Kỳ họp Quốc hội triển khai những quyết sách lịch sử

08:58 05/05/2025     92

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Sáng ngày 5/5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Đây sẽ là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện những quyết sách lịch sử của Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII.

Kỳ họp lịch sử

Phát biểu tại họp báo thông tin về kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XV chiều ngày 4/5, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh: "Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử của Quốc hội cũng như của cả hệ thống chính trị. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thực hiện các quyết sách lịch sử về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cũng như đơn vị hành chính các cấp".

 

Kỳ họp thứ 9 được đánh giá là kỳ họp lịch sử, triển khai các quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng
của đất nước

 

Theo Tổng thư ký Quốc hội, qua một thời gian triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tinh gọn bộ máy, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có một quyết định rất lịch sử là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Tại kỳ họp lần này, QH sẽ quyết định việc sắp xếp, sáp nhập để cả nước còn 34 tỉnh, thành và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã sau khi kết thúc hoạt động của cấp huyện. Ông Tùng nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi Chính phủ, QH phải chuẩn bị rất nhiều dự án, đề án, từ việc sửa đổi Hiến pháp cho tới các vấn đề tài chính, ngân sách phục vụ cho việc sắp xếp, để đạt được sự đồng thuận cao tại QH, cũng như cử tri, nhân dân.

Thông tin tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết tại kỳ họp QH sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về KT-XH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Theo đó, QH sẽ xem xét thông qua 3 nghị quyết để tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp; thông qua 34 luật và 11 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, trong đó có nhiều luật phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập tỉnh, xã…

Trao đổi về các nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp QH Nguyễn Phương Thủy cho hay việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tại Kết luận 127 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy QH phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đảng ủy QH sau đó đã có báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị và mới đây, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu QH về việc sửa Hiến pháp.

Về nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này, bà Thủy cho hay việc sửa đổi tập trung 2 nhóm, gồm: quy định về Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc VN (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng). Thứ hai là quy định về chính quyền địa phương tại chương 9 để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung khoảng 8 trên tổng số 120 điều của Hiến pháp 2013.

 

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo ngày 4/5


"Với nội dung, phạm vi nghiên cứu sửa đổi lần này, Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị QH cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013", bà Thủy nói và cho biết ngay tại phiên khai mạc sáng nay, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH xem xét quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 để xây dựng dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Theo dự kiến, dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được công bố ngày 6.5 để thực hiện lấy ý kiến nhân dân trong khoảng 1 tháng.

Vẫn theo bà Thủy, sau khi tổng hợp ý kiến nhân dân, Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ báo cáo QH xem xét thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chậm nhất là trước ngày 26.6, để có cơ sở pháp lý để QH xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. "Trong lần lấy ý kiến nhân dân này, Chính phủ đề xuất ngoài cách thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống thì có thể áp dụng hình thức lấy ý kiến trực tuyến qua ứng dụng VNeID. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến nhân dân", bà Thủy nêu rõ.

Chỉ định chủ tịch tỉnh, xã sau sáp nhập

Cũng tại họp báo, trả lời về việc thể chế hóa của Bộ Chính trị về việc khi sáp nhập tỉnh sẽ không thực hiện bầu bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh mà chỉ định, bổ nhiệm các chức danh này, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết đây là vấn đề đã được cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu. Theo đó, tại Kết luận 150 (về hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới) của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc bầu theo luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.

"Việc chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND là cơ chế trước đây chưa thực hiện nhưng lần sắp xếp này có đặc điểm khác biệt so với việc sắp xếp đơn vị hành chính trước đây", bà Thủy cho hay và phân tích, trước đây chúng ta có 2 giai đoạn thực hiện sắp xếp cấp xã, cấp huyện là 2019 - 2021 và 2023 - 2025. Tuy nhiên, lần sắp xếp này, ngoài việc sáp nhập tỉnh, xã thì còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện nên các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sáp nhập tỉnh, xã. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ, công chức đang công tác ở cấp huyện làm việc ở các cơ quan, đơn vị mới, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp. "Tuy nhiên, việc chỉ định nhân sự chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với lần thực hiện sắp xếp quy mô lớn này. Những năm sau sẽ thực hiện bầu bình thường, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND", bà Thủy nêu rõ.

Bà Thủy cũng thông tin, việc chỉ định nhân sự lãnh đạo tỉnh, xã sau sáp nhập cũng sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV để kiện toàn nhân sự nhà nước

Trả lời về việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và tiến hành bầu cử QH khóa XVI, HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 sớm được xem xét tại kỳ họp lần này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết việc rút ngắn nhiệm kỳ QH nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Theo bà Thủy, sau khi Đại hội Đảng kết thúc, thông thường vào tháng 1 thì công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của nhà nước. 

"Tuy nhiên, thời gian 4 tháng là khá dài. Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn sớm nhân sự cấp cao của nhà nước, gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng thì Ủy ban Thường vụ QH xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo QH việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ QH khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cho cuộc bầu cử QH, HĐND khóa tới tiến hành gần nhất có thể với Đại hội Đảng toàn quốc. Như thế thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự của nhà nước", bà Thủy nêu rõ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp thông tin thêm, luật Bầu cử QH và HĐND cũng được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử. Dự kiến, tại kỳ họp 9 lần này, QH sẽ xem xét rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và tiến hành bầu cử QH khóa XVI sớm hơn, vào ngày 15.3.2026. Ngày 6.4.2026, QH khóa XVI sẽ họp kỳ họp thứ nhất.

Theo Thanh Niên