Cô gái xương thủy tinh và điều kỳ diệu

15:52 03/03/2014     2004

Tuổi trẻ sáng tạo   Với thân hình nhỏ bé, cao 80 cm, nặng 22kg, không ai nghĩ rằng cô gái 31 tuổi Nguyễn Thị Thu Thương (sinh năm 1983, Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội) trở thành giám đốc của một trung tâm dạy nghề, có thu nhập trung bình hơn 40 triệu đồng/tháng.
5
Người khuyết tật làm việc tại trung tâm của Thương

Không cam chịu số phận

Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương nằm ở thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km.

Tiếp chuyện chúng tôi tại cơ sở mới khang trang, chị Thương không giấu nổi niềm vui khi đã hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Khác với suy nghĩ của chúng tôi, chị không hề tự ti, mặc cảm như nhiều người khuyết tật khác. Thương vui vẻ chia sẻ về cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời.

Sinh ra là con thứ trong gia đình nghèo đông anh chị em. Bố làm công nhân xây dựng, mẹ làm nông nghiệp và sửa chữa quần áo tại nhà. Thương là người duy nhất trong gia đình bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không tự chăm sóc được bản thân.

Không chịu bó tay trước số phận, từ bé Thương đã đòi đi học chữ rồi học nghề. Thương luôn tự nhủ: “Mình bị bệnh về xương nhưng cái đầu vẫn bình thường, vẫn còn suy nghĩ được thì mình cố gắng học một nghề gì đó kiếm thêm thu nhập, bớt đi gánh nặng cho bố mẹ”.

Lúc đầu, Thương đòi đi học nghề nhưng bố mẹ không cho. Sau nhiều lần thuyết phục thì bố mẹ cũng đồng ý cho chị đi học làm những sản phẩm thủ công đơn giản. Từ đấy, chị đã mày mò tự làm ra các sản phẩm với mẫu mã sáng tạo đa dạng, phong phú như: Đèn bàn, áo len, lọ hoa...Sau một thời gian, nắm bắt được nhu cầu thị trường sản phẩm “tranh quấn giấy nghệ thuật”, chị đã quyết định mở rộng quy mô.

Năm 2008, Thương thành lập trung tâm đồ thủ công mỹ nghệ cho riêng mình. Do không có điều kiện thuê cửa hàng ở mặt đường, Thương đã mở trang mạng điện tử thuongthuong.net để quảng bá cho sản phẩm của trung tâm.

Nói về những khó khăn, Thương chia sẻ: Lúc đầu tôi không bán được hàng, tìm nguyên liệu rất khó vì các thương hiệu giấy ở Việt Nam không sản xuất loại đáp ứng được yêu cầu để làm sản phẩm tranh giấy. Giai đoạn sau bán không được giá, bán không cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất khác. Có những giai đoạn tưởng chừng như gục ngã, thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc. Nhưng với sự ủng hộ của gia đình, tôi luôn cố gắng vượt qua”.

Hỗ trợ người khuyết tật

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của Thương kể trước đây không bao giờ nghĩ là sẽ cho Thương đi học, bởi việc sinh hoạt cho cá nhân đã khó, nói gì đến học nghề. Thương có dự định ấp ủ mở trung tâm từ lâu nhưng gia đình không cho phần vì kinh tế hạn hẹp, phần vì lo cho sức khỏe của Thương.
5
Chị Nguyễn Thị Thu Thương bên sản phẩm tranh giấy

Sau khi tham gia chương trình Nick Vuijic ở Việt Nam, ý định thành lập trung tâm hỗ trợ người khuyết tật có việc làm của Thương lại trỗi dậy. Tôi muốn làm gì đó giúp đỡ cho những người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc, không còn cô đơn mặc cảm, hội nhập với xã hội tự tin hơn”, Thương nói.
"Tôi muốn làm gì đó giúp đỡ cho những người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc, không còn cô đơn mặc cảm, hội nhập với xã hội tự tin hơn”.

    Nguyễn Thị Thu Thương
Lan Hương là một thành viên của trung tâm, trước khi đến đây chị từng bị trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai, nhưng nay có công việc ổn định, chị có một cuộc sống tốt hơn. “ Tôi luôn biết ơn Thương vì nhờ Thương mà tôi có một gia đình hạnh phúc như bây giờ với người chồng là người khiếm thị”. Chồng của chị Lan Hương được Thương mai mối qua lớp học làm tranh giấy.

 

Gặp chị Lan Hương, người học trò lâu năm nhất của chị, được nghe chị kể về nhân duyên của chị khi theo học lớp dạy làm tranh giấy cuốn của chị Thương.

Văn Hướng (18 tuổi, quê ở Tuyên Quang), một học viên mới của trung tâm bị liệt chân bẩm sinh. Hướng biết đến trung tâm qua tìm hiểu trên mạng. “Tôi rất khâm phục tấm gương của chị Thương, muốn đến trung tâm học nghề để có thể có một công việc ổn định và tự nuôi sống được bản thân”, Hướng nói.

Nói về những dự định sắp tới, Thương cho biết: “ Tôi khá lo đầu ra cho sản phẩm, các bạn khuyết tật sức yếu, làm chậm nên không thể cạnh trạnh với các đơn vị sản xuất khác, tôi mong bán được sản phẩm với giá cao, có sự quan tâm của các đơn vị xã hội".