Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn

08:32 16/10/2015     2504

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Sau 7 năm bị tai nạn, không ngày nào anh không ngồi tập luyện trên chiếc xe lăn với ước mơ cháy bỏng – đó là có thể bước những bước đi như bao người bình thường khác.

Với một người đang độ tuổi sung sức như anh Tạo, đó là một sự thiệt thòi rất lớn. Song, so với nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) khác, anh còn may mắn chán bởi anh vẫn còn cơ hội để sống và bắt đầu lại từ đầu…

Đội cờ đỏ trường THPT Lục Ngạn số 1, huyện Lục Ngạn
hướng dẫn các học sinh tham gia giao thông để tránh ùn tắc tại cổng trường.


Bài học “đắt giá” từ rượu

Tháng 10/2008, anh Nguyễn Quang Tạo (SN 1986), ở thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, uống rượu bia trong tiệc cưới bạn rồi tham gia giao thông nên đã xảy ra tai nạn. Chấn thương rất nặng ở cột sống khiến anh liệt nửa người, đôi chân không thể đi lại. Cuộc đời anh từ đây đã rẽ sang một hướng khác. Từ một thanh niên khỏe mạnh, vì TNGT, anh Tạo trở thành người tàn phế, mọi sinh hoạt, đi lại phải nhờ vào xe lăn.

“Ước mơ lớn nhất của tôi là có một công việc ổn định phù hợp với bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình và cho xã hội. Câu chuyện tôi kể cho các bạn với mong muốn mỗi người sẽ rút ra một bài học, từ đó sống có bản lĩnh, trách nhiệm hơn với chính mình và người khác để không phải là nạn nhân của TNGT”, anh Tạo chia sẻ.

Cũng như anh Tạo, anh Hà Anh Mến ở bản Trại Mới, xã Đồng Hưu (huyện Yên Thế) cũng bị TNGT do uống quá chén khi tham gia giao thông (TGGT). Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau tai nạn, Mến bỗng chốc trở thành một người tàn phế, mọi hoạt động, sinh hoạt phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Gia đình Mến đông con, bố mẹ tuổi đã cao, thu nhập của gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng. Bởi vậy, việc Mến bị tai nạn đã khiến cho kinh tế gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Anh Tạo và anh Mến chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn bắt nguồn từ nguyên nhân uống rượu bia rồi tham gia giao thông. Bởi vậy, để thay đổi ý thức của thanh niên là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc thay đổi hành vi chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) trong giới trẻ. Đây cũng là lý do tổ chức Handicap International phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Giang triển khai chương trình Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn - một chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về ATGT thông qua sự chia sẻ của chính nạn nhân của các vụ TNGT.

Yêu bản thân, quý trọng tuổi trẻ

Câu chuyện TNGT của những người trong cuộc và thông điệp "Sống bản lĩnh - uống thông minh”, ‘Không uống rượu, bia trước khi lái xe”, "Yêu bản thân, quý trọng tuổi trẻ"... mà Dự án ATGT cho thanh niên mang đến buổi giao lưu đã để lại ấn tượng, cảm xúc, nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của các bạn trẻ đang học để thi lấy giấy phép lái xe mô tô. Hầu hết các bạn đều cho rằng câu chuyện của người trong cuộc đã làm thay đổi suy nghĩ, hành động của mình khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.


Tham dự diễn đàn “Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn” tại trường THPT Lục Ngạn số 1 (huyện Lục Ngạn) ngày 31/8/2015, em Vũ Thị Thúy Quỳnh – học sinh lớp 12a13, chia sẻ: “Qua phóng sự tại diễn đàn và chia sẻ của những nạn nhân TNGT, bản thân em thấy tác hại của rượu bia ảnh hưởng rất lớn đối với người sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Qua đó, em nhận thức được rằng mỗi chúng ta cần có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt là không nên TGGT khi sử dụng các chất kích thích như rượu, bia để tránh những nguy hiểm cho bản thân và những người TGGT”.

Dự án “ATGT dành cho thanh niên” được triển khai ở ba nước: Nam Phi, Argentina và Việt Nam do tổ chức Handicap International phối hợp thực hiện. Tại Việt Nam, dự án được triển khai ở hai tỉnh Bình Thuận và Bắc Giang bắt đầu từ tháng 6/2012 đến hết năm 2014.

Mục tiêu Dự án là nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của văn hóa đối với việc sử dụng chất có cồn của thanh niên trên địa bàn tỉnh, qua đó thực hiện các hoạt động can thiệp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia trong thanh niên khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT.

Chị Trịnh Thị ­Vân Giang, Quản lý Dự án ATGT dành cho thanh niên – Tổ chức Handicap International cho biết: “Yêu bản thân, quý trọng tuổi trẻ để chung tay xây dựng 1 Bắc Giang không có rượu bia khi tham gia giao thông” – đó là thông điệp ý nghĩa mà mỗi chương trình Câu chuyện của tôi – Bài học của bạn gửi đến các bạn trẻ.

Nhân rộng mô hình

Được biết, sau gần 2 năm triển khai, Tổ chức Handicap International và Tỉnh đoàn Bắc Giang đã tổ chức được 13 chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên về ATGT tại 13 trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp và các xã của 3 huyện là Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, thu hút trên 10 nghìn lượt thanh, thiếu niên tham gia. Trong tháng 9 năm nay, chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức tại 6 trường học ở 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

 “Khó khăn lớn nhất đối với chương trình là không phải ai cũng mạnh dạn chia sẻ và không phải ai cũng chia sẻ được để truyền tải thông điệp tới các bạn trẻ. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động của chương trình và hướng đến thành lập nhóm “Câu chuyện của tôi – bài học của bạn” ở mỗi cơ sở Đoàn để từ những câu chuyện có thật, những nhân vật có thật trong cuộc sống truyền tải những thông điệp, bài học quý giá khi TGGT đối với các bạn trẻ”, anh trương Quang Hải  – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bắc Giang chia sẻ.

Hưởng ứng chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông năm học 2015 – 2016. Cụ thể, phát động đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2015 – 2016. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm tục luật giao thông”...thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức ngày hội, trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp...đặc biệt là duy trì hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi bạn trẻ khi TGGT góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn.