Thái Nguyên: Một giáo viên xuất phát từ lòng yêu nghề mến trẻ

10:17 20/08/2014     2301

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Chị Tống Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non xã Vô Tranh (một xã nghèo của huyện Phú Lương – Thái Nguyên) trong 12 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, đã 5 lần liên tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Để có những bức tranh đẹp, Chị Tống Thị Hương tận tình nắn từng nét bút cho học sinh.
Để có những bức tranh đẹp, Chị Tống Thị Hương tận tình nắn từng nét bút cho học sinh.


Nói về chuyện nghề, chị Hương mộc mạc
kể: “Năm 2009 trở về trước, các lớp học của Trường đều đặt tại nhà văn hoá của các xóm, thậm chí học nhờ cả nhà dân, lương của giáo viên do nhân dân trả theo thoả thuận được 310 nghìn đồng/tháng. Công việc đi làm từ sáng sớm đến chiều tối muộn, thu nhập lại thấp không đảm bảo cho cuộc sống. Mãi đến sau này khi có nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ đối với giáo viên mầm non hợp đồng ở các trường ngoài công lập, chúng tôi mới có thêm mỗi tháng 400 nghìn đồng. Cũng từ đó được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thu nhập thấp, nhiều bạn cùng trang lứa khuyên tôi bỏ nghề đi làm công việc khác. Nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng có lúc thăng trầm, càng khó khăn thì mình càng phải nỗ lực trong giảng dạy. Khó khăn là vậy, nhưng tôi luôn được chồng và gia đình động viên, tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua những lo toan thường nhật, tập trung cho giảng dạy”.

Được biết, do phải học nhờ ở nhà văn hoá nên các cô giáo rất thiếu chủ động trong tổ chức giảng dạy (lúc nào xóm tổ chức họp cô trò phải nghỉ). Đồ dùng, đồ chơi cho các cháu hầu như không có gì. Để phục vụ các chủ đề học tập, chị Hương đã phải tận dụng từ những vỏ lon bia, bìa cát tông, hộp dầu gội… để chế tác thành các đồ chơi cho con trẻ. Cũng theo chị thì: Nhiều người có suy nghĩ, đối với bậc học mầm non chỉ cần các cô giáo  “trông” là chính. Nhưng hiểu như vậy là thiếu toàn diện. Bởi các cháu tuy còn nhỏ nhưng đã bước đầu hình thành nhân cách và học người lớn rất nhanh. Vì thế, mỗi giáo viên phải luôn là tấm gương để các em nhìn vào học tập.

Để có một giờ dạy đạt yêu cầu, bản thân mỗi cô giáo phải  suy nghĩ, sáng tạo vận dụng những  kiến thức, đồ dùng, đồ chơi phù hợp. Nói rồi chị dẫn ra nhiều ví dụ cho từng tiết giảng mà mình đã áp dụng đạt hiệu quả cao trong giảng dạy được đồng nghiệp ghi nhận như: dạy bài “Mèo đi câu cá” chị đã đưa các trò chơi dân gian vào tạo hứng thú cho trẻ. Sau đó chị đọc diễn cảm bài thơ kết hợp dùng những con rối tự tạo biểu diễn trực quan cho các cháu xem mường tượng ra hoạt cảnh này. Kết thúc tiết học có thể tổ chức cho các cháu đóng kịch hoặc chơi trò chơi về chủ đề trên. Như vậy tiết giảng mới hiệu quả…

Với cách làm trên, chị Hương luôn tạo sự hứng thú cho các cháu trong học tập, cũng như thích tới lớp, tới trường hơn. Bản thân chị là tấm gương sáng về chuyên môn cho các đồng nghiệp noi theo. Mặc dù mức thu nhập những năm trước rất thấp, song từ năm 2006 chị đã khắc phục khó khăn của bản thân, gia đình, những ngày nghỉ cuối tuần học tiếp lớp đại học. Đặc biệt là 5 lần liên tục từ năm 2005 đến năm 2010, Nhà trường chọn cử chị dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi, dạy giỏi xuất sắc.

Khi được hỏi ước mơ lớn nhất của của mình, Hương chỉ nói về nghề nghiệp: Tôi chỉ mong trường sớm được đầu tư đủ phòng học, các phòng chức năng, các trang thiết bị dạy để giáo viên chúng tôi có thể tổ chức được nhiều hoạt động theo chuyên đề, chủ điểm tạo hứng thú trong vui chơi, học tập cho trẻ, chuẩn bị những tiền đề tốt nhất để các em bước vào lớp 1.