Người viết truyện cổ tích cuộc đời bên đôi nạng gỗ

16:41 24/04/2014     2056

Tuổi trẻ sáng tạo   Di chứng chất độc màu da cam (dioxin) đã gắn cuộc đời anh với đôi nạng gỗ. Vậy mà với một cánh tay lành lặn còn lại, anh đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành một cộng tác viên của nhiều tờ báo.
Có lẽ trong làng báo Việt Nam anh là “nhà báo” đặc biệt nhất bởi ý chí, nghị lực vượt lên số phận nghiệt ngã để viết những câu chuyện cổ tích như chính cuộc đời mình.

a
Với đôi nạng gỗ, Tính luôn cố gắng vượt đường xa tác nghiệp
 
Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra ở làng quê nghèo thuộc ấp Mỹ Lợi (xã Hòa Mỹ, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cơ thể Nguyễn Trung Tính (SN 1978) phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm 4 tuổi, di chứng chất độc màu da cam dioxin đã biến anh thành người tật nguyền.

Bà Nguyễn Kim Hồng, mẹ Tính kể lại: “Lúc đó 2 chân Tính cứ teo dần rồi không đi đứng được, cánh tay trái cũng teo theo thành ra cơ thể vặt vẹo. May nhờ cánh tay phải bình thường nên Tính có thể học, cầm viết được”.  Từ đó Tính làm quen với đôi nạng gỗ và nó trở thành người bạn gắn chặt cả cuộc đời bất hạnh của mình.

Bị tật nguyền, Tính vượt qua bao mặc cảm của cuộc đời để ráng sống, ráng học thật giỏi, cố gắng để không trở thành gánh nặng của xã hội. Nhờ ý chí, nghị lực phi thường, Tính không chỉ học giỏi mà còn viết chữ đẹp, biết vẽ tranh, hát hay nên được thầy cô, bạn bè quý mến.
Do nhà gần trường nên những năm học cấp 1, cấp 2, việc đi lại của Tính khá thuận lợi nhưng đến năm học cấp 3 phải về trung tâm huyện, việc học trở nên khó khăn hơn. Tính kể lại: “Nhà xa quá nên cha mẹ gửi mình về nhà ngoại để đi học. Hằng ngày mình chống nạng ra đầu đường chờ đứa bạn cùng lớp chạy xe đạp lại chở đi học”.
f
Nhà báo đặc biệt Trung Tính trước căn nhà nhỏ của mình
 
Vậy mà bất hạnh cuộc đời chẳng buông tha, Tính và người bạn gặp tai nạn giao thông suýt mất mạng. Do cơ thể ốm yếu, lại mang tật nguyền nên Tính là người bị nặng nhất phải nằm điều trị ở bệnh viện suốt hơn 1 tháng liền. Mới học lớp 11 Tính phải nghỉ học giữa chừng, gác lại mọi chuyện ước mơ sau lần tai nạn giao thông.

“Những năm tháng đó tôi cứ nghĩ cuộc đời sao quá đen tối với mình, có lẽ mình trở thành gánh nặng của gia đình và của xã hội. Phải đến 10 năm sau tôi mới đi học bổ túc trở lại để lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Học xong cũng không có tiền đi thi đại học hay học tiếp nữa vì nhà nghèo và còn phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học” – Tính tâm sự.

Chọn nghề báo nhờ bài viết về chính bản thân mình

Lúc năm học lớp 8, do Tính tật nguyền lại học giỏi, hát hay nên được một nhà báo ở địa phương tìm về tận trường để viết gương điển hình. Sau này, nhà báo ấy quay lại tặng tính bài viết đó như là một món quà. Tính say sưa đọc từng câu, từng chữ bài viết về mình và từ đó nung nấu ý định đi viết báo để kiếm sống. Ngay từ những năm học cấp 2 tính đã cộng tác cho một số tờ báo lứa tuổi học trò với những truyện ngắn, mẩu tin...

Khi bị tai nạn phải nghỉ học, không có việc gì làm, nhớ lại những lúc cộng tác báo và bài viết về cuộc đời mình  tính bắt đầu nghĩ đến việc viết báo cộng tác. Vậy là Tính lao vào viết cộng tác như một phóng viên không chuyên dù không có bất cứ mảnh giấy giới thiệu nào. Do không có giấy tờ gì nên tính chỉ quanh quẩn trong xã để viết những mảnh đời bất hạnh, gương người tốt, việc tốt cộng tác cho báo địa phương.

d
Góc làm việc đơn sơ của Trung Tính, nơi nhiều bài báo ra lò
 
Chưa hề qua bất cứ một trường lớp nào nên chuyện tác nghiệp, viết bài, chụp ảnh đều phải tự học, tự đọc báo để tích lũy kinh nghiệm. Người bình thường học đã khó nên với Tính phải phấn đấu gấp chục lần để có thể viết bài báo mà tòa soạn chấp nhận.

Tính kể lại: “Lúc đó mình nhờ đứa em rảnh rỗi chở mình đi tìm đề tài viết báo nhưng đa phần lỗ nhiều hơn vì tiền xăng xe rồi có khi gặp hoàn cảnh quá khó khăn mình phải móc tiền ra cho trong khi đăng bài nhuận bút chẳng bao nhiêu. Tuy vậy mình chỉ muốn cố gắng làm từ từ, tích lũy kinh nghiệm để tự nuôi thân không phải trông chờ vào người thân”.

Anh cho rằng, mình chọn nghề làm cộng tác viên cho các tờ báo là phù hợp với khả năng của mình nhất dù phải gặp nhiều khó khăn, vất vả. Chính bài báo viết về nghị lực của bản thân mình giúp Tính vượt qua khó khăn và quyết tâm gắn bó với nghề.

Viết chuyện cuộc đời bên đôi nạng gỗ


Nhiều lần đi tác nghiệp cùng anh, nghe những khó khăn vất vả Tính gặp phải mới biết được ý chí, nghị lực phi thường của người đàn ông tật nguyền này để theo đuổi nghề hơn chục năm nay. Phương tiện tác nghiệp của Tính chủ yếu là xe ôm, những lần được quá giang bạn đồng nghiệp thì Tính rất mừng vì khỏi sợ… lỗ vốn.

Có chuyến đi tiền xe ôm hơn 100 ngàn nhưng bài viết chỉ chừng 200 ngàn, có khi viết tin chỉ vài chục ngàn còn nếu không đăng thì coi như cầm chắc lỗ.

Chuyện lời, lỗ đối với anh xem như là bình thường, nhưng với anh còn nhiều thử thách khác để mình cố gắng vượt qua. Có lần Tính dự phiên tòa xét xử lưu động ở địa phương, sau khi lấy máy ảnh ra chụp thì bị công an hỏi giấy tờ. Vì không có giấy tờ nên Tính buộc phải xóa ảnh. Sau lần đó, tính gọi điện năn nỉ lãnh đạo cơ quan đại diện báo Tiền Phong ở ĐBSCL - nơi tính cộng tác nhiều năm để xin giấy giới thiệu.

Nhờ lãnh đạo thương tình cấp cho tấm giấy để từ đó Tính mới “đường đường chính chính” chụp hình mà không sợ bắt xóa hình ảnh. Tuy nhiên, với thân hình vặt vẹo, chống nạng tới cơ quan công, nhiều người cho rằng tính đi bán vé số hay bị khinh thường là chuyện hết sức bình thường.
s
Nụ cười lạc quan ẩn chứa nghị lực tràn trề của Trung Tính
 
Anh Tính tâm sự: “Mình tật nguyền nên người khác nỗ lực 1 thì mình phải nỗ lực 10 để vượt qua mọi trở ngại, thách thức vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người nhìn bằng ánh nhìn e ngại hay lầm tưởng mình bán vé số thì nhiều không kể hết”.

Bây giờ anh Tính khá thân thuộc với nhiều anh em làm báo ở đồng bằng sông Cửu Long, biết tiếng nhiều tờ báo đặt hàng và bút danh Trung Tính cũng trở nên quen thuộc với độc giả. Từ người không chuyên môn giờ  những bài viết của Tính viết khá sắc sảo với phong phú thể loại từ gương người tốt việc tốt đến phóng sự xã hội, an ninh trật tự…

Tính tâm sự: “Mình từ người tưởng chừng như gánh nặng của gia đình, xã hội giờ được như thế này thì hạnh phúc không gì bằng. Hàng tháng mình còn ráng để dành chút đỉnh tiền để lo cho cha trị bệnh, gom góp để lo cho tương lai”.

Với đôi nạng gỗ khập khiễng, Tính vẫn không ngại lê từng bước nặng nhọc đi khắp nơi tác nghiệp. Trước đây anh chỉ quanh quẩn trong xã nhưng giờ có thể tự tin thuê xe ôm đến các tỉnh xung quanh tìm đề tài, viết bài cộng tác cho các báo. Với anh Tính bài viết mình tâm đắc nhất, hay nhất vẫn là những mảnh đời bất hạnh.

Ở đó chuyện đời của họ cũng như chính cuộc đời của Tính luôn mang đầy nỗi bất hạnh nên anh rất đồng cảm. Với ý chí phi thường ấy, Tính không chỉ tự nuôi sống bản thân mình mà giúp nhiều người đồng cảnh ngộ, những mảnh đời thương tâm vượt qua khó khăn. Chính ý chí kiên cường giúp Tính có thể vững tin viết tiếp câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình bên đôi nạng gỗ trong nghiệp “bán chữ” ngày càng khắc nghiệt với bao khó khăn, vất vả của người tật nguyền.

Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam – Ban Thanh thiếu niên VTV6, Báo Thanh niên và Tập đoàn Hoa Sen tổ chức đến nay đã đi được ba phần tư chặng đường. Hai đêm Gala Tỏa sáng nghị lực Việt sẽ được tổ chức vào ngày 21/5/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và 24/5/2014 tại Hà Nội với nhiều nội dung hấp dẫn. Chương trình hội ngộ những tấm gương nghị lực Việt Nam với một vị khách mời đặc biệt, Diễn giả không chân không tay Nick Vujicic. Anh Nguyễn Trung Tính là một trong những tấm gương đó.