Chiếc “Tủ ấm” của học sinh trường làng

16:38 20/01/2021     2203

Nhịp sống trẻ   Không có điều kiện bằng các bạn bè đồng lứa ở thành phố, nhưng sáng chế “Tủ ấm” của Đặng Nguyễn Anh Khoa vẫn vượt qua nhiều bạn khác trong tỉnh để đạt giải nhất ở một cuộc thi sáng tạo.

Anh Khoa là học sinh lớp 7/1 Trường TH&THCS Điền Hòa (Phong Điền), vùng đất vẫn còn nhiều khó khăn. Nói về sản phẩm của mình, Khoa trình bày rành mạch: “Em lấy nguyên dàn điện của tủ lạnh có bóng đèn và các rơ le đóng ngắt khi mở cửa, bỏ nguyên cấu hình của tủ lạnh chỉ thêm vào bóng đèn tròn và đồng hồ nhiệt độ và bóng đèn báo cho hoạt động của tủ. Điều quan trọng nhất ở tủ là lớp cách nhiệt bên ngoài để giữ nhiệt độ như phích nước là rất tốt”.

 

Sáng chế “Tủ ấm” của em Đặng Nguyễn Anh Khoa 

 

Tủ ấm đã quá quen thuộc trên thị trường với nhiều mẫu mã và giá thành khác nhau. Tại nhiều cuộc thi sáng chế, sản phẩm này cũng là đề tài đạt giải của nhiều tác giả. Vậy “Tủ ấm” của Khoa có gì đặc biệt?! Khoa bảo, đó là một sản phẩm thân thiện với môi trường, được ưu tiên nghiên cứu, thí nghiệm, nhằm sử dụng vật liệu tái chế từ phế thải phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của con người. Sử dụng “Tủ ấm” này sẽ mang lại nhiều thuận lợi như, hấp ấm thức ăn cho trẻ, làm ấm các dung dịch cần trong bệnh viện, bảo quản máy ảnh...

Xuất phát từ ý tưởng đó, Anh Khoa cùng các “cộng sự” lân la khắp nơi để tìm kiếm những thứ mà người ta bỏ đi, đó là những chiếc tủ lạnh đã qua sử dụng bị hư hỏng bộ phận làm lạnh, nhưng vỏ bảo ôn (cách nhiệt) của tủ lạnh còn tốt hay những thiết bị đồng hồ đo nhiệt độ, bộ tỏa nhiệt, rơ le cũ vẫn còn sử dụng được. “Qua hoạt động thực tế ở gia đình, trong giờ học thực hành công nghệ ở phòng thí nghiệm, em luôn có sự tìm tòi sáng tạo và đặt ra ý tưởng làm thế nào có thể tạo ra nguồn nhiệt để hấp ấm thức ăn cho trẻ. Từ đó, dần dần hình thành nên một thí nghiệm thật hứng thú với dự án “Tủ ấm”, Khoa chia sẻ.

Để hình dung dự án “Tủ ấm”, Khoa sử dụng một cái tủ lạnh đã bị hỏng, thay bộ phận làm lạnh bằng một bóng đèn tròn, bộ tỏa nhiệt, nút điều chỉnh nhiệt độ, bộ nguồn AC 220V-DC 12V, đồng hồ đo nhiệt độ, đèn báo, phích cắm, rơ le đóng ngắt tự động nguồn điện khi nhiệt độ đã đủ ấm. Nhờ lớp bảo vệ của tủ nên độ ấm giữ được 1 giờ. Sau đó, rơ le lại tự động đóng nguồn điện, tủ lại tiếp tục hoạt động cho đến khi nhiệt độ thích hợp thì rơ le tự động ngắt nguồn điện. “Quá trình tủ hoạt động sử dụng năng lượng điện năng rất ít cũng nhờ lớp vỏ bảo ôn tốt”, Khoa tiết lộ.

Theo Đặng Nguyễn Anh Khoa, sản phẩm này sẽ hữu ích trong hộ gia đình có trẻ nhỏ vào mùa đông, khoa sơ sinh bệnh viện hay là các cơ sở chăm sóc trẻ để giữ ấm sữa, thức ăn cho trẻ, giữ nhiệt cho các dung dịch trong bệnh viện như máu, khăn ấm,… đồng thời có khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tám, giáo viên vật lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Trường TH&THCS Điền Hòa nhận xét: “Sản phẩm của Anh Khoa không đơn thuần chỉ mang tính chất sáng tạo của cá nhân bạn ấy, mà còn kích thích hứng thú hoạt động sáng tạo, tích cực chủ động học tập của các học sinh khác. Thiết bị dễ làm, các dụng cụ có sẵn ở địa phương và ở các cửa hàng phế liệu. Đây là một sản phẩm góp phần rất quan trọng vào việc phát huy tận dụng nguồn vật liệu phế thải, bảo vệ môi trường, cải thiện được nhu cầu sử dụng các đồ dùng thiết bị trong gia đình, cơ sở chăm sóc trẻ, bệnh viện,...”.

Tại Cuộc thi “3R - Vì môi trường phát triển bền vững” do Tỉnh đoàn phát động, sản phẩm “Tủ ấm” của Đặng Nguyễn Anh Khoa vượt qua nhiều đề tài của học sinh khác trong toàn tỉnh để đạt giải nhất. Cuộc thi này nhằm động viên, khuyến khích đoàn viên thanh niên, học sinh tăng cường sáng tạo, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến về tái chế rác nhựa phế liệu bảo vệ môi trường, hưởng ứng, tham gia thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”: “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”.

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế