động, nhờ vả, kiểm toán viên cần phải có một cách xử sự riêng. Chẳng hạn, với bạn bè thân quen thì mình phải giải thích rõ ràng và nói thẳng “không giải quyết được”. Còn nếu cấp trên tác động, nhưng có thể do bản thân họ chưa hiểu nội dung đó như thế nào, nên mình cũng phải giải thích lại. “Tôi tin chắc những người lãnh đạo cấp trên của các bạn không ai lái một kết quả đi sai lệch với kết quả mà chúng ta đã phát hiện và có đầy đủ bằng chứng chắc chắn. Nhưng cũng có những trường hợp chúng ta phát hiện ra một vấn đề nhưng chưa đủ bằng chứng, hoặc góc nhìn của chúng ta chưa đủ cơ sở để kết luận và đánh giá một cách chính xác, thì cấp trên phân tích, chỉ ra để đánh giá, kết luận cho chính xác.

Trong quá trình chịu sự tác động, chúng ta phải giữ được tính độc lập, khách quan. Và điều cơ bản của kiểm toán viên là tính liêm chính, nói phải củ cải phải nghe. Mình làm đến cùng sự thật, thì sự thật vẫn là sự thật. Mỗi chúng ta cần giữ vững bản lĩnh của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để mang lại thành tích, uy tín cho ngành KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng kỳ vọng “chúng tôi luôn mong muốn các bạn trẻ vươn lên, làm đúng quy trình, đúng hướng dẫn của ngành và phải mềm dẻo nhưng kiên quyết để giữ vững kết quả, đánh giá kết luận, kiến nghị để từ đó tạo ra sức lan tỏa, giúp cho việc phát triển kinh tế- xã hội của chúng ta ngày một tốt hơn”.

Với tư cách là lãnh đạo quản lý một đơn vị thực hiện chuyên môn kiểm toán, Chủ tịch Công đoàn KTNN Lê Huy Trọng cũng nhấn mạnh thêm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTV cần thể hiện bản lĩnh của mình, không nên nóng vội mà phải tìm hiểu ý đồ của người đề xuất đó để có hướng xử lý thích hợp. KTV thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật, không được phép thay đổi nội dung kiểm toán, chịu trách nhiệm về công việc của mình.

KTV cần phải nói năng mạch lạc, có căn cứ, bằng chứng, lý lẽ để tranh luận vấn đề

Liên quan đến câu hỏi các tổ trưởng tổ kiểm toán, KTV trẻ cần lưu ý trong giao tiếp, ứng xử như thế nào để vừa vượt qua được sức ép tuổi tác, đảm bảo tính chiến đấu mà vẫn thể hiện được sự tôn trọng, lịch thiệp với đơn vị được kiểm toán.

Nhiều đoàn viên thanh niên đã trao đổi sôi nổi và cùng quan điểm khi cho rằng, các KTV dù trẻ tuổi hay lớn tuổi thì trong các nhiệm vụ kiểm toán cần nắm vững và tuân thủ nghiêm Luật Kiểm toán, Chuẩn mực KTNN, Quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán, đặc biệt là Quy tắc ứng xử của KTNN; Do vậy trong tình huống này các KTV trẻ tuổi phải hết sức lưu ý trong vấn đề giao tiếp.

Trước hết, phải tôn trọng lãnh đạo quản lý, chấp hành nghiêm các quyết định của tổ trưởng, người quản lý; các KTV  trẻ phải biết lắng nghe; không ngừng trau dồi kỹ năng giao tiếp, trước khi đưa ra thảo luận một vấn đề nào đó thì KTV phải chuẩn bị đầy đủ bằng chứng một cách kỹ lưỡng, thuyết phục, ngắn gọn và luôn thể hiện thái độ tôn trọng, cầu thị, khiêm tốn với người lớn tuổi và lãnh đạo.

Đồng tình với những chia sẻ của đoàn viên thanh niên, PGS,TS. Đào Thị Ái Thi cho rằng, văn hóa công sở có sự khác biệt với các văn hóa khác, vì người khoác áo công chức sẽ là đại diện hình ảnh của Nhà nước nên trong giao tiếp, họ phải có tính tổ chức, tính pháp lý, tính chuẩn mực và ở mối quan hệ nào thì phải có chuẩn mực đạo đức của quan hệ đó.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, người công chức, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình được Nhà nước phân công, khi đến làm việc tại đơn vị được kiểm toán cần tự tin, khiêm tốn nhưng không quỵ lụy. Bản thân mỗi KTV phải đĩnh đạc trong quá trình làm việc, giao tiếp, nhưng không được thân thiện đến mức không còn khoảng cách, nếu không sẽ không giữ được tính độc lập của mình.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, muốn được mọi người tôn trọng đối với mình thì trước hết mình phải ngay ngắn, rèn luyện lại cách ăn nói. Trong giao tiếp, trao đổi phải mạch lạc, có căn cứ, bằng chứng, lập luận rõ ràng, phải có cách nhìn một cách thận trọng toàn diện và đến khi kết luận thì phải chính xác. KTV khi vào làm việc với đơn vị thì phải hết sức nghiêm túc, đứng đắn, khiêm tốn, thể hiện được bản lĩnh, năng lực chuyên môn chỉ có như thế thì mới giữ được hình ảnh và uy tín của ngành KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đưa ra một số gợi ý trong cách xưng hô khi giao tiếp. Ví dụ như xưng hô theo chức danh, xưng hô theo độ tuổi, xưng hô theo quan hệ xã hội, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ cấp trên-cấp dưới...

3 giá trị cốt lõi trong văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp KTV Nhà nước

Trao đổi xung quanh vấn đề yếu tố nào là giá trị cốt lõi làm nên sự khác biệt văn hóa công sở của KTNN so với các các cơ quan hành chính nhà nước khác? Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đó là tính liêm chính, độc lập và khách quan. Đây là những giá trị cốt lỗi mà KTNN cần phải thực hiện. Để đạt được điều này, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, KTV phải rất khiêm tốn, chuyên môn giỏi, giữ vững đạo đức nghề nghiệp KTV NN. Những yếu tố này mới làm nên giá trị của KTNN, lan tỏa được hình ảnh của KTNN để KTNN thực sự là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngoài ra, KTNN phải nâng cao chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, bởi xét từ góc độ kiểm tra tài chính, KTNN là cơ quan kiểm toán công tối cao của đất nước. Do đó cần sự nỗ lực của toàn ngành trong quá trình đào tạo, tích lũy kinh nghiệm, chia sẽ với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; đổi mới phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp hiện đại, các dữ liệu lớn trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Làm được như vậy thì KTNN sẽ đạt được những mục tiêu đề ra trong những năm tới.

Khép lại phần trao đổi của mình, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: Việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở đối với KTNN là việc làm thường xuyên. Trong thời gian tới KTNN sẽ có kế hoạch để triển khai một cách nghiêm túc nhất và ngành KTNN luôn luôn đi đầu trong vấn đề về đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở. Tổng KTNN cho rằng, chỉ có như vậy mới xây dựng được hình ảnh và uy tín của ngành KTNN. Để KTNN phấn đấu trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính tối cao có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại./.

 

Phương Vân, Đoàn TN KTNN, TL