Khát vọng cao đẹp được hiến đầu cho y học của chàng trai tàn tật

09:11 15/06/2016     3174

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Chàng trai viết nên cổ tích của đời mình là Phạm Sỹ Long, sinh năm 1988 tại xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em mà Long là trai độc nhất.
Trong cuộc sống có những điều tưởng như rất bình thường với người này nhưng nó lại là một điều khác thường đối với người kia; có những thứ tưởng như ta có thể dễ dàng nắm bắt được trong tầm tay, thế nhưng để thực sở hữu được nó thì ta phải đánh đổi bằng bao công sức khó nhọc, bao mồ hôi và thậm chí là nước mắt.

Chàng trai tật nguyền vẽ tranh, làm thơ, viết nhật ký bằng miệng


Cũng như bao người khác, tuổi ấu thơ của Phạm Sỹ Long đã trôi qua êm ả cùng với bao ước vọng hồn nhiên, trong trẻo, thế nhưng sự oan nghiệt của số phận đã cướp đi tất cả, một tai nạn ngã từ cây phi lao xuống đất khi đang học lớp 9 đã khiến Long gãy hai đốt xương cổ, dẫn đến bại liệt tứ chi. Lăn lóc hết bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, mẹ con lại ôm nhau về, vì y học đã bó tay.


Phạm Sỹ Long rèn luyện thành công khả năng viết bằng miệng
Phạm Sỹ Long rèn luyện thành công khả năng viết bằng miệng


Do chấn thương cột sống nên tứ chi teo tóp, hai chân khoèo không phát triển, hai tay khẳng khiu, da nhợt nhạt, gân xanh nổi chằng chịt, cổ tay gập, bàn tay dị hình, dị dạng, không cử động được. Tôi cầm tay Long và thấy lạnh ngắt. Tất cả sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào người thân, mà hai chị gái của Long lấy chồng xa, bố mất năm 2012 vì căn bệnh hiểm nghèo nên tất cả trông chờ vào mẹ. “Trời nắng nóng, nhà thì thấp quá nên tôi phải thường xuyên nhờ hàng xóm sang phụ giúp bế cháu đặt vào giường đẩy ra nhà tắm nằm dưới bóng cây cho mát, nếu hàng xóm đi vắng thì khó khăn lắm vì tôi cũng rất yếu!”, bà Hà, mẹ của Long tâm sự.

Không chịu khuất phục số phận, bằng nghị lực của mình, chàng trai này đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình bằng con đường sáng tác văn chương và hội họa. Việc đầu tiên Long làm là học viết chữ bằng miệng, Long nhớ lại “suốt một tuần đầu tiên khi học viết chữ bằng miệng, mình nhờ mẹ mua cho cái bút, tìm cho cuốn vở rồi cặp vở lên ghế và bắt đầu cắn bút tập viết. Lúc đầu khó khăn lắm, phải nằm nghiêng, mỏi cổ, răng cắn bút rơi xuống hàng chục lần, mẹ phải nhặt và đưa vào miệng giúp, một tuần đầu học viết mình phải ăn cháo, không thể ăn được cơm vì miệng sưng phồng, môi, lợi đau tê dại, không còn cảm giác, nước mắt ứa trào ra, không nhìn thấy gì. Nhiều lúc đau quá cũng thấy nản muốn bỏ cuộc nhưng suy nghĩ đó mình gạt ra khỏi đầu ngay và tiếp tục gồng mình, quyết tâm không chùn bước, cuối cùng mình cũng thành công”.

Đến nay, Long đã vẽ được hơn 50 bức tranh và sáng tác được hơn 30 bài trong tập thơ “Miền khát vọng” đã được xuất bản. Tôi cầm trên tay tập bản thảo cuốn “Nhật ký đời tôi” của Long mà cảm thấy xúc động đến tận cùng. Những hàng chữ đều đặn, tròn trĩnh, trơn tru không ai nghĩ được viết bằng miệng của một người bại liệt. “Tôi đặt tên bài thơ là định mệnh/ Đó chính là định mệnh cuộc đời tôi/ Là bài thơ đầu tay của tôi đó/ Đã giúp tôi tự tin sống giữa đời”,… tôi đã đọc say mê những câu thơ, những trang nhật ký về tuổi thơ của Long với sự cuốn hút đặc biệt. Cuốn hút bởi tính chân thực không tô vẽ, bởi cách kể chuyện dí dỏm thấm đẫm ước vọng, khát khao yêu thương và mang nỗi niềm “định mệnh” với những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật, là những biểu cảm qua sắc thái và bình diện cuộc sống. Tất cả đã minh chứng cho sự tài hoa của chàng thanh niên tật nguyền không cam chịu tàn phế, luôn quyết tâm vượt qua số phận để yêu đời hơn, “để làm được một điều gì đó có ích cho đời” như lời Long tâm sự.

Tình nguyện hiến đầu cho y học

Những bức tranh, lời ca, vần thơ ấy đã được Long mang lên mạng xã hội chia sẻ với cộng đồng. “Từ hôm sử dụng được điện thoại, Long lên Facebook trao đổi với bạn bè. Từ đó Long được an ủi. Chiếc điện thoại nhỏ bé ấy đã chuyên chở tâm hồn, ý nghĩ của Long đến với mọi người”. Tình cờ trong một lần đọc báo mạng trên điện thoại, Long biết được thông tin vào năm 2017  trên thế giới sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên và bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đang tìm người tình nguyện hiến đầu nên Long đã viết một bức tâm thư với tâm nguyện của mình đến bác sĩ Trịnh Hồng Sơn. Long kể về nỗi bất hạnh, đau khổ khi tai họa ập đến, những ngày sống trong đau đớn và những dằn vặt của đạo làm con khi chưa báo hiếu với cha mẹ mà lại trở thành gánh nặng vĩnh viễn của cha mẹ… Ý nguyện hiến đầu của Long khiến các bác sĩ Trung tâm thực sự xúc động và cho biết: Sẵn sàng chờ Long ra để thăm khám tổng thể.


Những tác phẩm mang đầy tâm sự của Phạm Sỹ Long
Những tác phẩm mang đầy tâm sự của Phạm Sỹ Long


Long nói “Mình cũng đã lường trước nếu ca phẫu thuật không thành công thì coi như mình là một thí nghiệm để cho các bác sỹ rút ra bài học. Mình muốn sống có ý nghĩa và nếu có chết thì cái chết đó cũng cống hiến được cho nền y học nước nhà”. Thế nhưng ý nguyện mang tính nhân văn sâu sắc của Long hiện nay cũng đang gặp khó khăn, vì điều kiện kinh tế quá eo hẹp nên gia đình Long vẫn chưa đủ kinh phí để đưa Long ra Hà Nội thực hiện việc thăm khám tổng thể. Hiện nay, Phạm Sỹ Long đang cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng.
Câu chuyện mang đầy tâm sự, nỗi niềm khao khát cháy bỏng của Long đã thể hiện rõ ý trong từng câu chữ, cũng là tiếng lòng của Long:

“Từ trên cao bất ngờ tôi ngã xuống
Tấm thân tôi tê liệt chẳng biết gì
Đôi tay đấy mà không hề cử động
Và đôi chân cũng chẳng thể bước đi
Tôi tàn tật khi tôi vừa mới lớn
Tuổi trăng tròn mười sáu đẹp lung linh
Giờ bỗng dưng bao ước mơ tan biến
Tôi u sầu mong phép lạ hồi sinh
Ai có lòng xin giúp dùm tôi với
Để cho tôi thoát khỏi nỗi u sầu
Hỡi trời cao! Ông trời ơi có thấu
Bao đêm dài con thức với cơn đau”…

Chia tay Long, lòng tôi ngậm ngùi khôn tả, vừa sẻ chia, vừa cảm phục chàng trai có số phận kém may mắn nhưng bản thân tôi cũng tự nhắc mình và mong rằng các bạn trẻ đọc được câu chuyện này hãy “Sống chậm lại”, đừng sống hoài, sống phí, hãy biết cách vượt qua mọi trở ngại để vun đắp hoài bão, biến ước mơ thành hiện thực.