Nữ hộ sinh dân tộc bám bản 16 năm giúp đỡ người nghèo

23:34 15/01/2016     1123

Tuổi trẻ sáng tạo   Họ tên của nữ hộ sinh 16 năm liền gắn bó tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng (Krông Pắc, Đắk Lắk) chỉ vỏn vẹn 1 chữ: Nin, nhưng những gì mà chị đã làm được cho bà con ở xã thì kể mãi không hết.
Gần đây, chị là 1 trong 30 thầy thuốc trẻ tiêu biểu trên toàn quốc được tuyên dương.

Nữ hộ sinh Nin (SN 1972, dân tộc Sê Đăng) có 16 năm công tác tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng (Krông Pắc, Đắk Lắk), nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Chị đã làm tốt công tác tư vấn, thường xuyên tư vấn cho các chị em về tâm lý, vật chất chuẩn bị cho sinh nở; tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, vận động và thực hiện tốt chương trình chống suy dinh dưỡng ở trẻ.

Chị Nin cho biết, Ea Yiêng là xã nghèo nhất huyện, có 1.120 hộ dân phần lớn là dân tộc Sê Đăng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế. Kể về lý do quyết tâm theo học ngành hộ sinh tại Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, chị Nin nói: Ở vùng dân tộc, nhân dân khổ lắm, vì nhiều hủ tục lạc hậu còn đeo bám mãi.

d
Nữ hộ sinh Nin được tuyên dương là 1 trong 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu.

Những người thoát nghèo đi học thường cũng không quay về bản nên dân vẫn chưa được mở mang kiến thức nhiều. Đó cũng là lý do và động lực để tôi bám bản cho đến nay là 16 năm.

Năm 1999, tốt nghiệp ra trường và được phân công về Trạm Y tế xã Ea Yiêng, chị Nin không quản ngại khó khăn cuốc bộ vượt núi đến từng buôn làng để tuyên truyền, vận động sức khỏe sinh sản, công tác chuẩn bị sinh nở, gây dựng mạng lưới y tế bản...

Bên cạnh đó, chị còn phụ trách chương trình phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, chương trình lao và góp phần làm giảm đáng kể bệnh sốt rét, sốt xuất huyết trên địa bàn.

Ngoài ra, chị còn tư vấn cho các bà mẹ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, vận động và thực hiện tốt chương trình chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; Phát thuốc miễn phí do Chi hội thầy thuốc trẻ huyện về tổ chức hoạt động trên địa bàn xã.

16 năm trong nghề, nữ hộ sinh Nin đã có biết bao kỉ niệm, nhưng ám ảnh nhất đối với chị là chứng kiến người dân đỡ đẻ tại nhà, chị kể: Trước đây, thai phụ ở Ea Yiêng, đến kỳ sinh nở thường nhờ người thân đỡ đẻ tại nhà và cắt rốn cho trẻ bằng cây lồ ô (gần giống tre nứa – PV) hoặc dao lam. “Không ít trường hợp trẻ sơ sinh sau khi cắt rốn bằng cây lồ ô, dao lam bị viêm nhiễm, đến ngày thứ 6 thì ra đi. Chứng kiến những cảnh đó, tôi không khỏi thương xót. Nhưng đó cũng là động lực chính để tôi cố gắng hơn trong nghề”.

Từ đó, chị Nin thường tư vấn cho các chị em chuẩn bị tốt nhất về tâm lý, vật chật chuẩn bị cho sinh nở. Như vậy, trước khi sinh, ai cũng có những kiến thức cơ bản để chăm sóc mẹ và con được chu đáo hơn, giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nữ hộ sinh bám bản này đã đạt danh hiệu lao động tiên tiến nhiều năm liền và được bà con dân bản yêu mến như người thân.

Khi được tuyên dương thầy thuốc bám bản, nữ hộ sinh dân tộc Sê đăng xúc động: Lên Hà Nội, được nhìn thấy cuộc sống của người dân và học sinh thành thị đầy đủ và khỏe mạnh, tôi lại càng thương những người còn thiệt thòi ở miền núi xa xôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để bám bản, đem lại sức khỏe cho bà con.