Xúc động trước nghị lực phi thường của chàng shipper người Dao không tay

14:42 27/10/2016     1781

Tuổi trẻ sáng tạo   Mặc dù khiếm khuyết đôi bàn tay, nhưng Lý Láo Lở có thể tự làm mọi việc từ nấu cơm, rửa bát, viết chữ, thậm chí là sử dụng smartphone nhoay nhoáy và điều khiển xe máy cả trăm cây số mỗi ngày.

0
Xúc động trước nghị lực phi thường của chàng shipper người Dao không tay

Tàn nhưng không phế


Tôi gặp Lý Láo Lở (SN 1987, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào một chiều thu tháng 10, khi anh đang cặm cụi chuẩn bị bữa cơm trưa trong một căn phòng trọ nhỏ nằm ở quận Từ Liêm (Hà Nội).

Lý Láo Lở có thân hình gầy ốm, gương mặt hốc hác và đôi bàn tay đã cụt gần một nửa vì bị điện giật năm 12 tuổi. Có lẽ với những ai lần đầu tiếp xúc, sẽ thấy chàng trai này có chút gì đó kỳ quặc, khó gần. Thế nhưng, phải đến khi trò chuyện, lắng nghe tâm sự, mới thấy bên ngoài vẻ gai góc, xù xì ấy là cả nghị lực phi thường và lý tưởng sống cao đẹp.

Lý Láo Lở là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở A Mú Sung – vùng đất địa đầu của Tổ Quốc. Lở mồ côi mẹ từ nhỏ, bố anh đi bước nữa và có thêm một người con chung. Năm cấp 1 và cấp 2 ở thị trấn, Lở cùng các bạn phải đi bộ 8 tiếng đường rừng rồi đi xe ôm mới tới được trường học. Ở trọ tại trường nên lúc nào muốn về, Lở phải tích trữ lương khô hoặc đồ ăn dọc đường. Nhiều lần không có gì ăn, đói quá lại xấu hổ không dám vào xin cơm của các nhà ven đường, Lở phải hái đu đủ và uống nước rừng cầm hơi.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm lớp 6, Lở bỏ học ở nhà vào rừng săn chim cùng bạn bè. Thầy giáo phải đến tận nhà động viên Lở quay lại lớp.


 

Nói về đôi tay không lành lặn, Lý Láo Lở cười bảo, đó là cả một câu chuyện dài. Năm học cấp 2, trong một lần đi lao động ở trường, do mải đùa nghịch, anh cầm một tuýp sắt dài trên tay và không may bị nguồn điện cao thế từ phía trên phóng trúng. Tai nạn đó đã vĩnh viễn cướp đi đôi tay lành lặn của Lở.

“Khi bị tai nạn, mình ngất đi. Đến khi tỉnh lại thấy đang nằm trong phòng học, quần áo rách tươm. Sau đó, mình không còn biết gì nữa. Nghe nói, cả làng bảo mình không sống được nên đừng cứu nữa, đưa về nhà để chôn cất thôi. Còn nước còn tát, người thân đưa mình xuống Viện bỏng Quốc gia điều trị. Mình may mắn qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ đã phải cưa cả hai tay đến sát khuỷu” – Lở nhớ lại – “Tỉnh giấc trong bệnh viện khi đôi tay không còn lành lặn, mình rất buồn. Thế nhưng, ngày đó, mình còn quá nhỏ để có thể hình dung và cảm nhận hết nỗi đau đớn, mất mát”.

Cũng kể từ ngày ấy, cuộc sống của Lở bị đảo lộn, anh phải nghỉ học ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của những thành viên trong gia đình. Thậm chí, Lở còn hạn chế ra ngoài vì sợ người đời dị nghị, xa lánh. Sợ mình sẽ trở thành gánh nặng, Lở cố gắng làm những gì có thể bằng cách tập ăn, tập cầm chổi quét nhà và tập viết chữ.




Lý Láo Lở kể: “Ban đầu mọi thứ rất khó khăn, nhưng cứ kiên trì thì dần dần mình bắt đầu quen và làm được mọi công việc nhà, thậm chí là làm nương rẫy. Mình cũng muốn quay lại trường học để thay đổi cuộc đời và tập viết chữ bằng ngón chân. Viết chữ bằng chân rất khó, sau này mình nghĩ ra cách kẹp bút giữa hai cánh tay và bắt đầu với những dòng nguệch ngoạc”.

Con đường tìm đến với cái chữ của Lở gặp rất nhiều khó khăn, Lở đã phải trốn xuống Lào Cai làm thuê để có cơ hội đi học khi bị bố bắt lấy vợ. Cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Tốt nghiệp THPT, Lở vừa học CĐ Kế toán ở Lào Cai vừa đi làm thuê kiếm tiền ăn học.

Trong lúc đang học cao đẳng, Lở được các thầy cô giới thiệu về ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ban đầu định học khoa Sử nhưng sau khi tham khảo ý kiến, Lở quyết định nộp hồ sơ vào khoa Khoa học Quản lý và được tuyển đặc cách. Cũng kể từ đó, ở mảnh đất Thủ đô đầy bon chen, vất vả này, Lở đã phải xoay sở mọi cách để có tiền học hành và trang trải cuộc sống bởi số tiền trợ cấp khá ít ỏi.

Nổi tiếng với hình ảnh chàng shipper

Trong suốt những năm tháng sinh viên, Lý Láo Lở đã trải qua khá nhiều nghề kiếm sống. Nhưng có lẽ, công việc mà anh yêu thích và theo đuổi đến bây giờ vẫn là nghề shipper (người vẫn chuyển hàng hóa). Lở “mon men” bước chân vào nghề này khi là sinh viên năm cuối.

Buổi đầu bắt đầu công việc, Lý Láo Lở mang tất cả tài sản mình có được là 2 triệu đồng mua lại chiếc xe máy cũ rồi nhờ người chế lại xe theo ý muốn để có thể điều khiển dễ dàng. Cũng kể từ ngày ấy, chàng shipper cụt tay rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố ở Hà Nội giao hàng cho khách. “Dân trong nghề” gọi Lý Láo Lở với cái tên thân mật là Khang shipper.




“Những ngày đầu bắt tay vào việc, mình cũng gặp phải không ít khí khăn. Công việc này nhìn thế thôi nhưng khá vất vả, ngày nắng cũng như mưa, mùa đông gió lạnh căm căm hay trời nắng như đổ lửa mình vẫn đi hàng chục, hàng trăm cây số để giao hàng. Rất nhiều người nhìn thấy mình khiếm khuyết mà hủy đơn hàng, tuy nhiên cũng không ít người đã tin tưởng và thương mến. Cũng may mắn là làm công việc này, mình rất ít khi bị lừa đảo giống một số anh em khác”, Lý Láo Lở tâm sự.

Hiện nay, song song với công việc của một shipper, Lở mới được nhận vào phụ trách mảng Marketing Online cho một cửa hàng bán hoa quả sạch thuộc Công ty Cổ phần V-FOOD Việt Nam.

Lở cười nói: “Mọi người ở đây giúp đỡ và tạo điều kiện cho mình rất nhiều. Bây giờ, kết thúc công việc ở cửa hàng, mình làm thêm shipper, giao hàng cho khách đến khoảng 9h tối thì về nhà, tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi. Mình yêu thích công việc shipper vì không những thêm thu nhập mà còn cho mình nhiều trải nghiệm quý báu. Tuy nhiên, tương lai mình sẽ gắn bó với nghề Marketing Online để cuộc sống sau này ổn định hơn”.




Chia tay Lở, trong tâm trí tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chàng trai người Dao với đôi bàn tay khiếm khuyết nhưng luôn lạc quan trước cuộc sống. Lở bảo: “Khiếm khuyết là điều không ai muốn, ranh giới giữa mặc cảm và hòa nhập không phải ai cũng có thể vượt qua. Mình chỉ muốn nói với những người đồng cảnh ngộ rằng hãy cứ sống là chính mình, sống có ích mỗi ngày, bạn sẽ tự hòa nhập”.