Trịnh Phương Dung - người cán bộ Đoàn năng động

14:41 19/03/2016     1970

Tuổi trẻ sáng tạo   Hơn 40 tuổi bố vẫn đi học Tiếng Anh, có lẽ vì động lực ấy đã giúp Trịnh Phương Dung – Sinh viên Đại học Lao động xã hội - có được những thành tích như hôm nay.
Bố là “Bách khoa toàn thư”

Dung là một trong 85 Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ đô mới được tuyên dương. Cô còn là một cán bộ Đoàn năng động và những thành tích học tập đáng nể.

Cô nhớ lại những ngày quyết định học tiếng Anh thật tốt: Năm hơn 40 tuổi, bố em mới bắt đầu ôn thi cao học và môn khó khăn nhất là Tiếng Anh. Từ khi có dự định thi, bố em bắt đầu tìm tài liệu để học và thậm chí đến lớp học thêm cùng với những bạn sinh viên. Học ngoại ngữ với người lớn tuổi và đang đi làm thực sự rất khó khăn, bố nói với em rằng cố học vì cần phải thế nếu con biết thì con dạy lại bố. Đó cũng chính là động lực to lớn để em chăm chỉ học Tiếng Anh hơn nữa.

Từ ngày học mẫu giáo cho đến khi học THCS, bố luôn là người đưa đón Dung đi học, và cũng là người kèm cặp, sát cánh từ lúc tập đếm cho đến cả khi em ôn thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh các cấp.


h
Bí thư chi Đoàn giỏi xinh đẹp, học giỏi và bài học cuộc sống

“Bố giống như “Bách khoa toàn thư” của em, mỗi lần gặp thứ gì hoặc vấn đề gì mới còn thắc mắc người em hỏi đầu tiên sẽ là bố, sau đó mới tìm hiểu thêm bằng các phương tiện khác.

Bố cũng chính là người dạy em cách cư xử sao cho đúng mực với mọi người xung quanh và biết nghiêm khắc cũng như lượng thứ cho chính bản thân mình. Điều em nể phục nhất ở bố là đức tính nhẫn nại và miệt mài cố gắng. Bố luôn dặn em rằng việc gì làm được thì phải làm ngay và đến bao giờ còn học được thì phải cố gắng học hỏi, tìm hiểu đừng để trở thành người lạc hậu, đi chậm đi sau” – Dung chia sẻ.

Trượt vòng loại và bài học cho cuộc sống!

Chăm chỉ học tập từ đó nhưng Dung vẫn nhớ mãi “thất bại” nhỏ trong cuộc đời. Là một người có kinh nghiệm tham gia khá nhiều hoạt động, cũng từng phỏng vấn và được phỏng vấn nhiều lần nên cô rất tự tin vào khả năng trả lời và ứng biến của mình.

Nhưng khi tham gia buổi phỏng vấn làm thành viên của một tổ chức phi Chính phủ, Dung đã không được chọn. Vượt qua vòng loại hồ sơ, cô gái trẻ tưởng như đã chắc chắn với vòng phỏng vấn nhưng cách phỏng vấn ở tổ chức này khá đặc biệt: 4 người phỏng vấn một lần và cùng trả lời những câu hỏi giống nhau, và chỉ có 1 người được chọn.

Có phần lúng túng và cuối cùng kết quả không được như mong muốn, cô nhận ra kinh nghiệm vốn có nếu không được củng cố, vun đắp thì sẽ dần mai một và vơi dần đi. Đây có thể coi là thất bại đầu tiên của cô trong một cuộc dự tuyển nhưng những bài học em rút ra sau đó lại giúp cô có được cả một bài học, sự cẩn thận hơn cho những công việc sau này.

“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Là sinh viên năm cuối, Dung đã có bảng dài thành tích và các danh hiệu trong công tác Đoàn và trong học tập: Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Ngôi sao tháng 3”, Học bổng BIDV dành cho cán bộ Đoàn – Hội xuất sắc, chứng nhận của tổ chức Hòa Bình và Phát triển Tây Ban Nha (PyD) về tham gia hoạt động kêu gọi sáng kiến sinh viên thúc đẩy bình đẳng giới…

Dung cho rằng: Tham gia các hoạt động Đoàn – Hội cũng là cách vừa để bạn cống hiến sức trẻ, cũng là cơ hội để tự trao cho bản thân những thể nghiệm mới mẻ, đáng nhớ và tích lũy cho mình được nhiều kiến thức và kỹ năng. Hoạt động Đoàn – Hội là môi trường lý tưởng để bạn tôi luyện và trưởng thành hơn. Đừng để thời sinh viên đẹp đẽ trôi qua phí hoài, tiếc nuối vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.

Ấn tượng và đáng nhớ nhất là được lựa chọn làm 1 trong 50 gương mặt sinh viên tham gia giao lưu văn hóa thanh niên Đông Á tại Nhật Bản tháng 7 năm 2014.

Để được lựa chọn tham gia chương trình này cô phải trải qua 2 vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh và 1 vòng loại hồ sơ tại trường ĐH Quốc Gia Hà Nội với thời gian chuẩn bị rất gấp rút.

Thời điểm làm hồ sơ dự tuyển và các thủ tục liên quan là đúng dịp Dung đang thi học kỳ, cô hầu như phải làm việc hết công suất, vừa ôn thi vừa tranh thủ viết essay và các mẫu hồ sơ theo yêu cầu của chương trình.

Khoảng thời gian ấy áp lực như nhân đôi nhưng Dung nghĩ rằng đây có thể là cơ hội lớn nhất trong quãng đời sinh viên, không thể vì khó khăn nhỏ mà nản lòng được. Và cuối cùng cô cũng cầm được trên tay tấm vé sang đất nước Nhật Bản cùng 49 bạn sinh viên đến từ các trường ĐH khác.

Trở về từ chương trình, ngoài những kỷ niệm khó quên trên đất nước mặt trời mọc, những người bạn mới, chứng nhận tham gia chương trình JENESYS 2.0 còn như một tấm thẻ căn cước giúp Dung được tìm đến những cơ hội mới một cách dễ dàng hơn.