Nhà khoa học trẻ đam mê khoa học thông tin và máy tính

07:50 10/10/2015     1350

Tuổi trẻ sáng tạo   TS. Dương Trọng Hải vinh dự là một trong số hơn 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với các nhà khoa học trẻ năm 2015, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua. Là người đam mê khoa học thông tin và máy tính, TS. Dương Trọng Hải đã gặt hái nhiều thành công trên con đường nghiên cứu của mình.
Sinh năm 1981, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TS Dương Trọng Hải hiện đã có trên 40 công bố khoa học quốc tế, chủ nhiệm 02 đề tài cấp quốc gia và là thành viên nghiên cứu chính một đề tài quốc gia khác. TS. Dương Trọng Hải hiện cũng đang là phó tổng biên tập một tạp chí quốc tế, biên tập viên của nhiều tạp chí quốc tế ISI…

Sinh ra và lớn lên tại làng Cảnh Dương, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cũng là nơi có truyền thống hiếu học, TS. Hải chọn Đại học Sư phạm Tin học - Đại học Sư phạm Huế là nơi nghiên cứu, học tập và thắp lửa cho niềm đam mê khoa học.
j
TS. Dương Trọng Hải (thứ hai từ phải sang trái) cùng các  đồng nghiệp tại Hàn Quốc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những năm tháng đại học, dù điều kiện khó khăn nhưng chàng sinh viên Dương Trọng Hải luôn đạt được thành tích xuất sắc. Cuối năm thứ 3 đại học, anh nằm trong số 37 sinh viên toàn quốc có thành tích xuất sắc nhất về công nghệ thông tin được nhận học bổng của Bộ Bưu chính – Viễn thông và Tập đoàn Motorola.

Kết thúc đại học, Dương Trọng Hải đạt 100/100 điểm luận văn, được hội đồng phản biện đánh giá xuất sắc và được Đại học Sư phạm Huế tặng Bằng khen, một thành tích ấn tượng hiếm có sinh viên nào đạt được.

“Niềm đam mê nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thông tin và máy tính thật sự được đốt cháy khi tôi may mắn gặp được GS - TSKH Nguyễn Ngọc Thành. Thầy đã cho tôi cơ hội đi học Thạc sĩ và nghiên cứu ở Hàn Quốc. Từ đó tôi càng thấy rõ được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Từ đây, tôi đã dần có những công trình nghiên cứu”, TS. Dương Trọng Hải chia sẻ.

Trong thời gian làm tiến sĩ tại Hàn Quốc, anh là thành viên nghiên cứu chính của dự án "Xây dựng các mô hình quản lý tri thức ontology và ứng dụng vào các hệ khuyến nghị" do GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành làm chủ nhiệm, được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted).

Dương Trọng Hải cũng là trưởng nhóm và là thành viên nghiên cứu chính của nhiều dự án như Intelligent Augmented Reality và Intelligent Vehicle Routing System for 3PL tại Intelligent E-commercial Systems Lab thuộc đại học Inha (Hàn Quốc). Cũng trong thời gian này, anh đã có 22 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu trên thế giới, gồm 9 bài báo, 2 chương sách, 11 bài nghiên cứu… và giữ vai trò phản biện của nhiều hội nghị quốc tế và tạp chí khoa học.

Chia sẻ về những trở ngại gặp phải và động lực giúp anh đạt được thành công như hôm nay, TS. Hải cho biết: “Khi tốt nghiệp về nước, với kinh nghiệm nghiên cứu đã được tích lũy, tôi nung nấu khát vọng được cống hiến cho quê nhà. Vì vậy, không chỉ chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu thuần túy, tôi còn tìm cách để ứng dụng lĩnh vực công nghệ thông tin vào thực tiễn tại Việt Nam. Hướng ứng dụng mà tôi đeo đuổi ngay từ thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hàn Quốc là làm sao để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra ở miền Trung quê hương tôi. Và khi trở về nước vào năm 2013, tôi bắt tay vào hoàn tất đề tài này”.

Ý tưởng này đã được TS. Hải gửi tới Hiệp hội Biến đổi khí hậu quốc tế và được đánh giá cao. Hiện tại, cho dù hướng nghiên cứu và chuyên môn sâu của anh là xử lý dữ liệu lớn, nhưng anh vẫn dành một góc riêng để tiếp tục đeo đuổi hướng nghiên cứu trên. 

Nhắn nhủ đến thế hệ trẻ đam mê nghiên cứu, TS. Dương Trọng Hải cho biết, hiện nay có khá nhiều dự án từ ngân sách nhà nước (hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách nhà nước) mà nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng có thể tiếp cận như NAFOSTED (về nghiên cứu cơ bản), FIRST, IPP (Đổi mới sáng tạo - cho lĩnh vực ứng dụng), VIIP (Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp)...

Việc tiếp cận các dự án này hiện rất thuận lợi khi các cơ chế, chính sách của các dự án, quy trình xét duyệt và nghiệm thu rất công khai và minh bạch. Hướng nghiên cứu cơ bản đòi hỏi nhà khoa học phải có những thành công nhất định, những kinh nghiệm nghiên cứu trước đó. Còn các hướng nghiên cứu ứng dụng thì đòi hỏi các nhà khoa học cần phải hiện thực hóa những nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, nhà khoa học cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để có thể thương mại hóa sản phẩm ra thị trường./.