Những đứa trẻ làm lại cuộc đời

14:47 24/02/2014     2491

Tuổi trẻ sáng tạo   Chúng tôi tìm gặp lại hai anh em ruột Đặng Văn T. (18 tuổi) và Đặng Hồng D. (17 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Ba năm trước, các em là những thiếu niên có “thành tích” bất hảo nên được địa phương đưa vào diện cảm hóa.

5
Sau thời gian, hai anh em ruột T. và D. (từ phải sang) đã nhận ra lỗi lầm để bắt đầu làm lại cuộc đời. Bây giờ T. và D. rất tự tin ngồi tâm sự kế hoạch đi làm sắp tới với anh em cán bộ Đoàn phường Nại Hiên Đông. Ảnh: H.K

Tùng ngậm ngùi nhắc lại chuyện cũ: “Em bắt đầu ham chơi quậy phá từ lúc học cấp 2 rồi lên đến lớp 10 thì nghỉ học…”. Hàng trăm đứa trẻ như T. và D. từng dính vào ma túy, trộm cắp, gây rối ở Đà Nẵng tưởng chừng đã ngã vào con đường tội ác, lúc đang bên bờ vực, các em được cảm hóa, thức tỉnh làm lại cuộc đời. 

Cuối năm 2010, chuyện TP. Đà Nẵng bỏ kinh phí tổ chức đưa 294 em chưa thành niên vi phạm pháp luật đi tham quan Trường Giáo dưỡng số 3, Trại tạm giam Hòa Sơn (Công an Đà Nẵng), khu du lịch Bà Nà khiến dư luận cả nước chú ý. Sau cuộc tham quan những đứa trẻ “hư” này còn được gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Những đứa trẻ từng dính vào ma túy, trộm cắp, gây rối… ấy bây giờ ra sao?

Bỏ ma túy làm lại cuộc đời

Hai năm trước, cậu bé Nguyễn Ngọc H. (14 tuổi, ở tổ 16, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là đứa trẻ lì lợm, cứng đầu. Ngày H. ra đời cha mẹ đã nghèo túng, không có nơi cư ngụ ổn định nên tờ giấy khai sinh cho con làm muộn. 14 tuổi nhưng H. mới học đến lớp 4, do mặc cảm với bạn nên bỏ học đi lêu lổng. Bà Th. mẹ H. tâm sự: “Lúc đó, vợ chồng tui nghèo khó ham làm kiếm miếng cơm nên không chăm nom con kỹ. Lúc nó bị người ta bắt rồi kéo lên công an vì tội trộm cắp tôi mới giật mình là cả một thời gian không để mắt tới biểu hiện bất thường của con”.

Lần đầu tiên, H. đi trộm phụ tùng xe ô-tô ở khu vực bến xe Đà Nẵng. Bị bắt, H. nhận tội nhưng do chưa đủ tuổi vị thành niên nên công an giao cho gia đình đưa về giáo dục. Ngựa quen đường cũ, ít tháng sau H. lại tiếp tục đi bưng dàn giáo ở một công trình xây dựng để bán lấy tiền chơi game thì bị bắt. Trung tá Nguyễn Phước Quang, Trưởng công an phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chia sẻ: “Dù trộm cắp đến lần thứ hai nhưng vì H. chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nên công an đưa vào danh sách “thiếu niên hư” để cảm hóa.” Sau đó, H. được Hội cựu chiến binh của phường Hòa An nhận để cảm hóa, giáo dục tại chỗ.

“Khi nhận H. để giáo dục chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề và quá thương bởi gia cảnh của cháu quá nghèo. Từ đó, anh em chi hội cựu chiến binh thường xuyên lui tới để gặp gỡ cháu. Một thời gian thấy cháu chưa tiến bộ nhưng các cựu chiến binh không nản lòng. Các cựu chiến binh miệt mài đến nhà ngồi tâm tình, dùng lời ngon ngọt động viên cháu. Thế rồi “mật ngọt chết ruồi” dần dà cháu biết lắng nghe, tiến bộ hẳn. Với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, mình dùng biện pháp răn đe, quát nạt là thất bại ngay. Các em chỉ thích lời khuyên bảo nhẹ, rồi mình làm việc tốt rủ nó tham gia thì các cháu sẽ đi theo” - ông Nguyễn Viết Miên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa An, chia sẻ.

Giờ, H. trở nên là đứa trẻ ngoan hiền. Hôm chúng tôi cùng ông Miên tới nhà thăm, bà Th., mẹ H. vui vẻ nói: “Cái Tết này gia đình tôi vui hơn vì thằng cu giờ đã ngoan lắm rồi.” Bà Th. khoe mấy tháng nay cháu đã biết phụ mẹ xếp giấy cho người ta mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn. Số tiền không lớn nhưng bà rất vui vì coi như “giữ được đứa con”. Bà nói ra Tết sẽ nhờ mấy bác cựu chiến binh hỏi giùm, có cái nghề gì phù hợp thì cho cháu theo học.

Cũng như H., em Nguyễn Tùng V. (17 tuổi, tổ 39, phường Hòa An) sau một năm được hội cựu chiến binh kèm cặp đã dứt bỏ được “nàng tiên nâu”. V. ham chơi bỏ học, sớm sa ngã, quậy phá rồi dính đến ma túy của ba năm trước giờ đã là đứa con ngoan, biết lo cho tương lai. Hơn cả năm nay V. là một thành viên luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của khu phố. Trung tá Nguyễn Phước Quang, Trưởng công an phường Hòa An cho biết khi biết V. rơi vào con đường nghiện ma túy, quậy phá, địa phương đã lập hồ sơ quản lý giao cho cảnh sát khu vực và hội cựu chiến binh phối hợp theo dõi, giúp đỡ. Qua thời gian V. đã nhận thức được hành động sai trái của mình và quyết tâm cai nghiện thành công. Sự tiến bộ rõ nét của bản thân và tham gia tích cực vào các phong trào tại địa phương, năm 2012, em V. được UBND quận Cẩm Lệ tặng giấy khen. Nói về đứa con có thời lầm lỗi, ông Nguyễn Tiến Dũng xúc động: “Vợ chồng tôi rất vui sướng khi thấy con thức tỉnh nhận ra sai lầm của mình. Con trở nên tử tế như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ tận tâm của các anh cựu chiến binh và công an ở khu vực. Cháu bây giờ ngoan hiền nên vợ chồng tôi cũng yên tâm, trước Tết, vợ chồng tôi đã đưa cháu ra Hà Nội học nghề điện tử theo ý nguyện của con”.

Cậu bé 7 lần ăn trộm

Ba năm trước, hai  anh em ruột Đặng Văn T. (18 tuổi) và Đặng Hồng D. (17 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là những thiếu niên có “thành tích” đặc biệt nên được địa phương đưa vào diện cảm hóa. Tùng bắt đầu ham chơi quậy phá từ lúc học cấp 2 rồi lên đến lớp 10 thì nghỉ học. “Em ham chơi điện tử nhưng ba mẹ nghèo không cho tiền rứa là rủ nhau đi ăn trộm. Em chỉ ăn trộm lặt vặt thôi, đa số là thấy ai sơ hở là lấy cắp điện thoại. Trộm được 7 vụ thì em bị bắt”. Cũng như lời người anh tâm sự, D. cũng ham chơi một vài lần, rồi theo bạn bè đi trộm để lấy tiền tiêu xài.
5
Cậu bé Nguyễn Ngọc H. (14 tuổi) nói đã nhận ra lỗi lầm, chiếc xe mà em đang đi là phần quà của sự tiến bộ mà Hội Cựu chiến binh dành tặng cho em.

Sau khi bị bắt, D. và T. được giao về cho Đoàn phường cảm hóa. Nhớ lại ngày đầu “nhận” hai anh em T. và D., anh Hồ Tấn Phước, Bí thư Đoàn phường Nại Hiên Đông nói: “Khi tiếp xúc với hai em, chúng tôi mới biết hoàn cảnh gia đình các em quá khó khăn. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm gần gũi, nỗ lực để xóa đi mặc cảm của các em. Ngày Tết nhứt dù có bận rộn gì chúng tôi cũng dành thời gian để ngồi bên hai em nửa ngày. Với các em lứa tuổi này, khi vi phạm pháp luật mà mình đưa vào trường giáo dưỡng thì ngày trở lại cộng đồng sẽ tăng thêm “độ lì”. Vì vậy, việc tiếp cận rồi gần gũi thân thiện ở cộng đồng là cách tốt nhất giúp các em nhận ra sai trái làm lại đời mình”.

Từ hai cậu bé “chiến tích” trộm cắp, chỉ sau thời gian lại trở nên đằm tính. D. tâm sự: “Em đã nhận ra lỗi lầm của mình. Hôm trước ngồi ăn cơm, mẹ em bảo “ba năm trước hai đứa bây mà được như bây giờ thì tau sướng biết mấy”. Nghe mẹ nói như vậy, em thương mẹ vô cùng. Té ra em đã làm cha mẹ buồn tủi thời gian dài mà em không biết. Giờ em chỉ biết nỗ lực làm việc tốt, xin việc làm kiếm tiền để phụ mẹ nuôi hai đứa em ăn học”. Anh Phước tâm sự: “Mình cảm hóa các em không phải để lấy thành tích mà muốn kéo các em lại không để lún sâu vào con đường phạm tội. T. và D. sớm thức tỉnh, trong đợt bão vừa qua, hai đứa còn tham gia cùng cán bộ phường trực bão, giúp bà con dọn dẹp nhà cửa”. Hiện T. đi phụ thợ hồ kiếm tiền giúp mẹ, còn D. mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng từ việc giữ xe và làm thêm ở quán cháo gần nhà. Anh Phước cho biết, hiện Đoàn đang giúp hai anh em T. và D. làm hồ sơ để giới thiệu xin vào làm việc ở Công ty giày Hữu Nghị. Có thể ra Tết hai em sẽ được đi làm.

Cũng tại phường Nại Hiên Đông, hình ảnh cô Bí thư Chi đoàn Nại Hưng 3 Đinh Thị Y Nguyên cũng khiến mọi người cảm phục. Nguyên đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng lại đứng ra nhận một thiếu niên hư để cảm hóa. Người mà Nguyên nhận là em Đoàn Duy R. (17 tuổi). Hai năm trước R. đang học lớp 10 thì bất ngờ lơ là, thường xuyên bỏ học, đi trộm xe đạp bán lấy tiền tiêu xài và bị bắt. Biết được hoàn cảnh của R., Nguyên tìm cách tiếp cận để giúp R. trở lại lớp. Nguyên kể: “Ban đầu tiếp xúc với em này quá khó bởi tính khí đứa trẻ mới lớn rất ương ngạnh. Nhưng mưa dầm thấm lâu, sẵn kinh nghiệm của một cô sinh viên nhiều năm dạy kèm mình đã thuyết phục được R. Sau đó, biết R. có năng khiếu học tin học mình cùng với Đoàn phường vận động được 4 triệu đồng góp mua máy tính tặng R. Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn R. đã trở lại học hành tử tế, biết nghe lời bố mẹ”. Bây giờ R. đã là học sinh lớp 12 và vừa được bầu làm lớp trưởng, học hành chăm ngoan.

Việc làm có tính nhân đạo

Để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 24. Đến năm 2011, Đà Nẵng đã giao cho 3 đơn vị là Công an, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên ký kết thi đua cảm hóa thanh-thiếu niên hư, đơn vị nào cảm hóa được thiếu niên hư thì sẽ được thưởng tiền… Trong năm 2012, 3 đơn vị này đã ký kết giao ước nhận cảm hóa, giáo dục cho 189 thanh-thiếu niên hư, chậm tiến. Sau một năm, 156 em tiến bộ, hòa nhập cộng đồng (đạt hơn 82%). Tại hội nghị “Tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị 24” ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong huy động nguồn lực và trực tiếp giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo, ngăn chặn học sinh bỏ học và thiếu niên làm trái pháp luật. Chỉ thị 24 không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc”.