Xây dựng đường nông thôn từ trấu và xơ dừa

09:02 23/12/2014     1695

Tuổi trẻ sáng tạo   Đó là một ý tưởng táo bạo của cậu sinh viên năm 3 khi bắt tay làm đề tài mà không có một đồng lận lưng.
Tro trấu, xơ dừa là nguồn phế phẩm nông nghiệp được chú ý tận dụng, nhưng chưa tận dụng hết được so với số lượng tạo ra, số lượng còn lại chủ yếu dùng để đốt, vì vậy cần có biện pháp tận dụng triệt để và tạo ra sản phẩm có giá trị cao, mang lại nhiều lợi ích là những gì mà Mai Chí Tình, sinh viên năm 3 khoa Công nghệ trường ĐH Cần Thơ, luôn trăn trở.

Đó cũng là tiền đề cho đề tài “Nghiên cứu tận dụng các phế phẩm từ trấu và xơ dừa trong xây dựng các tuyến đường nông thôn” ra đời.

Tro trấu đã được nghiên cứu và ứng dụng trong bê tông từ những năm của thập kỷ 70 cho đến nay.
a
Mai Chí Tình (phải) luôn nhận được sự quan tâm của nhà trường trong nghiên cứu khoa học.

Tương tự sợi xơ dừa được đưa vào bê tông để tăng khả năng chịu uốn cũng đã được thực hiện qua nhiều nghiên cứu. Khối lượng riêng trong nghiên cứu nằm trong khoảng từ 83 -  125 kg/m3 rất phù hợp để làm vật liệu nhẹ. Tất cả nguồn nguyên liệu này đã có sẵn ở địa phương với giá thành rất thấp.

Vì vậy, việc ứng dụng các thành phần này vào bê tông nhằm thay thế hàm lượng đá và giảm hàm lượng xi măng trong bê tông làm đường là khả thi, từ đó có thể giảm chi phí cho nguyên liệu và trong xây dựng.

Chính vì lẽ đó nhóm của Tình đề xuất giải pháp tận dụng vỏ trấu, tro trấu và xơ dừa vào trong bê tông để xây dựng các tuyến đường nông thôn. Phải nói rằng, đó là một ý tưởng táo bạo của cậu sinh viên năm 3 khi bắt tay làm đề tài mà không có một đồng lận lưng, 4 bạn trong nhóm cùng chắt chiu từng đồng để mua nguyên liệu về làm thí nghiệm. Tận dụng triệt để phương châm cái gì không xin được thì mới mua.

Để đưa ra một cấp phối chuẩn bao gồm tỉ lệ xi măng, cát, tro trấu, vỏ trấu và xơ dừa cũng như các biện pháp thi công hợp lý, hiệu quả nhằm đảm bảo cường độ và độ bền bê tông cần phải có thời gian và nguyên liệu để thực hiện thí nghiệm.

Từ việc xây dựng đưa nhiều cấp phối khác nhau để lựa chọn ra vật liệu với cấp phối tối ưu nhất rồi đúc mẫu mất rất nhiều thời gian.

Nhóm Tình đặt ra nhiều mốc như 14 ngày- 21 ngày-28 ngày để xem coi với tỷ lệ đã định thì để bao nhiêu ngày mẫu đạt được độ bền nhất định. Có mẫu hư ngay khi vừa chạm nhẹ, có mẫu chịu được lực mạnh hơn, đó chính là lúc hồi hộp nhất vì biết đâu mẫu này là mẫu tốt nhất. Cảm xúc của những người làm thí nghiệm cũng vậy, có khi vui, lắm khi buồn vô cùng. Thế nhưng vẫn phải làm lại từ đầu, vẫn phải tiếp tục thử nghiệm để tìm kiếm mẫu đạt tiêu chuẩn.