Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam nhuần nhuyễn điều khiển “Hổ mang chúa”

18:22 23/03/2016     2072

Tuổi trẻ sáng tạo   Thượng uý Trần Thanh Luân (sinh năm 1988) tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo phi công quân sự (trường Sĩ quan Không quân Nha Trang) là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng Su-30MK2 mà không phải chuyển loại qua vài máy bay như những người khác.
Mới đây, anh đã vinh dự nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015 nhờ những thành tích xuất sắc và sự cống hiến trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng.

Làm phi công “tình cờ”

Tuy có bố làm việc trong quân ngũ, vẫn luôn ước mơ lớn lên được phục vụ trong quân đội nhưng anh Luân đến với nghiệp phi công rất tình cờ.

Đó là dịp chuẩn bị làm hồ sơ thi Đại học, anh đến cơ quan quân sự huyện đúng dịp đoàn khám tuyển phi công của Quân chủng Phòng không – không quân. Anh đã “liều” khám thử.

Thượng úy Luân nhớ lại: “Lúc đó mình cũng không ngờ quy trình khám tuyển phi công nghiêm ngặt, nhiều bước khó khăn, hàng trăm người khám chỉ chọn lấy được vài người. Nhất là phần khám về tiền đình, khi ngồi trên ghế quay xong nhiều người đứng không vững, xây xẩm và nôn mửa là chuyện thường".


d
Thượng uý Trần Thanh Luân. Ảnh Dân trí

May mắn Luân đủ sức vượt qua. Trúng tuyển và được đoàn khám tuyển mời ra Hà Nội khám vòng 2, sau hai lần thành công, Luân trở thành học viên Trường Sĩ quan Không quân.

Ðể trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, Luân phải trải qua hơn 5 năm học tập và rèn luyện, vượt qua hết những khó khăn ở trường. Ngoài học tập trên lớp, hàng ngày Luân phải học chạy dài, các môn thể thao hàng không, tập tiền đình, quay đu…

Quãng thời gian đầu, chưa quen với môi trường rèn luyện khắc nghiệt, nhiều hôm tập về người mệt lả, bỏ cả cơm, những tưởng không theo nổi ngành đặc thù này, nhưng với nỗ lực, quyết tâm được trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, anh đã vươn lên và tốt nghiệp thủ khoa.

Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh

Là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng chiến đấu cơ hiện đại Su-30MK2 - “Hổ mang chúa” trên bầu trời. Ðây là tiêm cường kích đa năng siêu âm với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh dùng để chiếm ưu thế trên không tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên không và mặt đất.

Ðến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay như Iak-52, L-39, Su-30MK2, trong đó Su-30MK2 chiếm gần 200 giờ bay. Đây là con số “mơ ước” đối với nhiều phi công trước và cùng thế hệ của Luân.

Theo anh Luân, để điều khiển “Hổ mang chúa” nhào lộn, bay đúng kỹ thuật thì không quá khó, nhưng để làm chủ, sử dụng phát huy tối đa được tính năng của vũ khí, khí tài trang bị trên chiến đấu cơ hiện đại này là một quá trình dài học tập cả lý thuyết lẫn những đợt tập bắn, ném bom đạn thật.

"Tôi rất thích câu nói của thầy tôi: Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh. Đối với nghề phi công, có những người dưới mặt đất học lý thuyết khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm. Công việc đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác gần như tuyệt đối nên bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời", Thượng úy Luân chia sẻ.

Đối với phi công quân sự, phi công chiến đấu thì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì bản lĩnh làm chủ của con người mới là yếu tố quan trọng quyết định thành bại.

Dù thực hiện nhiều chuyến bay trong đời, nhưng mỗi lần bay qua Trường Sa, ngắm nhìn trọn vẹn dáng hình Tổ quốc từ buồng lái đều khiến thượng úy trẻ xúc động. Khi đó, anh luôn tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng.

Nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, thượng úy Luân xúc động: Tôi may mắn được anh em, đồng đội thương yêu quý mến. Nhận giải thưởng này, tôi cảm thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa để dốc lòng, dốc sức phụ vụ Tổ quốc. Với tôi, mỗi giờ bay là một niềm hạnh phúc, là một lần lòng tự hào dân tộc lại thôi thúc tôi làm việc, cống hiến.