Những tài năng âm nhạc và thể thao mang tầm châu lục

13:18 18/03/2015     1487

Tuổi trẻ sáng tạo   Bốn đề cử Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2014 dù mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng họ có chung nhiệt huyết tuổi trẻ, nỗ lực không ngừng, khát khao chinh phục những đỉnh cao để làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế.

Dương Thúy Vi
Dương Thúy Vi

11 lần chạm “kỷ lục của những kỷ lục”

Năm 2014, đánh dấu những thành công vang dội của vận động viên (VĐV) cử tạ Thạch Kim Tuấn (sinh năm 1994) trên đấu trường quốc tế. Tháng 6/2014, Thạch Kim Tuấn lần đầu lên ngôi tại giải trẻ thế giới tổ chức tại Kazan (Nga). Anh đoạt 3 HCV ở nội dung cử giật (133kg), cử đẩy (160kg) và tổng cử (293kg). Kim Tuấn bỏ xa người đứng thứ 2 là Kruaithong Sinphet (Thái Lan) đến 38kg. Với thành tích này, Thạch Kim Tuấn được Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) bình chọn là VĐV trẻ xuất sắc nhất. Tháng 9/2014, Thạch Kim Tuấn giành HCB ở Á Vận Hội 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) với thành tích cử giật 134kg, phá kỷ lục Asian Games ở nội dung này, cử đẩy 160kg, tổng cử 294kg. 

Tới tháng 11/2014, tại giải vô địch Thế giới tổ chức tại Kazakhstan, Thạch Kim Tuấn lần đầu lên ngôi vô địch ở nội dung cử giật với thành tích 135kg, phá kỷ lục ASIAD mà anh lập trước đó. Tính tổng cộng, Kim Tuấn chạm “kỷ lục của những kỷ lục” gồm 11 kỷ lục mới: 3 kỷ lục quốc gia, 3 kỷ lục trẻ quốc gia, 2 kỷ lục trẻ thế giới, 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục trẻ châu Á. 

Liên tục lập những thành tích xuất sắc ở giải trẻ thế giới và giải vô địch thế giới, lực sĩ Thạch Kim Tuấn vinh dự được xuất hiện trên trang bìa Tạp chí cử tạ thế giới số 132 năm 2014. Tạp chí này nhận định Kim Tuấn sẽ trở thành ngôi sao sáng của làng cử tạ thế giới. 


Thạch Kim Tuấn

“Các bạn trong lớp thường gọi cháu là người khác biệt vì không “ngủ nướng”, không có ngày nghỉ cuối tuần. Ngày nào cháu cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để luyện đàn, cuối tuần đi học đàn. Hễ có thời gian trống là cháu tìm đến đàn. Ngồi bên cây đàn, cháu thấy tinh thần mình phấn chấn hẳn lên, xua tan mọi mệt mỏi”. 


Quách Hoàng Nhi
Lực sỹ Thạch Kim Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Tuấn chỉ học được đến lớp 6 rồi xin nghỉ làm thuê đủ thứ nghề kiếm kế mưu sinh. Năm 2006, bước ngoặt cuộc đời đến với anh khi anh cùng anh trai đi tập cử tạ. Cả hai anh em được giới thiệu tới huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí và được nhận vào đội cử tạ TPHCM. Được một thời gian anh trai bỏ cuộc, Kim Tuấn vẫn kiên trì tập luyện để nuôi những ước mơ riêng của mình. Hơn 8 năm đến với nghiệp cử tạ, Kim Tuấn đã tập luyện không biết mệt mỏi, đổ mồ hôi, rơi nước mắt và không ít lần đánh đổi cả máu, anh ghi dấu ấn của mình với những thành tích mà ít lực sỹ nào có được. Kim Tuấn cho biết hiện anh đang tập luyện cao độ, hoàn thiện mình để thực hiện giấc mơ vô địch tại Thế vận hội Rio 2016.

Chinh phục những đỉnh cao

Dương Thúy Vi, sinh năm 1993 được xem là “cô gái vàng” của wushu Việt Nam. Thúy Vi có dáng người nhỏ nhắn, mỗi lần đứng lên sàn tập, cô trở thành một con người khác, mạnh mẽ, cương nghị, dứt khoát. Ở tuổi 22, Thúy Vi đã sở hữu hơn 60 tấm huy chương các loại, là nhà vô địch quốc gia, Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Trong các thành tích của mình Thúy Vi ấn tượng nhất là HCV tại ASIAD 17 tại Á vận hội 2014 (Hàn Quốc). Mặc dù wushu Việt Nam sản sinh rất nhiều nhà vô địch thế giới như: Nguyễn Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Thanh Tùng,… nhưng chưa bao giờ lên ngôi ở nội dung quyền biểu diễn và tán thủ tại Á vận hội. Với tấm HCV tại Á vận hội 2014, Thúy Vi đã làm nên điều kỳ diệu giúp lịch sử wushu Việt Nam sang trang mới.
Trả lời phỏng vấn CNN, Thúy Vi cho biết: “Mỗi lần giành chiến thắng, đứng trên bục nhận giải, tôi cảm thấy mình đã thực sự chiến thắng bản thân. Khi được đeo huy chương, cảm giác của tôi vô cùng đặc biệt, giống như giấc mơ đã thành sự thực vậy”.

Từ nhỏ, Thúy Vi đã bị mê hoặc bởi những đường quyền. Thời gian đầu, bố mẹ không đồng ý vì muốn con chuyên tâm học hành thay vì cầm kiếm, múa quyền như cánh nam nhi. Nhưng niềm đam mê của Vi dần thuyết phục được bố mẹ. Thần tượng của Vi là đàn chị Nguyễn Thúy Hiền. 

Để đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ như ngày hôm nay, Thúy Vi đã phải trải qua quá trình khổ luyện. Lịch tập của Vi thường diễn ra 6 ngày trong tuần, đến gần giải đấu thì phải tập kín cả tuần. Vi chia sẻ: “Wushu là môn rất khó tập. Người tập luôn phải kiên nhẫn để tìm cách phối hợp ăn ý giữa đầu, cánh tay và đôi chân”.

Mang âm nhạc dân tộc giao lưu quốc tế

Ngô Hồng Quang, sinh năm 1983 là nhạc sĩ, nhạc công đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, k’ni, trống dân tộc và nhiều nhạc cụ khác. Ngô Hồng Quang được xem là người có công lớn trong việc mang âm nhạc dân tộc Việt Nam ra quốc tế, lưu diễn, dạy học, biểu diễn trong các trường âm nhạc và đại học tại châu Âu và một số nước châu Á. 


Ngô Hồng Quang 
CD “Song hành” là một trong những sản phẩm âm nhạc ấn tượng của anh với sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam và nhạc điện tử châu Âu, nhạc sĩ Onno Krijn đảm nhiệm phần hòa âm và chơi nhạc cụ Tây phương, Ngô Hồng Quang hát các làn điệu xẩm, chèo, quan họ, dân ca Nam bộ…Năm 2011, anh phát hành CD “Song hành” tại Hà Lan và được Đài Truyền hình Hà Lan mời làm chương trình Talk show giới thiệu về album có sự kết hợp âm nhạc độc đáo này. Năm 2013, anh phát hành CD “Song hành” tại Việt Nam và được đề cử vào giải cống hiến âm nhạc do báo Văn hóa Thể thao tổ chức. Được bình trọn là 1 trong 6 CD hay nhất của năm. Năm 2012, anh sáng tác nhạc phẩm “Thuận pháp” viết cho đàn bầu và khí nhạc phương Tây được bình chọn là 1 trong 10 tác phẩm hay nhất Đông Nam Á, tại Liên hoan Âm nhạc hiện đại của các tác giả trẻ Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan.
Ngô Hồng Quang trở thành sinh viên khoa Nhị khi chưa đầy 14 tuổi.

Anh từng dạy nhị cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, dạy cả cho người nước ngoài ở Hà Nội. Thời gian làm giảng viên Nhạc viện, Quang có dịp biểu diễn ở Hà Lan. Anh có 5 năm học sáng tác nhạc đương đại ở Amsterdam (Hà Lan). Học nhạc Tây nhưng niềm đam mê của nhạc sĩ Ngô Hồng Quang gắn liền với nhạc dân tộc. Vì thế khi trở về anh tiếp tục đi học các nghệ nhân để lĩnh hội thêm về âm nhạc dân tộc. 

Với những cống hiến độc đáo của mình, năm 2014, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang được Chính phủ Hà Lan trao tặng học bổng toàn phần cho khóa nghiên cứu 2 năm về Âm nhạc dân tộc Việt Nam và Âm nhạc đương đại châu Âu, tại Nhạc viện Hoàng gia Den Haag - Hà Lan.

Biết chơi đàn Piano trước khi biết chữ


Quách Hoàng Nhi

Thông thạo nhạc lý, biết chơi đàn trước khi biết chữ, 10 tuổi, Quách Hoàng Nhi, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) sở hữu trong tay gần chục giải thưởng danh giá tại các cuộc thi Piano trong nước và quốc tế. Gia đình Hoàng Nhi không có ai theo con đường âm nhạc. Năm lên 4 tuổi, Nhi được mẹ cho đi học nhạc và bắt đầu đam mê từ đó. 5 tuổi, lần đầu tiên, Hoàng Nhi tham dự cuộc thi Festival Piano thiếu nhi TP Hà Nội lần thứ VII và đoạt giải Nhất. Từ đó, Nhi liên tục đoạt các giải thưởng danh giá khác: Giải Vàng Piano Quốc tế tại Cheonan, Hàn Quốc, năm 2012, Nhất bảng A Piano Quốc tế Mozart tại Bangkok, Thái Lan, năm 2013. Chỉ riêng năm 2014, Hoàng Nhi đã tham dự 3 cuộc thi Piano Quốc tế và giành giải Nhất cuộc thi Piano Quốc tế Val Tidone, giải Nhì cuộc thi “Piano Talents” tại Ý, Khuyến khích bảng III Piano Quốc tế Rosario Marciano tại Vienna, Áo.

Không chỉ chơi đàn hay, Hoàng Nhi còn là học sinh giỏi toàn diện của trường Tiểu học Nam Thành Công. Hoàng Nhi đạt học sinh Giỏi các năm 2011, 2012, 2013, 2014. Môn học yêu thích của Hoàng Nhi là môn Toán. Hoàng Nhi đang học song song 2 ngoại ngữ: Tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhi đang nỗ lực trở thành một học sinh giỏi toàn diện và năng động để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học Harvard (Mỹ).