Để thiếu nhi "gặp việc tốt - học điều tốt - làm điều tốt"

09:04 01/05/2025     122

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Những việc tốt lành, dù nhỏ bé, của các em học sinh không chỉ là tín hiệu tích cực về một thế hệ trẻ sống trách nhiệm mà còn là minh chứng cho một chiến lược phát triển giáo dục đúng đắn.

Ở đó, không thể không nhắc đến vai trò then chốt của tổ chức Đoàn, Đội trong việc tạo ra môi trường để mỗi thiếu nhi "gieo hạt mầm" tử tế mỗi ngày.

 

 


 

Mỗi thiếu nhi là một người truyền cảm hứng về lòng tốt

Đón nhận những việc làm tốt của các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, bày tỏ xúc động và tự hào khi ngày càng có nhiều hình ảnh đẹp, việc làm tử tế của các em được lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi trên mạng xã hội cũng như ngoài đời sống thường ngày. 

Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, những hành động đó tuy giản dị nhưng chứa đựng thông điệp sâu sắc về sự trung thực, lòng nhân ái, tình bạn, tinh thần trách nhiệm và khát vọng, ý thức làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội của các em.

"Có một điều rất đáng trân trọng, đó làm việc các em làm không phải để được "ghi nhận" mà hành động một cách rất tự nhiên, xuất phát từ trái tim trong sáng của lứa tuổi thiếu nhi".

 

Nhiều học sinh dành tiền tiết kiệm, tiền phần thưởng từ công tác thanh thiếu niên...
để quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ

 

Sự trong sáng ấy, đã chạm đến trái tim của người lớn, khơi gợi ý thức sống đẹp và lan tỏa những điều tốt đẹp, dù chỉ là những hành động thường ngày nhỏ bé.

Đặc biệt, những hành động đẹp ấy lại càng có ý nghĩa hơn khi được nở rộ trong 5 tuần thi đua cao điểm của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra từ ngày 26/3 đến ngày 30/4 và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X năm 2025, sẽ diễn ra từ ngày 13-15/5/2025 tại Thủ đô Hà Nội.

Các em chính là những bông hoa việc tốt rực rỡ, góp phần điểm tô cho bức tranh thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thể hiện tinh thần "làm nghìn việc tốt - dâng Bác kính yêu".

"Người bạn đồng hành" ươm mầm nhân ái

Ở vai trò là Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết càng cảm nhận rõ ràng rằng, những hành động đẹp ấy không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình giáo dục bền bỉ từ gia đình, nhà trường và đặc biệt là thông qua hoạt động của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Tổ chức Đội - dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phụ trách, dìu dắt của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh không chỉ tạo ra các sân chơi bổ ích mà còn chủ động thiết kế các chương trình mang tính trải nghiệm, giáo dục hành vi đạo đức một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc.

"Tổ chức Đội là người bạn đồng hành thân thiết, là nơi biến những điều "được dạy" thành những điều "được làm". 

Thông qua các phong trào ý nghĩa như: "Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy", phong trào "Nghìn việc tốt", phong trào "Kế hoạch nhỏ", "Uống nước nhớ nguồn", "Bạn giúp bạn", "Em yêu Tổ quốc Việt Nam"…, các em được trực tiếp tham gia, trực tiếp cảm nhận và trực tiếp thay đổi bản thân.

 

Đội viên tiêu biểu ở TPHCM tham quan triển lãm các hoạt động
của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang phân tích: "Chúng tôi không dạy các em lòng nhân ái bằng những lời giảng suông, mà tạo cơ hội để các em thực hành lòng nhân ái, từ việc nhỏ làm kế hoạch nhỏ, chia sẻ một món quà, một lời động viên với bạn, đến những hành động lớn lao hơn như quyên góp hỗ trợ vùng thiên tai, tham gia các công trình măng non, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi gia đình chính sách…".

Qua từng trải nghiệm ấy, các em không chỉ được học đạo đức, mà còn thấy được vai trò và giá trị của mình với cộng đồng, từ đó, nhân cách của các em đội viên, thiếu nhi được định hình, giá trị sống được bồi đắp sâu sắc hơn.

Sức mạnh lay động từ những hành động đẹp của con trẻ

Là những người làm công tác Đoàn, công tác Đội, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết luôn tâm niệm, thiếu nhi là những "người truyền cảm hứng đặc biệt" của xã hội.

Những hành động đẹp của các em không chỉ xây dựng môi trường học đường tích cực mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. 

"Mỗi thiếu nhi là một người truyền cảm hứng đặc biệt. Khi một em nhỏ làm việc tốt, rất nhiều em khác sẽ làm theo, và người lớn cũng được nhắc nhở rằng cái đẹp luôn bắt đầu từ điều nhỏ nhất".

Cùng quan điểm, TS Đào Lê Hòa An, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, nhận định, hành động đẹp của con trẻ luôn có sức lay động mạnh mẽ đối với người lớn và cộng đồng.

Thứ nhất, nó như một tấm gương trong trẻo phản chiếu, đôi khi khiến người lớn chúng ta phải giật mình nhìn lại, tự vấn về những hành xử của chính mình trong cuộc sống bộn bề, có lúc vì lợi ích cá nhân mà vô tình hay hữu ý bỏ qua những điều tử tế nhỏ nhặt. 

Thứ hai, sự hồn nhiên, vô tư và lòng trắc ẩn không tính toán của các em có sức mạnh "chữa lành", khơi dậy niềm tin vào điều tốt đẹp, vào bản chất thiện lương trong mỗi con người. 

Theo vị tiến sĩ tâm lý, nghiên cứu tâm lý học phát triển cho thấy, những hành vi vị tha xuất phát từ sự đồng cảm chân thành thường có tác động cảm xúc mạnh mẽ lên người quan sát, kích hoạt các vùng não liên quan đến cảm xúc tích cực và sự gắn kết xã hội.

 

TS Đào Lê Hòa An - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi,
Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam

 

Theo TS Đào Lê Hòa An, những hành động đẹp, dù nhỏ bé hay lớn lao, của các em đều là biểu hiện đáng quý của lòng nhân ái và trách nhiệm công dân sơ khởi. Bên cạnh đó, việc các em nhận được sự tán dương rộng rãi cho thấy xã hội vẫn luôn trân trọng những giá trị đạo đức cốt lõi.

Để những "hạt mầm" tử tế này tiếp tục nảy nở và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, ông An nhấn mạnh đến sự cần thiết của một giải pháp đồng bộ từ ba trụ cột chính: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo ông, sự gương mẫu của cha mẹ trong lời nói và hành động, cách họ dạy con về lòng trung thực, sẻ chia, biết ơn và ứng xử có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài. Một môi trường gia đình ấm áp, yêu thương, nơi trẻ cảm thấy an toàn và được tôn trọng sẽ là "mảnh đất màu mỡ" nuôi dưỡng lòng trắc ẩn tự nhiên.

Giáo dục nhà trường cũng đóng vai trò không thể thiếu. Ông An nhấn mạnh, vai trò của thầy cô không chỉ giới hạn ở việc truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, định hướng giá trị sống. 

Các bài học đạo đức, giáo dục công dân, cùng với các hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống và lòng nhân ái, đóng góp tích cực vào quá trình hình thành nhân cách tốt đẹp. Một môi trường học đường thân thiện, công bằng, nơi những hành vi tốt được ghi nhận và khuyến khích, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các em.

Ngoài ra, truyền thông đại chúng cần phát huy vai trò định hướng dư luận, tích cực lan tỏa những câu chuyện tử tế một cách chân thực. Các tấm gương người tốt, việc tốt được lan tỏa trên truyền thông và trong cộng đồng, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như "mưa dầm thấm đất", nuôi dưỡng mạch nguồn nhân ái ở con trẻ. 

Sự ghi nhận và khen thưởng kịp thời của xã hội đối với những hành động đẹp cũng củng cố niềm tin và định hướng hành vi tích cực cho các em.

 

Nhiều đội viên được nhận khen thưởng từ Trung ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương.

 

Ông An cũng nhấn mạnh vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh - hai tổ chức chính trị xã hội giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Đây là môi trường tập thể có tổ chức, có định hướng giáo dục rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để thanh thiếu nhi rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

TS Đào Lê Hòa An khẳng định: "Sự phát triển của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng bởi sự tương tác phức tạp giữa các hệ thống môi trường xung quanh. Do đó, chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán và kiên trì từ tất cả các phía, chúng ta mới có thể thực sự nuôi dưỡng và nhân rộng những "hạt mầm" tử tế, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn".

Tạo dựng môi trường để thiếu nhi "gặp việc tốt - học điều tốt - làm điều tốt"

Trong những năm gần đây, nhiều chương trình và phong trào của Hội đồng Đội Trung ương đã được đổi mới nội dung và hình thức nhằm gần gũi hơn với đời sống tâm lý của thiếu nhi, bám sát yêu cầu của thời đại chuyển đổi số, đồng thời vẫn giữ được chiều sâu giá trị truyền thống. 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang dẫn chứng những hoạt động tiêu biểu, có tác động sâu rộng đến thiếu nhi, với cách làm đầy sáng tạo.

Phong trào "Nghìn việc tốt" được làm mới thông qua ứng dụng "Em làm việc tốt" và các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, các cuộc thi trực tuyến nhằm ghi nhận và lan tỏa hành động đẹp của thiếu nhi trong học đường, trong gia đình và cộng đồng. 

Cuộc vận động "Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng" trở thành sinh hoạt định kỳ tại các Liên đội, chi đội giúp các em hình thành thói quen suy ngẫm và noi theo tấm gương người tốt - việc tốt gần gũi với lứa tuổi. 

Mô hình "Hội đồng trẻ em",  phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Câu lạc bộ quyền trẻ em… được triển khai tại nhiều địa phương, tạo cơ hội để các em được nói lên tiếng nói của mình, chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp cho những vấn đề liên quan đến trẻ em - từ đó hình thành tư duy trách nhiệm với xã hội ngay từ nhỏ.

 

Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức khai mạc Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
lần thứ hai - năm 2024

 

Song song với đó, Hội đồng Đội Trung ương cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên dương, khen thưởng kịp thời các gương sáng đội viên, thiếu nhi tiêu biểu như danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ các cấp, chỉ huy Đội giỏi, dũng sĩ "Nghìn việc tốt", chiến sĩ nhỏ Điện Biên… 

Việc tuyên dương không chỉ dừng lại ở mục đích biểu dương, mà còn góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng, nhân rộng điều tốt đến hàng triệu bạn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước.

Trong thời đại công nghệ, các hoạt động Đội được xây dựng thành hệ sinh thái trên nền tảng số. Các kênh truyền thông thiếu nhi, nền tảng giáo dục kỹ năng trực tuyến, ứng dụng tương tác… được đẩy mạnh để mỗi đội viên có thể "gặp việc tốt - học điều tốt - làm điều tốt" mọi lúc, mọi nơi.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang bày tỏ: "Hội đồng Đội Trung ương luôn xác định việc giáo dục truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách tốt đẹp cho thiếu nhi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mọi hoạt động của tổ chức Đội. 

 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương

 

Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền lý thuyết mà luôn đặt mục tiêu cao hơn: Thiết kế môi trường rèn luyện để thiếu nhi "được làm", "được trải nghiệm", và từ đó "được lớn lên" trong những giá trị tích cực.

Theo Dân trí