Nam sinh lớp 11 là chủ nhân Mạng xã hội học tập Việt Nam

16:28 01/08/2014     1627

Tuổi trẻ sáng tạo   Đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Phan Thanh Tùng đã là chủ nhân của phầm mềm sáng tạo “Mạng xã hội học tập” vừa đoạt giải cao nhất tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Ngãi.
Đam mê thiết kế phần mềm

Trò chuyện với Phan Thanh Tùng - học sinh lớp 11A12, trường THPT Số 1 Đức Phổ - làm người viết liên tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác... Chúng tôi như bị thu phục bởi vốn kiến thức của em trên tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng gì tin học. Em chẳng khác một diễn giả đích thực.

Khi nghe Tùng giới thiệu về phần mềm sáng tạo “Mạng xã hội học tập Việt Nam - StudyVn”, tôi không khỏi thắc mắc về khả năng tư duy, kiến thức tin học của em, bởi Tùng chỉ mới là cậu học trò ngồi trên ghế trường phổ thông.

a
Phan Thanh Tùng - học sinh lớp 11A12, trường THPT Số 1 Đức Phổ

Tùng nói như đinh đóng cột “rất đơn giản”. Bắt nguồn từ câu chuyện của bản thân trong quá trình học tập, gặp nhiều vấn đề như không nhớ các công thức, phương trình phản ứng, từ vựng tiếng Anh.

Muốn tìm các đề ôn tập không biết tìm ở đâu vì rất ít đi học thêm. Có đề thi hay thay vì phải cho bạn bè mượn photo, tốn thời gian tiền bạc.

Trong khi mạng xã hội thì nhiều, nhưng mạng về học tập ít, vì thế em muốn xây dựng một hệ thống học tập giải trí lành mạnh, giúp học sinh tự nghiên cứu, học tập và chia sẻ những kiến thức của mình. Từ đó giúp học sinh có khả năng tự học cao hơn, rèn luyện được tính sáng tạo, góp phần vào việc phát triển giáo dục nước nhà.

Với suy nghĩ đó, 6 tháng trước, Tùng đã bắt tay vào thiết kế và viết code (mã) cho phầm mềm StudyVn. Phần mềm này cung cấp các giải pháp, công cụ phục vụ cho công việc nghiên cứu, học tập, giải trí của học sinh.

Hệ thống có các chức năng như từ điển hóa học; trắc nghiệm online; tìm nhanh công thức, phương pháp giải bài tập toán nhanh; quản lý nhanh từ vựng, hỗ trợ học từ vựng nhanh và dễ dàng. Ngoài ra hệ thống còn tổng hợp các đề thi đại học của các năm và các chức năng đặc biệt khác.

Trước khi viết phần mềm, Tùng đã viết rất nhiều phần mềm theo đơn đặt hàng của khách hàng là những cửa tiệm váy cưới, đại lý đặt vé máy bay, đồ án, đề tài cho các sinh viên khoa công nghệ thông tin… ở nhiều trường đại học.

Đặc biệt, việc mua tên miền đã khiến tên tuổi Tùng tạo tiếng vang trong cộng đồng. Nó cũng giúp Tùng đoạt giải cao nhất (giải B) Hội thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Ngãi năm 2014.

Chia sẻ về kết quả của mình, Tùng nói: “Năm ngoái em dự thi cấp quốc gia với phần mềm Vdev Passcan - hỗ trợ lập trình cho ngôn ngữ Passcan và được giải khuyến khích vì hệ thống này còn quá đơn giản. Em hy vọng và tin tưởng StudyVn sẽ đoạt giải cao hơn”.

Từng là học sinh cá biệt

Trò chuyện với Phan Thanh Tùng, em dí dỏm bảo “quá khứ bất hạnh”. Theo lý giải của Tùng, “bất hạnh” ở đây có nghĩa là em không phải xuất phát từ học trò ngoan, giỏi trước khi trở thành chuyên gia phần mềm như nhiều người khác mà em từng là học sinh “cá biệt”.

Tùng hóm hỉnh kể: "Những năm tiểu học em là học sinh trung bình và bắt đầu mê điện tử từ năm học lớp 4. Lên lớp 5 em học khá hơn một chút. Năm học lớp 7, đây là năm đánh dấu bước ngoặc trong cuộc đời học tập của em khi tư duy toán học bắt đầu hình thành và em dần thích học môn học này".

“Bất hạnh” chưa dừng lại ở đó khi Tùng suy nghĩ nông cạn, bị xếp loại hạnh kiểm yếu vì đưa hình bạn đánh nhau lên mạng năm học lớp 8.

Với quá khứ ấy, khi bố mẹ Tùng quyết định nối mạng để Tùng có điều kiện tiếp xúc với tin học nhiều hơn thì vấp phải nhiều lời đàm tiếu của dư luận.

“Họ bảo mua cho nó chơi điện tử chứ học hành gì. Lúc ấy suy nghĩ của trẻ con nên em ghét họ vô cùng. Cũng chính sự ngờ vực ấy, cùng với niềm đam mê, em đã quyết tâm và có được sự thành công như hôm nay” - Tùng chia sẻ.

Thời điểm ấy, Tùng may mắn cho được một chiếc máy tính do dì ở bên Mỹ gửi về cho. Sau một thời gian ngắn sử dụng, máy hư Tùng mang sửa hết 70.000 đồng, nhưng về chạy 5 phút lại đứng máy vì hư ổ cứng.

Tùng lên mạng tra cứu cách khắc phục rồi tự mày mò cắt bỏ phần ổ cứng bị hư và học cách cài lại Windows. Cũng từ đó, Tùng thành thạo và đi cài Windows dạo khắp nơi và mỗi lần như thế, em được trả từ 50.000 - 70.000 đồng. Rồi Tùng bắt đầu mày mò tìm hiểu về viết phần mềm.

Điều ngạc nhiên là Tùng chưa hề học qua bất kỳ lớp học nào về viết phần mềm, tất cả chỉ đơn giản là do em lên mạng tìm tài liệu học, tải bộ phần mềm lập trình về rồi ngồi mày mò nghiên cứu.

Nghe Tùng nói thấy có vẻ đơn giản, nhưng người nghe đủ nhận thấy sự bền bỉ, quyết tâm vô cùng lớn của em. Nỗ lực không ngừng của Tùng đã mang về quả ngọt. Thành công luôn đi kèm với niềm đam mê và quyết tâm.

Tùng bảo lúc kiếm được vài chục nghìn từ việc đi cài đặt Windows cho khách hàng em mừng vô cùng. Đồng tiền kiếm được em luôn chắt chiu, dành dụm không dám tiêu. Đến giờ vẫn vậy, khi mà Tùng đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán phần mềm em vẫn luôn chắt chiu chúng.

“Đồng tiền từ chính mồ hôi nước mắt của mình, quý giá đến nhường nào. Em đã gửi được cho bố mẹ gần 10 triệu đồng. Quý thì có quý thật nhưng tiền bây giờ với em không là tất cả, phải nghĩ đến lợi ích lâu dài” - Tùng quả quyết

Em dành thời gian cho việc học, chăm sóc cậu em nhỏ đang học lớp 5 và giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Khi nào rảnh rỗi lên mạng tìm đọc tài liệu tiếng Anh về tin học. Càng nghiên cứu sẽ càng hình thành các liên kết.

Với học lực khá và 3 môn học tự nhiên là Toán, Lý, Hóa đều có điểm trung bình môn trên 8 điểm, Tùng đang nuôi hy vọng đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, sau đó tìm kiếm học bổng để đi du học.